Tiếng Việt | English

16/10/2015 - 20:07

Vụ tự xưng nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ tại Quảng Trị

“Cậu Thủy” lãnh mức án tù chung thân

Sáng 16-10, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo tìm mộ hài cốt liệt sĩ do Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”) cầm đầu.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận cả nước quan tâm hơn 2 năm qua mà Báo SGGP đã liên tục phản ánh về các manh mối, dấu hiệu phạm tội của các đối tượng liên quan trước khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra tống đạt quyết định khởi tố vụ án này.

Bị cáo Nguyễn Văn Thúy đang được dẫn vào tòa để xử án.

Phiên tòa đã đưa ra xét xử bảy bị cáo về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “xâm phạm mồ mả, hài cốt” gồm: Nguyễn Văn Thúy, tức “cậu Thủy”, 56 tuổi; Mẫn Thị Duyên, 53 tuổi, vợ Thúy; Mẫn Đức Phương, 37 tuổi, em ruột Duyên, cùng trú tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Văn Hoành, em ruột Thuý trú tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Trường Sơn, 28 tuổi, trú tại Sóc Sơn - Hà Nội và Nguyễn Anh Chiều, 32 tuổi, con rể Duyên, trú tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Riêng bị can Vũ Đức Chung, là nhân viên quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô (Kon Tum) bị truy tố về tội “xâm phạm mồ mả, hài cốt”. Còn Nguyễn Văn Hoành bị truy tố thêm tội “trộm cắp tài sản”.

Theo ghi nhận, từ sáng sớm 16-10, hàng trăm người quan tâm đã đến tham dự phiên toà này, trong đó có nhiều cựu chiến binh mang theo cả di ảnh đồng đội đến tòa. Ông Võ Ngọc Mậu, Thẩm phán TAND tỉnh Quảng Trị làm chủ tọa phiên tòa. Về phía bị hại, ông Nguyễn Hoàng Khương là người được ủy quyền của Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (CSXHVN). Một trong 3 nhân chứng được tòa triệu tập vắng mặt là ông Trần Minh Thanh, nguyên Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự Quảng Trị. Chủ tọa Võ Ngọc Mậu cho rằng ông Thanh đã có bản khai khá đầy đủ trong hồ sơ vụ án nên HĐXX quyết định vẫn đưa vụ án ra xét xử. Các luật sư bảo vệ cho các bị cáo có mặt đầy đủ. 8 giờ 50 phút sáng 16-10, HĐXX phiên tòa hoàn thành phần thủ tục. Chuyển qua phần thẩm vấn.

"Cậu Thủy" ngồi giữa chỉ đạo việc đào bới tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại hiện trường giả mà y cùng đồng bọn thực hiện.

Ông Lê Bảo Vân, đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị, đọc cáo trạng vụ án với nội dung: Trộm - làm giả và “tìm kiếm, cất bốc” hài cốt là những thủ đoạn chính mà Thúy cùng đồng bọn sử dụng trong nhiều năm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân có chung nỗi khắc khoải tìm được hài cốt liệt sĩ là thân nhân của mình hy sinh tại mặt trận phía Nam.

Nhưng chiêu trò bịp bợm của chúng bắt đầu lật tẩy vào ngày 25-7-2013 tại khu vực tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, với sự giúp sức của Ngân hàng CSXHVN, “cậu Thủy” đã bày ra hiện trường giả rồi “cất bốc” 9 hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai). Diễn biến việc đào bới, tìm hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị giám sát chặt chẽ và đưa ra phản ứng dữ dội ngay tại hiện trường với nhận định: “Tất cả các mẫu vật ở 3 hố đào đều làm giả với xương cốt còn dính đất nâu vàng khi xung quanh là đất cát; nhiều xương nhỏ, bi đông còn mới…”.

Các bị cáo đứng trước vành móng để nghe đại diện VKSND Quảng Trị đọc cáo trạng.

Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Thúy đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình khi nghe xong cáo trạng do Viện kiểm sát tỉnh Quảng Trị công bố. Thúy và các đối tượng lần lượt khai nhận, y cùng đồng bọn đã triển khai hành vi đào trộm mộ ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Trị. Để xác định được các phần mộ có hài cốt, ban ngày Thúy và Duyên vờ làm khách đi tìm mộ người thân ở các khu mộ vô danh. Đêm xuống, hai tên này trực tiếp hướng dẫn cho Hoành, Chiều, Phương, Sơn vào nghĩa trang lấy trộm hài cốt bằng cách lấy thanh sắt 80cm cạy nắp mộ và dùng tay lấy phần xương cốt cho vào nilon rồi "dọn dẹp" trả lại hiện trường sạch sẽ. Đặc biệt, trong những lần đi trộm mộ, Thúy luôn mang theo 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công của 2 anh trai để nếu bị phát hiện sẽ biện bạch rằng đang đi tìm hài cốt người thân. Lấy hài cốt xong, bọn chúng trộn với các đồ dùng cũ như bi đông, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo bộ đội… rồi giao cho Mẫn Đức Phương khắc tên làm giả thành những di vật của bộ đội để củng cố niềm tin và có căn cứ khẳng định là hài cốt là liệt sĩ. Tiếp đó, các đối tượng đưa hài cốt và các di vật giả đến một vị trí kín đáo đã chọn trước (gần những nơi từng diễn ra những trận đánh giữa bộ đội ta và quân thù) để chôn cất. Đồng thời nện đất, tưới nước trên bề mặt các hố chôn...

Chuẩn bị xong hiện trường giả, Thúy gọi điện cho những người nhờ tìm kiếm thân nhân liệt sĩ thông báo đã tìm ra. Trong lễ cất bốc, Thúy làm lễ để “nhập vong”, Duyên đi sau dìu đến vị trí chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, chỉ đến tối nhóm này mới thực hiện việc cất bốc "hài cốt liệt sĩ" để hạn chế việc bị phát hiện chiêu trò lừa đảo. Tính riêng từ đầu năm 2012 đến trước khi bị bắt, nhóm này đã trộm khoảng 70 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế rồi chia nhỏ, làm giả mộ liệt sĩ ở nhiều tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Phước, Đắk Lắk… Mỗi hài cốt vờ tìm được, Thúy và đồng bọn lấy tiền công của các nạn nhân từ 75-115 triệu đồng.

Ở một diễn biến khác, Thúy và Duyên là những đối tượng đã từng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi chấp hành xong hình phạt trở về sinh sống tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, cả hai tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội của mình với danh nghĩa “nhà ngoại cảm”. Từ năm 2008, Thúy và Duyên đã thực hiện việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt cho những gia đình có nhu cầu. Để tạo lòng tin, thời gian đầu Thúy làm cho có tiếng tăm, các gia đình tự nguyện chi trả chứ Thúy không hô giá. Ban đầu để phô trương thanh thế, sau khi chuẩn bị xong hiện trường giả, Thúy chỉ đạo đồng bọn sử dụng máy quay ghi lại các hình ảnh trong lúc y diễn trò “nhập vong” để “tìm kiếm, cất bốc” hài cốt. Tiếp đó, đưa về biên tập, dàn dựng, chép ra thành đĩa để bán, tặng cho các gia đình có nhu cầu cần tìm hài cốt liệt sĩ.

Sau phần thẩm vấn các bị cáo, chiều 16-10, HĐXX phiên tòa tiếp tục phiên thẩm vấn về nội dung lừa đảo các thân nhân gia đình liệt sĩ do “Cậu Thủy” cầm đầu.

Bị cáo Nguyễn Văn Thúy khai đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tiến hàng bốn đợt tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ. Trong đó, 1 đợt tại Bình Phước, 2 đợt tại Đắc Lắc, 1 đợt tại Quảng Trị. Tổng số hài cốt liệt sĩ tìm được trong 4 đợt này là hơn 105 bộ. Cơ quan điều tra vào cuộc đã chứng minh tất cả hài cốt liệt sĩ mà “cậu Thủy” cùng Công đoàn ngân hàng CSXH thực hiện trước đó đều là giả. Ngoài ra, Thúy cùng đồng phạm còn lấy trộm hài cốt, đưa đi làm giả hiện trường nơi có chôn liệt sỹ và tổ chức tìm kiếm, cất bốc hài cốt để chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của 12 cá nhân, tổ chức khác.

Tòa cũng thẩm vấn bà Nguyễn Hải Anh là cán bộ văn phòng, đại diện Ngân hàng CSXH (ngân hàng bị "cậu Thủy" lừa hơn 7 tỉ đồng trong quá trình truy cập hài cốt liệt sĩ) tham dự phiên tòa. Bà Anh cho biết, bà có mặt trong hai đợt cất cốt tập thể hài cốt liệt sĩ ở Đắc Lắc và Quảng Trị. Bà Anh nói bà bị “áp vong” nên không biết mình nói gì, làm gì nữa. Trong khi đó, những người bị hại có mặt tại tòa đều cho rằng, ai cũng tin tưởng và xúc động khi được Thúy chỉ dẫn nơi an nghỉ của người thân. Nhưng khi nghe được tin Nguyễn Văn Thúy lừa đảo, ai cũng thất vọng, đau xót.

Tòa tiếp tục mời bị cáo Thúy lên thẩm vấn làm rõ những tình tiết liên quan thủ đoạn lừa đảo về khả năng "ngoại cảm" của bị cáo khiến thân nhân các liệt sĩ đã tin tưởng Thúy có thể nói chuyện với vong hồn liệt sĩ, để tìm ra hài cốt cho họ. Bị cáo Thúy khai: "Xuất phát từ tôi từng đi tìm hài cốt của 2 anh tôi, tôi thấy liệt sĩ vô danh rất nhiều. Ngoài mục đích lừa về kinh tế, tôi còn muốn đưa các liệt sĩ vô danh về các gia đình thờ các liệt sĩ vô danh. Nên tôi dẫn đến sai trái đó". Thẩm phán hỏi: “Sao anh lại dùng đến xương cốt con người để lừa đảo?”. "Cậu Thủy" nói: Trước đây tôi cũng có khả năng về tâm linh nên tôi mới làm sai trái như vậy. Thẩm phán lại hỏi tiếp: "Tại sao anh lại bảo đồng phạm đi trộm ở nghĩa trang liệt sĩ chứ không phải ở nơi khác? Thúy nói: “Tôi chỉ muốn đưa các liệt sĩ vô danh có nơi thờ”. Thẩm phán bác bỏ: “Vì các anh thấy ở nghĩa trang liệt sĩ dễ, trông coi còn lỏng lẻo nên các anh mới làm vậy. Các anh đừng ngụy biện. Đó là cái mà anh lợi dụng...Vì nhu cầu tìm thân nhân liệt sĩ rất cao nên các anh bất kể chứ đừng nại ra cái chuyện như thế... Bởi bất kể ai, khi thấy xương cốt con người, người ta phải tôn trọng, đó là linh thiêng lắm. Đối với xương thịt bình thường thôi người ta đã tôn trọng rồi huống hồ đây là hài cốt liệt sĩ”. Tại sao bị cáo có thể cho phép mình làm cái việc vô đạo ấy?

"Cậu Thuỷ" chỉ cúi đầu, không trả lời vào câu hỏi.

Sau phần thẩm vấn, tòa chuyển qua phần tranh tụng. Viện KSND Quảng Trị kết luận và đề nghị mức hình phạt dành cho các bị cáo. Sau đó, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên phạt, Nguyễn Văn Thúy (tức cậu Thủy) mức án tù chung thân, Mẫn Thị Duyên 25 năm tù, Mẫn Đức Phương 18 năm tù, Nguyễn Trường Sơn 15 năm tù và Nguyễn Anh Chiều 5 năm tù về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “xâm phạm mồ mả, hài cốt”. Bị cáo Vũ Đức Chung, là nhân viên quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô (Kon Tum) bị tòa tuyên 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “xâm phạm mồ mả, hài cốt”. Còn Nguyễn Văn Hoành 23 năm tù về 3 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “xâm phạm mồ mả, hài cốt” và “trộm cắp tài sản”. Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị hại gần 8 tỷ đồng./.

Văn Thắng-Ngọc Lan/Theo sggp.org.vn

Chia sẻ bài viết