Tiếng Việt | English

01/03/2020 - 14:07

“Lá chắn” bảo vệ sức khỏe

Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên vai trò của cán bộ y tế dự phòng hết sức quan trọng. Họ là những “lá chắn” góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Quan tâm từ những điều nhỏ nhất

26 năm công tác ở trạm y tế, chị Lê Ngọc Liên - Trưởng trạm Y tế (TYT) xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An vẫn nhớ như in những ngày mới bước chân vào nghề. Đó là những ngày chị cùng đồng nghiệp “tay xách nách mang” dụng cụ y tế xuống từng ấp tiêm phòng cho trẻ. Khi người dân chưa quan tâm đến tiêm phòng và đường sá còn nhiều khó khăn, đó là giải pháp duy nhất giúp trẻ được phòng bệnh ngay từ đầu. 

Trước mỗi đợt tiêm phòng, cán bộ y tế xã tự tay vệ sinh phòng tiêm

Khi đường sá thuận lợi hơn, ý thức người dân được nâng cao, việc tiêm phòng được thực hiện tại TYT xã. Chị Liên chia sẻ: “Mặc dù ý thức người dân được nâng lên nhưng không phải tất cả các trẻ đều được tiêm phòng đầy đủ. Ở địa phương vẫn còn những gia đình đi ghe xa, không về kịp nên bỏ lỡ đợt tiêm phòng cho trẻ. Với những trường hợp đó, chúng tôi điện thoại cho từng gia đình, nhắc nhở việc tiêm phòng. Nếu ở xa quá không về kịp, chúng tôi hướng dẫn có thể đến bất kỳ TYT nào vào ngày tiêm ngừa để tiêm”. Mục tiêu cuối cùng vẫn là bảo đảm trẻ được tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia. 

Ngoài tiêm phòng, TYT còn tổ chức cho trẻ trên địa bàn uống bổ sung vitamin A hàng năm. Tùy từng địa phương, TYT chọn điểm uống tại trạm hoặc ấp. Dù điểm uống ở đâu thì cán bộ y tế vẫn chịu trách nhiệm chính mọi việc, từ viết thư mời, chuẩn bị địa điểm, vitamin đến trực tiếp cho trẻ uống. 

Chính vì thế, ngày tiêm chủng hàng tháng và ngày cho trẻ uống vitamin A luôn là thời điểm vất vả của cán bộ y tế xã. Tùy theo số lượng trẻ tại địa phương nhiều hay ít mà đợt tiêm chủng, uống vitamin A kéo dài từ 1-3 ngày. Từ ngày hôm trước, cán bộ trạm vệ sinh phòng tiêm/uống cùng nhiều bước chuẩn bị khác về thuốc và sổ sách, bảo đảm ngày hôm sau mọi việc được vận hành tốt nhất, hạn chế mất thời gian của người dân. Biết người dân luôn có tâm lý đi sớm nên vào ngày tiêm chủng hoặc uống vitamin, cán bộ y tế cũng bắt đầu ngày làm việc sớm hơn bình thường. Nếu áp lực của ngày uống vitamin là số lượng trẻ đông hơn thì áp lực của việc tiêm ngừa là theo dõi, xử lý các trường hợp sốc phản vệ sau tiêm. Những vất vả, áp lực ấy trở thành điều quen thuộc với các cán bộ y tế xã, những người chuyên làm công tác y tế dự phòng. Họ là tấm “lá chắn” đầu tiên góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.  

Cán bộ y tế xã Mỹ Hạnh Nam trước khi ra quân vệ sinh, phun thuốc khử trùng phòng bệnh sốt xuất huyết năm 2019 tại nhà dân

Người đi đầu trên mặt trận phòng dịch

Gọi cán bộ y tế dự phòng là “lá chắn” bảo vệ sức khỏe người dân vì họ luôn là người đi đầu trong các trận chiến phòng dịch. Nhiều năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng, cúm, sốt xuất huyết, sởi,… trên địa bàn tỉnh luôn được kiểm soát tốt. Đó là những dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan nhưng nhờ công tác dự phòng được thực hiện tốt nên giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm.

Sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, bệnh luôn được kiểm soát tốt. Chị Hiền chia sẻ, để phòng bệnh sốt xuất huyết, cán bộ y tế xã chia nhau đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Phó Trưởng TYT xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa - Đặng Thị Gái cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền tận nhà, chúng tôi còn trực tiếp vệ sinh, súc lu, dụng cụ chứa nước ở từng hộ gia đình. Ấp nào có dịch bệnh xảy ra, chúng tôi cùng cán bộ y tế dự phòng huyện đến phun thuốc khử trùng. Đi đến 22-23 giờ là chuyện hết sức bình thường”. Để rồi sau khi hoàn thành nhiệm vụ “bình thường” ấy, các cán bộ nữ phải gọi điện nhờ người thân đến đón vì đêm khuya, đường vắng.

Trạm Y tế xã Mỹ Hạnh Nam phối hợp đoàn Thanh niên xã phun thuốc khử trùng tại trường học để phòng, chống Covid-19

Mỹ Hạnh Nam là xã công nghiệp, số lượng dân nhập cư đông, địa bàn rộng nên công tác phòng dịch cũng vất vả hơn nhiều. Toàn ấp có hơn 3.600 hộ dân, chỉ riêng việc đến tận nhà tuyên truyền đã là một khó khăn, chưa nói đến việc phải trực tiếp vệ sinh, súc lu, thả cá vào bể nước, phun thuốc diệt khuẩn,… Vất vả là thế nhưng không phải hộ dân nào cũng tiếp đón, hợp tác mỗi khi cán bộ y tế đến. Chị Gái kể: “Nhiều lúc thấy chúng tôi đến, chủ nhà đóng cửa bỏ đi, vậy là phải trở lại lần sau, đến khi nào được thì thôi. Nhiều gia đình còn không hài lòng khi cán bộ y tế đến vệ sinh dụng cụ chứa nước”.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhờ những nỗ lực của cán bộ y tế dự phòng mà sức khỏe người dân được bảo vệ ngay từ đầu. Năm 2019, tỉnh có 21.413/22.477 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng đủ 8 loại bệnh. Đó sẽ là tấm “lá chắn” bảo vệ trẻ trong những năm tháng đầu đời. Cũng nhờ thực hiện tốt công tác dự phòng, 10 năm trở lại đây, tỉnh kiểm soát tốt nhiều loại bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, từ đó giảm tối thiểu nguy cơ do sốt xuất huyết gây ra. Đó là một kết quả đáng ghi nhận của đội ngũ cán bộ y tế làm công tác y tế dự phòng tỉnh nhà./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết