Tiếng Việt | English

07/08/2017 - 11:56

11 năm hít bụi than

Những hộ dân sinh sống dọc bờ kênh đường Nguyễn Minh Trường và Trần Văn Nam, phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An có đơn phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe các hộ dân từ nhiều năm nay.

11 năm bị bụi than "tra tấn"

Hiện tại, nơi sinh sống của các hộ dân trên có cơ sở sản xuất than tổ ong do bà Trần Thị An và ông Phạm Văn Công làm chủ. Cơ sở này hoạt động được 11 năm và ngày càng mở rộng quy mô. Từ cơ sở nhỏ, làm than thủ công, mỗi ngày 300 viên vào năm 2004; đến năm 2010, cơ sở mở rộng sản xuất làm than bằng máy, chuyên chở than nguyên liệu, giao than bằng xe tải với gần 2.000 viên mỗi ngày.

Cơ sở sản xuất than tổ ong tại phường 3 bị các hộ dân phản ánh

Theo các hộ dân, trước đây, khu vực này không khí trong lành, thoáng mát. Từ khi có cơ sở sản xuất than, môi trường sống của họ bị ảnh hưởng. Dù hoạt động có quy mô lớn nhưng cơ sở lại chưa có các biện pháp che chắn than nguyên liệu, phơi than thành phẩm trực tiếp ngoài trời. Mỗi khi có gió, bụi than bay sang các nhà lân cận làm ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Bà N. - một trong những hộ dân sinh sống gần đó, bức xúc: “Càng ngày, cơ sở sản xuất càng nhiều nhưng lại chưa có biện pháp khắc phục. Lúc mới hoạt động, lượng than ít nên không ảnh hưởng nhiều đến đời sống chúng tôi, nhưng nay thì môi trường bị ô nhiễm, khiến chúng tôi lo lắng. Mùa mưa còn đỡ chứ mùa nắng, bụi than bay mù mịt. Bụi bám trên cây, quần áo, thức ăn,... chúng tôi phải thường xuyên đóng kín cửa nhưng vẫn bị bụi. Tội nghiệp nhất là trẻ nhỏ, hàng ngày phải hít bụi than. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết”.

“Hãy trả lại không khí trong lành cho chúng tôi!"

Kiến nghị nhiều lần không được, các hộ dân nơi đây cho biết, họ tự tìm biện pháp để bảo vệ gia đình mình. Theo bà L., 2 nhà liền kề cơ sở sản xuất than phải xây tường cao 2,5m xung quanh khuôn viên nhà để tránh bụi. Đồng thời, người dân tự đổi cửa sổ gỗ thành cửa kính nhằm hạn chế bụi bay vào nhà. Những gia đình có trẻ nhỏ phải gửi về nhà nội, ngoại để tránh hít phải bụi than.

Bà cũng cho rằng, 15 hộ dân bị ảnh hưởng nhiều lần phản ánh (trong đó, có 3 lần tập thể ký tên bằng văn bản) nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Cụ thể, lần 1 vào năm 2010, tập thể gửi đơn phản ánh đến UBND phường 3 và nhận được văn bản trả lời: “Bụi không đáng kể”. Đến năm 2014, những hộ dân này lại tiếp tục gửi đơn phản ánh lên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Tân An nhưng đến năm 2015, họ mới nhận được kết quả tương tự: “Bụi trong mức độ cho phép”.

Đơn phản ánh của các hộ dân

Bà L. nói: “Cứ mỗi lần chúng tôi phản ánh, trước ngày cơ quan chức năng đến kiểm tra, cơ sở này dọn dẹp, dùng vòi nước rửa sạch sân nhà, lề đường, che chắn cẩn thận nhưng sau đó, tình trạng phơi than trực tiếp trong sân, than nguyên liệu không được che đậy vẫn tiếp diễn, bụi đen bay khắp nơi. Tôi được biết, có nhiều cơ sở sản xuất than tổ ong khác được di dời đến nơi xa khu dân cư. Vậy tại sao cơ sở này tồn tại khá lâu trong khu phố văn hóa mà vẫn không bị xử lý? Xin hãy trả lại không khí trong lành cho chúng tôi!”.

Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết, UBND thành phố có nhận được thông tin phản ánh gây ô nhiễm môi trường ở cơ sở than thuộc phường 3. Trước mắt, ngành chức năng thành phố khảo sát và nắm lại số lượng các cơ sở, nhất là ở những khu dân cư tập trung; khuyến cáo các cơ sở sản xuất này áp dụng những biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường. Tiếp đó, thành phố lên lộ trình di dời những cơ sở này (vì trước đây, có một số cơ sở được phép xây dựng, một vài cơ sở không phép) ra khỏi khu dân cư. Những cơ sở không phép phải di dời ngay, còn với những cơ sở được cấp phép, thành phố cho thời gian để những hộ này chuẩn bị di dời./. 

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết