Tiếng Việt | English

29/01/2017 - 21:59

“Bảo tàng” trong tiệm phở

Giữa thành phố ồn ào, náo nhiệt, có một tiệm phở vô cùng đặc biệt. Bởi, thực khách đến đây có cảm giác như đang được tham quan một “bảo tàng” với hàng trăm, hàng ngàn cổ vật của thế kỷ trước cùng rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý báu về cuộc đời và sự nghiệp Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Anh “nông dân” yêu đồ cổ

Anh Phạm Ngọc Trường, sinh năm 1972, xuất thân từ gia đình 3 đời làm nghề nông tại xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Rời quê nghèo lên TP.HCM bươn chải kiếm sống, với sự cần cù, chịu khó, anh nông dân ngày nào giờ là chủ tiệm phở Bốn Phương khá nổi tiếng tại quận Bình Tân, TP.HCM. Quán phở không chỉ được nhiều người biết đến với hương vị thơm ngon mà đây còn là một “bảo tàng” thu nhỏ với hàng trăm, hàng ngàn cổ vật được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng trong không gian quán để mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Năm 2011, anh Phạm Ngọc Trường được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Người sở hữu nhiều máy thu thanh cổ nhất

Các cổ vật được anh sưu tầm trên 20 năm, từ khi mới bắt đầu lập nghiệp, gồm: Máy quay phim, chiếu phim nhựa, máy ảnh cho đến radio, máy hát đĩa than, máy đánh chữ,… của những năm đầu thế kỷ trước.

Những đồ vật này, có món anh góp nhặt từ… vựa ve chai hay từ cơ quan, trường học thanh lý; có món anh phải lặn lội ngược xuôi từ Nam ra Bắc để trao đổi với những người cùng sở thích; và cũng có món, anh phải kiên trì… năn nỉ chủ nhân “nhượng” lại vì quá đam mê được sở hữu.

Với chất giọng chân tình, mộc mạc của người dân Nam bộ, anh Trường chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, nhà nghèo, “gia tài” của cả nhà tôi lúc ấy là chiếc radio được sản xuất từ năm 1960. Nhờ có nó mà các anh chị em được nghe tin tức, giải trí, mở mang tầm hiểu biết. Khi chiếc radio bị cháy, tôi rất buồn và ao ước sau này sẽ sở hữu được thật nhiều radio như thế!”.

Vậy là, như ước mơ từ thuở bé, hiện tại, bộ sưu tập radio của anh lên đến con số hơn 1.200 chiếc, đều có tuổi đời hơn nửa thế kỷ và nhiều máy vẫn có thể bắt sóng, hoạt động “ngon lành”. Radio cổ của anh có xuất xứ từ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa Kỳ,… chủ yếu gồm 2 loại là radio tube (bóng đèn) và radio transistor (bán dẫn) với đủ hình dạng, kích thước độc đáo, có chiếc bé xíu như hộp diêm, có chiếc lại được mạ vàng hay bọc gỗ,… Và, “kiến tha lâu đầy tổ”, anh cũng là người được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Người sở hữu nhiều máy thu thanh cổ nhất vào năm 2011.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Cần Đước, niềm đam mê với nghệ thuật đờn ca tài tử “ngấm” vào trong máu anh từ khi còn thơ ấu. Dù cuộc sống tất bật, bộn bề, anh vẫn luôn muốn được nghe lại những âm thanh thời xưa cũ, dù chất lượng không như thời hiện đại nhưng nó lại khiến tâm hồn anh thư giãn, thoải mái như đang được sống trong không gian, thời gian mấy mươi năm về trước. Anh cũng là người sở hữu hơn 400 máy hát đĩa cùng hơn 1.000 đĩa than, đĩa nhựa với những giọng ca vàng như Út Trà Ôn, Phùng Há, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Tấn Tài, Minh Cảnh,… làm say lòng giới mộ điệu cải lương thập niên 50, 60 của thế kỷ trước.

Càng tiến vào sâu bên trong hay được chủ nhân dẫn đi tham quan cả ngôi nhà, chúng ta lại càng “choáng ngợp” vì anh còn có hàng trăm máy quay phim, chụp ảnh cùng rất nhiều cổ vật khác.

Hiện tại, anh sở hữu trên 400 chiếc máy đánh chữ, 400 máy quay phim nhựa, gần 100 máy chiếu phim nhựa và hơn 1.200 máy chụp ảnh các loại của những năm đầu thế kỷ XX. Trong đó, những chiếc máy ảnh có chiếc nhỏ hơn một nắm tay dùng chụp những tài liệu bí mật trong chiến tranh hay những chiếc máy có kích thước đồ sộ, cao gần 2m, ra đời từ thế kỷ XIX, được anh gọi vui là “đại ca” trong “gia đình” máy ảnh,… Tất cả những đồ vật anh có được, ngay cả những người “có tiếng” trong giới sưu tầm cổ vật, khi đến đây cũng đều phải khâm phục.

Góp nhặt quá khứ dành cho thế hệ sau

Ngoài đồ “công nghệ”, anh còn sưu tầm cả những đồ vật thường dùng trong cuộc sống hàng ngày như hàng trăm chiếc cân tay - dấu ấn một thời văn hóa kẻ chợ của người Nam bộ xưa. Ngày nay, khi cân điện tử dần thay thế, chiếc cân bằng sắt, bằng gang ngày nào cũng “lui” vào ngơi nghỉ.

Không gian bên trong tiệm phở trưng bày rất nhiều hình ảnh Bác Hồ, cổ vật mà anh sưu tầm được

Hay có những thứ anh sưu tầm lại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ như cá sứ - một vật trang trí trong các gia đình Nam bộ từ 20, 30 năm về trước. Những con cá tưởng chừng quá đỗi bình thường với đôi mắt lồi, miệng mở to ngậm dây trầu bà hay cắm hoa bỗng trở nên vô cùng độc đáo và giá trị khi được chủ nhân tập hợp lại.

Những con cá đủ chủng loại, có xuất xứ từ các lò gốm tại Lái Thiêu, Biên Hòa với màu sắc, nước bóng vẫn còn, hình dáng không trùng lắp, thể hiện sự sáng tạo của nghệ nhân dân gian làm ra chúng. Biết đâu, tầm 50, 100 năm nữa, những chú cá này lại trở thành tài sản vô giá cho con cháu đời sau?

Không chỉ vậy, trong khuôn viên căn nhà tại quê hương Cần Đước của anh cũng chất đầy… bánh xe bò và cối đá xay bột. Cách đây gần 20 năm, anh lặn lội khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ bổ sung cho bộ sưu tập của mình hơn 1.000 chiếc cối.

Thời ấy, khi thấy anh lụi cụi “tha” về bánh xe bò, cối xay, nhiều người còn nghĩ anh “chơi ngông” vì thời nay chẳng ai còn sử dụng những thứ ấy, phí tiền mua về chẳng dùng để làm gì. Thậm chí, có những chiếc cối bị vùi sâu trong đất vì lâu ngày chủ nhân không dùng đến, anh cũng năn nỉ mua lại, đào lên rồi khệ nệ mang về. Vậy đó, không mua anh lại chịu không nổi! Với anh, được xay cối đá cũng là lúc sống lại những kỷ niệm tuổi thơ, cả nhà quây quần, xay bột làm bánh trong những ngày giỗ chạp, lễ tết. Dù đi đâu, làm gì, trái tim anh vẫn luôn hướng về quê hương, nguồn cội.

Mốt cố sách báo và cổ vật mà anh sưu tầm được

Chẳng ước ao trở thành nhà nghiên cứu cổ vật, anh sưu tầm đơn giản vì lòng đam mê và mong muốn sẻ chia, lan tỏa tấm lòng với những giá trị truyền thống. Anh chỉ mong thế hệ con cháu, tuổi trẻ mai sau dù đi đâu, làm gì cũng đều biết trân trọng quá khứ, hướng về nguồn cội, quê hương.

Và, một thói quen đặc biệt, trong không gian tiệm phở của anh, hàng trăm bức ảnh Bác Hồ được tỉ mỉ dán ngay hàng, thẳng lối trên tường để thực khách dễ dàng nhìn thấy.

Những bức ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác được hình thành từ một ý tưởng “nhen nhóm” ngày còn thơ bé với lòng tôn kính vị Cha già dân tộc. Lớn lên, mỗi khi bắt gặp hình ảnh của Bác từ sách, báo, tạp chí hay khi được cho, tặng, anh đều nâng niu, trân trọng đem phóng lớn, ép nhựa và chú thích cẩn thận rồi dán lên tường.

Sách, báo, tài liệu về Bác cũng được anh sưu tầm để tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp vị lãnh tụ vĩ đại. Ngoài ra, những vật dụng gắn với cuộc đời Bác cũng được anh cất công sưu tầm.

Tuy không thực sự là đồ mà Người đã dùng qua nhưng anh cũng cố gắng tìm mua đúng loại, đúng hiệu như của Bác. Anh còn đặc biệt cảm ơn những người khách lạ, dù không hề quen biết nhưng sẵn sàng đóng góp hình ảnh, tài liệu về Bác vào bộ sưu tập cho anh. Thế mới thấy, tiệm phở của anh cũng là nơi kết nối những người cùng đam mê, sở thích, chung lòng gìn giữ những giá trị truyền thống lại với nhau.

Anh Phạm Ngọc Trường sẵn sàng giới thiệu về những món đồ cổ mình sưu tầm được khi bạn bè, thực khách đến “tham quan” “bảo tàng” đặc biệt của mình

Trái với cái náo nhiệt, ồn ã của nhịp sống sôi động ngoài kia, ai từng một lần đặt chân đến “bảo tàng” trong tiệm phở, chắc chắn sẽ cảm nhận được một mùi hương xưa cũ, trầm mặc, đối nghịch hoàn toàn với không khí bên ngoài.

Một món đồ cũ kỹ, không còn giá trị sử dụng đối với những người không biết, không trân trọng có khi chỉ là đống sắt vụn, nhưng dưới con mắt nhà sưu tầm, có khi đó là vô giá. Nếu quy ra giá trị vật chất, không biết bao nhiêu tiền anh “đổ” vào những chiếc máy, đồ vật “già cỗi” ấy.

Với anh, mỗi một món cổ vật đều mang giá trị tinh thần đặc biệt, chúng là những bằng chứng lịch sử, thể hiện sự phát triển, đi lên của nhân loại. Một đồ vật với ngần ấy thời gian, “qua tay” biết bao đời chủ, phải có “duyên” lắm mới dừng chân tại nhà anh. Chẳng ước ao trở thành nhà nghiên cứu cổ vật, anh sưu tầm đơn giản vì lòng đam mê và mong muốn sẻ chia, lan tỏa tấm lòng với những giá trị truyền thống. Anh chỉ mong thế hệ con cháu, tuổi trẻ mai sau dù đi đâu, làm gì cũng đều biết trân trọng quá khứ, hướng về nguồn cội, quê hương./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết