Tiếng Việt | English

04/11/2019 - 15:20

“Hô biến” phế liệu thành đồ chơi cho trẻ

Thời gian qua, các cô giáo Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) luôn tận dụng đồ phế liệu như vỏ xe cũ, vỏ hộp sữa, chai nước,... “hô biến” thành nhiều món đồ chơi hấp dẫn cho trẻ. Qua đó, giúp trường giảm chi phí mua đồ chơi và thiết bị mẫu giáo; đồng thời, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường và giáo dục tình yêu thiên nhiên cho trẻ.

Các cô giáo làm đồ chơi cho trẻ em bằng đồ phế liệu

Các cô giáo làm đồ chơi cho trẻ em bằng đồ phế liệu
Sân trường rợp bóng mát, khu vườn cổ tích được làm bằng nhiều vỏ xe và chai nhựa với những màu sắc, con vật ngộ nghĩnh. Còn trong lớp học, các đồ chơi như lục lạc, bộ âm thanh, chiếc nón,… đều được làm từ phế liệu thông qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các cô giáo. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vành Khuyên - Nguyễn Thụy Đài Trang cho biết: “Hưởng ứng phong trào “Phòng, chống rác thải nhựa và túi nylon”, trường tận dụng các loại phế liệu như vỏ xe cũ, vỏ hộp sữa, chai nước,... tạo ra những món đồ chơi phù hợp với tình hình thực tế của trường và lớp. Hơn hết, đặc thù giảng dạy ở bậc mầm non là giáo án mỗi năm không giống nhau, trong đó mỗi tháng trường đều đưa ra chủ đề giảng dạy, từ đó dụng cụ học tập, vui chơi cho các bé cũng phải cập nhật thường xuyên. Nhờ tận dụng các đồ phế liệu, trường giảm rất nhiều chi phí mua đồ chơi và thiết bị mẫu giáo. Đến nay, trường có trên 50% đồ dùng vui chơi cho trẻ được làm từ phế liệu”.

Trẻ em chơi các trò chơi bằng đồ tái chế

Trẻ em chơi các trò chơi bằng đồ tái chế

Trẻ em chơi các trò chơi bằng đồ tái chế

Để có được 50% đồ chơi cho trẻ làm bằng đồ phế liệu, các cô giáo phải đến các vựa phế liệu tìm những dụng cụ cần thiết, sau đó về lên ý tưởng, khéo léo sáng tạo ra những món đồ chơi phục vụ việc giảng dạy. Còn khi chưa có ý tưởng, các cô giáo cũng chủ động gom góp phế liệu, sau đó vệ sinh sạch sẽ để dành và bắt đầu lên ý tưởng sáng tạo ra các món đồ chơi khác nhau. Cô Huỳnh Thị Thanh Tâm (giáo viên Trường Mẫu giáo Vành Khuyên) bộc bạch: “Trẻ rất thích khám phá và chơi các trò chơi mới. Vì vậy, cô giáo mầm non tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc giờ trả trẻ làm thêm đồ chơi cho trẻ vào ngày mai. Thế nhưng, các món đồ chơi phải thật sinh động, giống như thật, trẻ mới thích, từ đó giúp trẻ mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Hơn hết, thông qua hoạt động này, nhiều trẻ còn ý thức được bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai. Nhiều trẻ về gia đình xin cha mẹ các đồ bỏ đi như chai nước, vỏ hộp sữa, ống hút,... đem đến trường cho cô giáo làm đồ chơi hoặc thấy người lớn trong gia đình không phân loại rác thì sẵn sàng nhắc nhở”.

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, các cô giáo không chỉ tự tay làm đồ chơi cho trẻ mà còn hướng dẫn trẻ thực hành và trải nghiệm. Theo đó, các cô giáo hướng dẫn trẻ ghép cánh hoa từ nắp chai nhựa thành những bông hoa hoặc hướng dẫn trẻ vẽ mắt, mũi làm thành những con vật ngộ nghĩnh từ các vỏ hộp giấy,... Phụ huynh em Nguyễn Mạnh Thuần (lớp lá) cho biết: “Tôi rất ủng hộ việc hướng dẫn trẻ làm đồ chơi từ các dụng cụ tái chế của các cô giáo Trường Mẫu giáo Vành Khuyên. Đây là việc làm cần thiết, góp phần giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường và phân loại rác thải”. 

Hiện nay, Long An nói riêng, cả nước nói chung đang khuyến khích người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nylon. Chính vì vậy, các cô giáo Trường Mẫu giáo Vành Khuyên sáng tạo ra đồ chơi cho trẻ từ vật phế liệu đồng nghĩa với việc góp phần phòng, chống rác thải nhựa ra môi trường. Hy vọng thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều cách làm sáng tạo trong hành trình chống rác thải nhựa và túi nylon như Trường Mẫu giáo Vành Khuyên đang làm./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết