Tiếng Việt | English

20/07/2021 - 11:40

“Khóa chặt” các đường dân sinh từ ngoài tỉnh vào Long An

Hiện nay, một số người dân ngoài tỉnh muốn tránh việc kiểm soát của các chốt phòng, chống dịch nên luồn lách qua các đường dân sinh vào địa bàn tỉnh. Xác định được vấn đề này, các địa phương chủ động tăng cường thêm các chốt, quyết tâm “khóa chặt” các đường dân sinh từ ngoài tỉnh vào Long An.

1 trong 3 chốt Công an huyện Bến Lức phối hợp Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) đặt tại đường dân sinh dưới cao tốc Trung Lương - Hồ Chí Minh

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19, Long An yêu cầu người dân ngoài tỉnh muốn vào địa phận tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (test nhanh hoặc PCR) được cơ quan có thẩm quyền cấp không quá 3 ngày tính đến thời điểm vào địa bàn; khai báo y tế theo quy định và quét mã y tế tại trạm, chốt kiểm soát,…

Cụ thể, huyện Đức Hòa có 5 tuyến giao thông chính giáp ranh tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, tương ứng với 5 chốt kiểm soát dịch được đặt tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh. Tại các chốt, lực lượng chức năng kiên quyết không cho người và phương tiện vào tỉnh khi chưa có giấy kiểm tra âm tính với SARS-CoV-2.

Song, một số người dân có ý thức thì chấp hành tốt, một số người lại chọn cách luồn lách đi vào các đường dân sinh nhằm tránh sự kiểm soát của các chốt. Thượng tá Nguyễn Sơn - Trưởng Công an huyện Đức Hòa, cho biết: “Sau khi nắm tình hình và phản ánh của người dân, đơn vị phối hợp tỉnh Tây Ninh, TP.HCM ngăn chặn bằng cách rào, chắn và phân công cán bộ, chiến sĩ chốt kiểm soát. Ngoài ra, chúng tôi còn bố trí cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuần tra, kiểm soát việc người dân đi đò hoặc xuồng đưa người từ TP.HCM vào Long An; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân khi có người lạ vào địa bàn huyện phải báo cáo ngay với lực lượng chức năng gần nhất. Sau khi triển khai các biện pháp, đến nay, huyện kiểm soát tốt các đường dân sinh, đường mòn không cho người dân ngoài tỉnh chưa đủ yêu cầu vào địa bàn huyện”.

Theo quan sát, 2 rào chắn mới nhất được huyện Đức Hòa lập ra tại đường dân sinh, khu vực giáp ranh huyện Củ Chi, TP.HCM chỉ cách chốt kiểm soát đặt tại Đường tỉnh 823 chưa đầy 100m. Vậy mà, những ngày qua có không ít người thiếu ý thức lại “né” chốt kiểm soát chọn đi các tuyến đường này. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình mà còn làm cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương khó được kiểm soát; trong khi đó, các cấp, các ngành đang tập trung tất cả nguồn lực để bảo vệ sức khỏe người dân.

Bà Đỗ Ánh Phương (người dân huyện Đức Hòa) nói: “Thấy người ngoài tỉnh vào huyện mà trốn các chốt kiểm soát là tôi báo ngay với các ngành chức năng. Bây giờ thực hiện Chỉ thị số 16 thì càng ít người qua lại càng tốt, ai cũng nên chấp hành tốt thì dịch bệnh mới được kiểm soát; đời sống mới trở lại như xưa, chứ ai cũng thiếu ý thức thì biết bao giờ mới hết dịch”.

Công an huyện Đức Hòa tại chốt kiểm soát

Còn tại huyện Bến Lức, Công an huyện lập 6 chốt kiểm soát dịch tại các khu vực giáp ranh TP.HCM; trong đó, 3 chốt phối hợp Công an TP.HCM tại các con đường dân sinh nhỏ, hẹp, với mục đích ngăn chặn các đối tượng muốn ra, vào tỉnh nhưng lại cố ý trốn kiểm soát đặt ở những tuyến đường lớn.

Thượng tá Huỳnh Văn Tét - Phó Trưởng Công an huyện Bến Lức, khẳng định: “Lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo công an xã, thị trấn giáp ranh TP.HCM và các huyện lân cận phải kiểm tra chặt chẽ, tùy theo từng đối tượng sẽ yêu cầu các giấy tờ khác nhau theo quy định của UBND tỉnh. Qua thời gian thành lập thêm các chốt ở các tuyến đường mòn, dân sinh, chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp trốn các chốt được đặt trên các tuyến đường chính, những trường hợp này chúng tôi kiên quyết bắt buộc phải quay đầu xe”.

Không khai báo y tế, không có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lại muốn qua mặt các chốt kiểm soát là việc làm rất nguy hiểm, thiếu ý thức, cần phải lên án. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có biện pháp xử phạt thích đáng để răn đe các đối tượng đang có ý định trốn các chốt kiểm soát, có như vậy công tác phòng, chống dịch ở các địa phương mới đạt kết quả tốt, các lực lượng chức năng đỡ vất vả./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết