Tiếng Việt | English

02/12/2020 - 08:44

“Chất keo” kết nối người dân

Để hoàn thành bất cứ việc gì đều cần có sự đồng lòng, đoàn kết của người dân. Muốn người dân đồng thuận thì cần làm cho dân tin, dân hiểu, dân thương.

Những cuộc chuyện trò “bàn trà” giúp xóm giềng hiểu, gần gũi và gắn bó nhau hơn

Những cuộc chuyện trò “bàn trà” giúp xóm giềng hiểu, gần gũi và gắn bó nhau hơn

Kết nối từ những “bàn trà”

Bàn trà buổi sáng ở nhà ông Phạm Văn Son, ngụ khu phố Hồi Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An hôm nào cũng đông đúc. Hàng xóm, bạn cựu chiến binh (CCB) của ông đến nói đôi câu chuyện về thời tiết, kỹ thuật trồng thanh long. Những cuộc chuyện trò giúp xóm giềng hiểu, gần gũi và gắn bó nhau hơn.

Ngoài “họp bàn trà” mỗi ngày, hàng tháng, người dân trong ấp còn ngồi lại với nhau trong những cuộc họp Tổ An toàn đoàn kết, họp các chi, tổ hội,… Ông Son kể, hiện khu phố Hồi Xuân có 5 tổ An toàn đoàn kết, mỗi tháng họp một lần. Từ khi có tổ, ông thấy xóm giềng thân thiết, gần gũi nhau hơn, tình hình an ninh, trật tự cũng được bảo đảm hơn. Ông nói: “Cuộc họp nào cũng có trưởng ấp dự nên hễ có gia đình nào gặp khó khăn là trong ấp đều biết để kịp thời giúp đỡ. Ngoài tham gia Tổ An toàn đoàn kết, tôi còn là hội viên Hội CCB nên lúc nào cũng thấy mình được gắn bó với xóm giềng, đồng đội”. Được biết, Chi hội CCB khu phố Hồi Xuân có nguồn vốn xoay vòng cho hội viên vay hàng tháng và được duy trì trong nhiều năm. Mỗi năm một lần, Chi hội CCB khu phố Hồi Xuân lại tổ chức về nguồn bằng chính nguồn vốn xoay vòng trong năm. Chuyến đi đến những địa chỉ đỏ giúp các CCB ôn lại quá khứ hào hùng và ngồi bên nhau chia sẻ những buồn, vui hiện tại. Chủ tịch Hội CCB thị trấn Tầm Vu - Nguyễn Văn Kiệt nhận định: “Số vốn xoay vòng tại các chi hội tuy không nhiều nhưng có thể giúp hội viên trang trải cuộc sống. Nhờ có nguồn vốn đó mà các hội viên thêm phần gắn bó, hoạt động của Hội vì vậy cũng hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Văn Út giặm lại cụm hoa ven đường

Ông Nguyễn Văn Út giặm lại cụm hoa ven đường

Từ những lần gặp mặt thường xuyên, những câu chuyện bên bàn trà, những sự hỗ trợ kịp thời về cả vật chất lẫn tinh thần mà người dân và hội viên các chi hội ở khu phố Hồi Xuân nói riêng và thị trấn Tầm Vu nói chung trở nên thân thiết, gần gũi với nhau hơn. Mâu thuẫn nhỏ trong đời sống hàng ngày vì sự thân thiết đó mà được “bỏ qua” hoặc được ban ấp, xóm giềng kịp thời hòa giải, khuyên răn, giữ gìn sự thuận hòa, đoàn kết trong tập thể, địa phương.

“Làm là phải làm cho xong”

Muốn hoàn thành bất cứ chỉ tiêu nào về kinh tế, đời sống thì điều quan trọng nhất chính là sự đoàn kết và đồng thuận của người dân. Và “chất keo” kết nối chính là các hội, đoàn thể, ban ấp. Ngoài những mô hình, hoạt động thiết thực đem đến lợi ích cho người dân, còn cần có những cá nhân tâm huyết và năng nổ để kéo mọi người lại gần với nhau.

Nghe trong ấp có gia đình mất người thân, Bí thư, Trưởng ấp 7, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Út đến thăm hỏi, thắp nhang. Hơn 3 năm làm trưởng ấp, ông Út biết rõ từng ngõ nhà, tên người trong ấp. Phần vì ông vốn sinh ra và lớn lên trong ấp, phần vì trong suốt 3 năm làm trưởng ấp, ông Út đã dành hầu hết thời gian để đến nhà dân. Những lần thu thuế, phí, vận động làm đường, đài nước, hòa giải,... cứ tiếp nối nhau khiến thời gian ông ra ngoài còn nhiều hơn ở nhà. Ông Út nói, muốn vận động người dân đồng thuận chuyện gì thì ngoài chính sách có lợi cho dân, người làm công tác vận động còn phải hiểu hoàn cảnh, tâm lý từng người mình vận động. Có như vậy mới hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra.

Hiểu rõ hoàn cảnh cụ thể từng gia đình, tính tình từng chủ hộ nên ông Út thường rất thành công trong những lần thu thuế hoặc vận động. Ông chia sẻ: “Đã quyết định làm thì tui nhất định phải nhanh chóng làm cho xong. Mỗi gia đình có một nếp sinh hoạt riêng, nếu mình tới đúng lúc thì gia chủ sẽ vui vẻ đóng góp”. Tuyến đường liên ấp 7, ấp 4 tại xã Phước Tân Hưng đã thi công xong, chấm dứt hẳn khoảng thời gian đường đá gập ghềnh, mưa lầy, trơn trợt. Đó là tuyến đường được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Để tuyến đường được thi công nhanh chóng, ông Út cùng ban vận động đã ráo riết đi vận động kinh phí từ người dân.

Tuyến đường liên ấp 7, ấp 4 tại xã Phước Tân Hưng được thi công, chấm dứt những ngày đường đá gập ghềnh, mưa lầy, trơn trợt

Tuyến đường liên ấp 7, ấp 4 tại xã Phước Tân Hưng được thi công, chấm dứt những ngày đường đá gập ghềnh, mưa lầy, trơn trợt

Xong công trình này lại đến công trình khác nên hầu như không có ngày nào ông Út ở nhà trọn vẹn. Ông chia sẻ: “Giờ trong ấp còn 2 tuyến đường nữa chưa tráng bêtông, tôi cũng đang có kế hoạch vận động bà con làm cho xong, để cùng một ấp mà nơi này có đường đẹp, nơi kia không có cũng kỳ”.

Vì suy nghĩ đó mà ông Út cứ cần mẫn, quyết tâm trong công việc của mình. Nhờ sự tận tâm đó, ông “Út trưởng ấp” được người dân quý mến. Hết đài nước đến đường giao thông lần lượt được xây dựng khiến người dân thêm phấn khởi. Ông Út được UBND huyện Châu Thành tặng giấy khen vì thành tích “Dân vận khéo”. Cầm tấm giấy khen trên tay, ông cười, nụ cười rất tươi, rồi vội vã cất gọn vào hộc tủ và nói: “Giờ tui phải đi giặm lại mấy bụi hoa trồng dọc mấy tuyến đường mới. Hoa mới trồng chừng hơn 1 tháng, có cây chết, mình giặm lại để sau này có hàng hoa đều, đẹp”.

Từ hình ảnh người trưởng ấp tận tụy đi vận động, lặng lẽ giặm lại cụm hoa ven đường để có những tuyến đường đẹp, người dân sẽ thêm tin, thêm yêu và thêm đồng lòng, đoàn kết cùng nhau, cùng chính quyền dựng xây quê hương giàu đẹp./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết