Tiếng Việt | English

10/04/2020 - 09:24

“Chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch

Không ngại khó khăn, vất vả, những “chiến sĩ áo trắng” của cả hệ thống y tế đang “căng mình” trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh; trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế; rà soát nguồn nhân lực phục vụ công tác chống dịch. Không chỉ có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An, BV chuyên khoa, các cơ sở y tế tư nhân tăng cường hoạt động truyền thông mà đội ngũ y, bác sĩ trung tâm y tế tuyến huyện, các phòng khám cũng vào cuộc.

Không ngại khó khăn, vất vả, những “chiến sĩ áo trắng”của cả hệ thống y tế căng mình trên tuyến đầu chống dịch

Không ngại khó khăn, vất vả, những “chiến sĩ áo trắng”của cả hệ thống y tế căng mình trên tuyến đầu chống dịch

Là 1 trong 4 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Long An có khả năng thu dung và điều trị bệnh Covid-19, BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường) nhanh chóng xây dựng, triển khai kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch bệnh và thực hiện phân luồng để khám sàng lọc. Giám đốc BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười - bác sĩ Chung Văn Kiều cho biết: “BV đặc biệt chú trọng công tác phân luồng khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời ca bệnh Covid-19. 100% bệnh nhân (BN) đến khám bệnh đều được giám sát thân nhiệt ngay tại cổng ra, vào. Các BN có triệu chứng sốt, ho,... không rõ nguyên nhân được bố trí theo lối đi riêng”.

Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 80-150 BN đến khám và điều trị (giảm 10 lần so với trước đây). Tại khu vực chờ khám bệnh, BN được hướng dẫn ngồi cách nhau 2m. BV trang bị dung dịch rửa tay khô tại các khoa, phòng, lối đi và lắp thêm bồn rửa tay tại khu vực phòng khám, cổng ra vào. Các cuộc họp giao ban được chuyển sang hình thức trực tuyến. Khoa, phòng nội trú triển khai biểu mẫu điều tra BN mới nhập viện và danh sách thân nhân nuôi bệnh được cập nhật hàng ngày. BV bố trí 1/3 cán bộ, nhân viên luân phiên làm việc tại nhà nhưng điện thoại phải thông suốt 24/7, khi có yêu cầu phải có mặt trong vòng 30 phút và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Các bác sĩ thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và động viên người trong khu cách ly

Các bác sĩ thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và động viên người trong khu cách ly

Việc đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình và biện pháp phòng, chống dịch bệnh là giải pháp được BV tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, BV tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, bảng điện tử, màn hình, hướng dẫn đeo khẩu trang và các bước rửa tay đúng cách cho BN và người nhà BN,... Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để BN chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, BV còn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngành Y tế xem đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân”.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế cũng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, lan rộng ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Là cơ sở y tế tuyến đầu của tỉnh nên BVĐK Long An đặc biệt chú trọng công tác này. BV thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kỹ năng trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và các biện pháp phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế. Qua tập huấn, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế nâng cao năng lực kiểm soát lây nhiễm, kỹ năng thực hành, bảo đảm an toàn cho người bệnh và sẵn sàng ứng phó với những diễn biến của dịch bệnh.

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK Long An - Nguyễn Thị Kim Duyên chia sẻ: “Kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ hàng đầu ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong BV và lây nhiễm ra cộng đồng, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, chúng tôi tăng cường giám sát môi trường và công tác vệ sinh BV; điều tra nhiễm trùng BV; hướng dẫn nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng trang phục phòng hộ đúng theo quy định. Các thông tin, hướng dẫn, quy định mới của Bộ Y tế được cập nhật thường xuyên và triển khai kịp thời”.

Sự hy sinh thầm lặng

Nhằm chủ động ứng phó dịch bệnh, cũng như các địa phương khác, Long An thành lập BV dã chiến và các khu cách ly tập trung để đón người về từ các vùng dịch trên thế giới vào chăm sóc, theo dõi sức khỏe. Qua đó, kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng.

Ngành y tế xem công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống

Lực lượng làm việc tại BV dã chiến và các khu cách ly tập trung được xem là ở tuyến đầu, đang căng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19. BV dã chiến và khu cách ly tập trung đặt tại Trường Quân sự tỉnh (huyện Bến Lức), quy mô 100 giường, có 8 bác sĩ làm việc theo ca 24 tiếng. Bác sĩ ca trước truyền đạt lại đầy đủ thông tin cho bác sĩ ca sau nên sức khỏe của người trong khu cách ly được theo dõi rất sát.

Vượt qua những khó khăn, nỗi lo về nguy cơ phơi nhiễm với vi-rút SARS-CoV-2, các “chiến sĩ blouse trắng” là những người lính xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch. Nhiệm vụ của mỗi kíp trực là chăm sóc chu đáo, nắm rõ tình hình sức khỏe, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Bác sĩ không chỉ là người tận tình theo dõi sức khỏe mà còn xoa dịu tâm lý, trò chuyện, động viên người được cách ly trong khu vực mình phụ trách để mọi người an tâm, thoải mái hơn. Điện thoại được gắn ở mỗi phòng giúp việc liên lạc, kết nối với cán bộ y tế thuận tiện hơn.

Trưởng khoa Khám bệnh, BV dã chiến và Khu cách ly tập trung - bác sĩ Trần Huỳnh Đức thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và động viên người trong khu cách ly. Bác sĩ Trần Huỳnh Đức chia sẻ: “Chúng tôi tư vấn để họ an tâm hoàn thành cách ly; nhắc nhở đeo khẩu trang theo quy định, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Đồng thời, chú trọng theo dõi sức khỏe để sau khi hoàn thành cách ly trở về địa phương không có nguồn lây cho cộng đồng. Từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, chúng tôi luôn kề vai sát cánh, động viên nhau trong trận chiến cam go với dịch bệnh nguy hiểm này”. Dù khó khăn, vất vả nhưng các “chiến sĩ blouse trắng” vẫn luôn vững tinh thần, toàn tâm chăm sóc người bệnh.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngành y tế xem đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân. Để đạt mục tiêu này, chỗ dựa lớn nhất, vững chắc nhất của những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch chính là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết