Ảnh minh họa internet
Xử lý nghiêm minh các vi phạm
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ”(1). Người còn nêu rõ: Tham ô, lãng phí, quan liêu ngăn trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng; tài sản của Nhà nước, của cải, công sức của nhân dân bị chiếm đoạt, lãng phí; đội ngũ cán bộ cách mạng bị tha hóa, suy thoái đạo đức, sút giảm tính chiến đấu. Do vậy, đấu tranh chống tham ô, lãng phí chính là để loại bỏ những trở lực của cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.
Bác chỉ rõ, trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí phải được tất cả các cấp, các ngành quan tâm và tiến hành thường xuyên; “Phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”(2); phải kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế, trong đó lấy tuyên truyền, giáo dục là nền tảng, cơ sở. Người nói: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”. Việc tuyên truyền, giáo dục cần được đặc biệt coi trọng, làm cho cán bộ hiểu được sự nguy hại, xấu xa của tham ô, lãng phí, từ đó có các hành động tích cực nhằm phòng, chống. Nhưng khi cần thiết, đối với những kẻ đã suy thoái về đạo đức, không chịu rèn luyện, ăn năn, hối cải, cố tình tư lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng phải trừng trị thẳng tay, đúng pháp luật nhằm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và để răn đe, làm gương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù hết sức nguy hiểm. Người nêu rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”(3), nó là “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”(4).
Thấm nhuần việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xác định đây là một trong những vấn đề mang tính yêu cầu cấp bách hàng đầu.
Có thời kỳ, tệ tham nhũng, hối lộ, lãng phí ở nước ta xảy ra nghiêm trọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”(5). Đặc biệt, Đảng đã chỉ đạo phải có cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập; đồng thời, chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển KT-XH.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã được tiến hành với một quyết tâm chính trị cao nhất để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng với một phương châm: “Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu, có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể. Nhiều vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân; vụ sai phạm xảy ra tại Sabeco liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng; vụ án Nguyễn Đức Chung và đồng phạm; vụ cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí;... Gần đây nhất, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương, Sabeco và TP.HCM, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng, tuyên phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí,... Các vụ án đã được truy tố, xét xử nghiêm minh, thấu tình, đạt lý, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, song cũng rất nhân văn, việc xử lý nghiêm minh các vi phạm nhằm mục đích chính là làm cho tổ chức Đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục.
Để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng"
Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nguy cơ tham nhũng, quan liêu từ sự tha hóa quyền lực nhà nước và vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng”: Tích cực, chủ động tham mưu Đảng, Nhà nước rà soát, bổ sung, ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản về chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý và cơ chế chặt chẽ, để phòng ngừa thực sự các cá nhân, nhóm lợi ích không thể tham nhũng. Xây dựng được cơ chế ngăn chặn “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết loại bỏ những cản trở về thể chế và thủ tục hành chính tạo điều kiện cho tham nhũng.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng các cấp về phòng, chống tham nhũng: Thường xuyên kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị có chức năng về phòng, chống tham nhũng như Nội chính, Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm sát, Công an,... Đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về phẩm chất, năng lực, bản lĩnh vững vàng, liêm chính, miễn dịch với mọi sức ép, mua chuộc.
Bốn là, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh và không có vùng cấm đối với các hành vi tham nhũng: Cần xét xử nghiêm minh, kịp thời và công khai các vụ án tham nhũng, có mức hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi và hậu quả đã gây ra. Thực hiện kịp thời các biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”.
Năm là, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng: Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân trong phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt vai trò định hướng, chỉ đạo của ngành Tuyên giáo, vai trò của báo chí trong đấu tranh và định hướng dư luận về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.494
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.490
(3) (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.357; tr.357
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.2, tr.250
Ths Nguyễn Thanh Hoàng