Tiếng Việt | English

28/03/2016 - 14:38

“Nước và việc làm”

Nước đóng một vai trò quan trọng, thiết yếu đối với cuộc sống của con người, vì vậy, việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguồn này như thế nào là hợp lý luôn được quan tâm hàng đầu. Phóng viên (PV) Long An online có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT)- Trương Thanh Liêm, để rõ hơn việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước tại tỉnh Long An và các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày nước thế giới.

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An - Trương Thanh Liêm

PV: Vấn đề khai thác và quản lý tài nguyên nước luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, vậy thực trạng nguồn tài nguyên này ở tỉnh Long An hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Thanh Liêm: Hiện nay, các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản đã làm ô nhiễm chất lượng nguồn nước mặt, do đó, nước ngầm là nguồn nước cấp chủ yếu cho các hoạt động công nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước ngầm của tỉnh cũng có giới hạn trong việc khai thác sử dụng. Thời gian qua, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư khai thác sử dụng nguồn nước mặt cho sản xuất công nghiệp để hạn chế khai thác sử dụng nguồn nước ngầm và đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước mặt từ các hầm khai thác đất để khai thác sử dụng cũng như trữ nước vào mùa khô trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho chất lượng nước mặt ở các tuyến kênh, sông bị xâm nhập mặn lên cao theo thời gian.

Việc xem xét cấp giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất cũng được quan tâm chặt chẽ, chỉ xem xét cấp giấy phép khai thác nước dưới đất trong trường hợp khu vực không có khả năng khai thác sử dụng nguồn nước mặt, hệ thống cấp nước tập trung của khu vực chưa có thì Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh cấp phép cho tổ chức, hoặc cá nhân được phép khoan giếng để tạm sử dụng, sau khi có hệ thống cấp nước tập trung của khu vực cấp đủ lưu lượng thì yêu cầu các tổ chức, cá nhân này trám lấp giếng và đấu nối nguồn nước cấp tập trung để sử dụng, mục đích để bảo vệ tầng nước ngầm.

Sở TM&MT đã lập các quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất để có cơ sở trong công tác cấp phép, quản lý khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

PV: Với tình hình đó, việc sử dụng nguồn tài nguyên nước ở tỉnh Long An như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Thanh Liêm: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 51.076 giếng khoan đang khai thác, sử dụng nước dưới đất trong các tầng chứa nước, với tổng lưu lượng khoảng 373.505m3/ngày đêm để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, công nghiệp, có khoảng 10 tổ chức khai thác sử dụng nước mặt trên tuyến sông Vàm Cỏ Đông để phục vụ cho sản xuất công nghiệp với lưu lượng khai thác từ 50- 500m3/ngày đêm.

Trên địa bàn tỉnh cơ bản đã có các nhà máy cấp nước tập trung ở các huyện do Công ty công trình đô thị đảm nhận, chủ yếu cấp nước sinh hoạt tập trung ở các khu vực thị trấn, thị tứ, ở các vùng ven của các huyện thì có các trạm cấp nước tập trung của các cá nhân góp vốn xây dựng.

Riêng TP.Tân An, nhà máy cấp nước Tân An cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố và các chi nhánh cấp nước Gò Đen, Bình Ảnh của Công ty Cổ phần cấp thoát nước Long An cung cấp đủ lưu lượng cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp ở huyện Bến Lức và Thủ Thừa.

Trên địa bàn huyện Đức Hòa có Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ Vinh đã đầu tư nhà máy nước mặt với tổng số vốn là 74 triệu USD, lấy nước từ nguồn nước dự án thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa với công suất 80.000m3/ngày để cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp và khu dân cư trên địa bàn huyện.

UBND tỉnh có văn bản số 2571/UBND-KT ngày 13-7-2015 chỉ đạo Công ty Cổ phần cấp thoát nước Long An triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước mặt, lấy nước từ Kênh Tháp Mười - Nguyễn Văn Tiếp - Rạch Chanh với công suất 30.000m3/ngày để đưa vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bảo đảm yêu cầu đến năm 2018 giảm ít nhất 50% khối lượng khai thác giếng khoan tại TP.Tân An.

PV: Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, thách thức các cấp, các ngành chức năng, vậy tỉnh Long An có những kế hoạch, giải pháp gì trong việc bảo tài nguyên nước trong thời điểm hiện nay và sắp tới, thưa ông?

Ông Trương Thanh Liêm: Tỉnh Long An nói riêng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, cụ thể là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Nhận thức được điều đó, từ lâu tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngọt quý giá:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước. Trong tất cả các chương trình, các quy hoạch, kế hoạch, dự án của các ngành, các cấp đều lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào để chủ động ứng phó và thích nghi với hạn hạn, xâm nhập mặn và với thời tiết cực đoan khác. Ban hành nhiều quy định, chính sách để quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước dưới đất làm cơ sở để cấp phép khai thác, sử dụng trong thời gian qua cũng như trong tương lai. 

Xây dựng các giải pháp để dự trữ nguồn nước mặt sử dụng trong mùa khô cũng như khuyến khích sử dụng nguồn nước mặt cho sinh hoạt cũng như sản xuất công nghiệp thay cho nguồn nước ngầm (đắp đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương, sử dụng các hầm khai thác đất để dự trữ,...). Ứng dụng các giải pháp công nghệ sử dụng tiết kiệm nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản cũng như trong sinh hoạt,...

Từ năm 2013 được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã xây dựng hoàn tất dự án “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng giai đoạn 2010 - 2030”, trong đó có 41 dự án công trình và phi công trình của các sở, ngành tỉnh thực hiện đến năm 2030 để ứng phó biến đổi khí hậu, bao gồm các dự án chống xâm nhập mặn trên Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, nâng nền, cải tạo các công trình cấp nước sạch khu vực vùng hạ của tỉnh; xây dựng hồ chứa nước ngọt ven Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây,... đây là những kế hoạch hành động của tỉnh cần phải thực hiện đến năm 2030.

Bộ TM&MT yêu cầu các địa phương cập nhật lại các dự án cần thực hiện từ năm 2016 - 2020 và sở đã xây dựng hoàn tất 14 dự án cho các sở, ngành cần thực hiện đến năm 2020.

PV: Ngày Nước thế giới năm nay với chủ đề “Nước và việc làm”, ông có thể đánh giá và cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày này, cũng như các hoạt động tỉnh thực hiện trong việc hưởng ứng ngày nước thế giới, thưa ông?

Ông Trương Thanh Liêm: Năm nay, ngày Nước thế giới đã được Bộ TN&MT lấy chủ đề “Nước và việc làm” với mục đích kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong mọi hoạt động hằng ngày có liên quan đến sử dụng nước phải có hành động sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí, không hủy hoại nguồn nước ngọt hiện có, khai thác sử dụng nguồn nước hợp lý đúng theo mục đích sử dụng.

Để hưởng ứng ngày nước thế giới năm 2016, Sở TM&MT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các huyện, thị xã kiến Tường và TP.Tân An tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Treo băng rôn, míttinh hoặc các hoạt động khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích