Tiếng Việt | English

25/01/2021 - 20:05

“Cô Ba Xuân dân số” nhiệt tình, trách nhiệm

Trong túi xách của mình, lúc nào “cô Ba Xuân” cũng mang theo sổ ghi chép đầy đủ để tổng hợp, báo cáo định kỳ và có giải pháp vận động, tuyên truyền hiệu quả “Cô Ba Xuân” là cái tên thân thương mà người dân ấp Sồ Đô, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An gọi bà Võ Thị Xuân (SN 1948) - cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em (CTV DS) của ấp. Bà vui tính, nhiệt tình nên ai cũng quý mến, nhờ vậy mà công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đạt hiệu quả cao.

Trong túi xách của mình, lúc nào bà cũng mang theo sổ ghi chép đầy đủ nhằm tổng hợp, báo cáo theo định kỳ để có giải pháp vận động, tuyên truyền hiệu quả

Trong túi xách của mình, lúc nào bà cũng mang theo sổ ghi chép đầy đủ nhằm tổng hợp, báo cáo theo định kỳ để có giải pháp vận động, tuyên truyền hiệu quả

Bà Xuân trước đây là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã, bà tham gia làm CTV DS từ năm 1995 cho đến nay. Hiện địa bàn bà quản lý có 70 hộ với gần 50 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bà kể, tuổi cao nhưng bà cứ “đi chỗ này, chỗ kia” vì “ở nhà không quen”. Ở tuổi thất thập, người dân Sồ Đô đã quen với hình ảnh người CTV DS lớn tuổi cần mẫn, ngày ngày “đèo” chiếc xe đạp điện vãng gia để vận động, tuyên truyền người dân chấp hành chính sách về DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Trên 25 năm gắn bó với công tác DS, “bí quyết” để bà có thể làm tốt vai trò của CTV là “bám dân, bám địa bàn”, thường xuyên đi cơ sở, nắm rõ từng đối tượng để có cách tiếp cận phù hợp. Cùng với việc cấp phát tài liệu, tờ rơi tuyên truyền, bà cũng lồng ghép công tác DS-KHHGĐ vào các buổi họp, các hoạt động của địa phương và trực tiếp đến tận từng hộ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trước đây, nhận thức của người dân chưa cao, có người còn khó chịu, không muốn tiếp chuyện nhưng “mưa dầm thấm lâu”, dần dần, người dân nâng cao ý thức nên chấp hành rất tốt. “Có những nhà đi 1 lần chưa được thì tôi đi lần 2-3 để tiếp tục động viên, tư vấn. Đến khi nào gia đình họ nhận thức được tầm quan trọng của KHHGĐ để nuôi dạy, chăm sóc con tốt, có điều kiện phát triển gia đình thì tôi mới an tâm” - bà chia sẻ.

Đối với những cặp vợ chồng sinh con một bề, gia đình nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, bà kiên trì thuyết phục vì “con nào cũng là con”, miễn ngoan hiền, khỏe mạnh, không nên phân biệt con trai, con gái. Bà cũng thường xuyên động viên các chị em đến cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe sinh sản, lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp,...

Tuổi cao nhưng trí nhớ của “cô Ba Xuân” rất tốt, các thông tin liên quan đến đối tượng như số hộ, số nhân khẩu, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai,... bà đều nắm rõ. Trong túi xách của mình, lúc nào bà cũng mang theo sổ ghi chép đầy đủ nhằm tổng hợp, báo cáo theo định kỳ để có giải pháp vận động, tuyên truyền hiệu quả.

Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Thạnh Hưng - Trần Thị Phấn nhận xét: “Trong số 17 CTV DS của xã thì cô Ba Xuân là người lớn tuổi nhất nhưng lại rất nhiệt tình, vui vẻ, chẳng nề hà, quản ngại công việc khó khăn, lúc nào cô cũng đi đầu, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ. Tính tình cởi mở, hoạt bát lại có uy tín nên cô được nhiều người dân quý mến, tin tưởng, nhờ vậy mà công tác vận động ngày càng hiệu quả. Đến nay, xã Thạnh Hưng có 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó, địa bàn của cô phụ trách có 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, góp phần vào thành tích chung của xã”.

Công việc bận rộn, phụ cấp của CTV còn hạn chế, vậy mà “cô Ba Xuân” cùng rất nhiều CTV cũng không nản lòng. Bà chia sẻ: “Chúng tôi muốn đóng góp công sức vào công tác DS, góp phần phát triển địa phương. Đa số CTV DS đều tự nguyện làm việc, thấy được nhiều gia đình dần nâng cao nhận thức nhờ có một phần công sức của mình, chúng tôi lại yêu công việc này nhiều hơn nữa”./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết