Tiếng Việt | English

12/09/2015 - 05:36

22 người nộp lại quà biếu với số tiền 89 triệu đồng

Đó là một trong những con số của báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 được phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng trình bày trước Ủy ban Tư pháp sáng 11/9.

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ngạc nhiên trước sự mâu thuẫn trong nhận định tình hình tham nhũng giữa Chính phủ và báo cáo của các bộ, ngành, địa phương (Ảnh: Việt Dũng)

Trong khi Chính phủ nhận định tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, các biểu hiện chạy chọt, lót tay, nhũng nhiễu vẫn phổ biến trong khu vực công thì 11/19 bộ, ngành, địa phương báo cáo là tham nhũng ít hoặc không nghiêm trọng. Gần 100 đầu mối khác không có báo cáo. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ngạc nhiên và băn khoăn trước kết quả này.

Phát hiện vi phạm, sai phạm hàng chục ngàn tỷ

Ông Lượng cho biết, qua các cuộc thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 52.253 tỷ đồng và 1.788 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 14.447 tỷ đồng, 824 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ, 50 đối tượng.

Có 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản phải xác minh tài sản, thu nhập (năm 2014 chỉ có 5 người), trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực (đã xử lý kỷ luật 2 người, còn 2 trường hợp tại tỉnh Cà Mau và một trường hợp tại tỉnh Bình Thuận đang xem xét). Đã có 22 người nộp lại quà biếu với số tiền 89 triệu đồng.

Qua 181 báo cáo kiểm toán đã được ban hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 23.024 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý các tập thể liên quan và 30 cá nhân, chuyển một vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.

Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 821 bị can phạm tội về tham nhũng.

Hối lộ, lót tay, chạy chọt rất phổ biến

Chính phủ thẳng thắn nhận định: “Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Kỷ cương, kỷ luật trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực hiện pháp luật qua kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ”.

Báo cáo khẳng định “tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp”.

Đặc biệt “đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, vẫn là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”. Nhưng “tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”.

Chính phủ “dự báo thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng. Đáng chú ý là nguy cơ phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn như: đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN; vấn đề xử lý nợ xấu và hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại; hoạt động hoàn thuế VAT…”.

Bình luận về nhận định trong báo cáo của Chính phủ, phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng đúng là tình trạng lót tay, chạy chọt, kể cả chạy án…, các loại chạy đều có, nhưng nhận định tham nhũng liên kết thành các nhóm lợi ích thì cần được chứng minh. “Có những nhóm nào, ai là nhóm trưởng, nhóm phó?” - ông Phong đặt câu hỏi.

Trong khi Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: Chúng ta quyết liệt phòng chống, tăng cường và củng cố lực lượng, hoàn thiện thể chế mà tại sao số vụ việc tham nhũng bị phát hiện lại giảm xuống (trong khi tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng)?

Bộ, ngành nhận định khác Chính phủ?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị nêu đích danh các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hoặc chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng.

Phân tích báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nga phát hiện ra một nghịch lý: báo cáo đánh giá của Chính phủ cho rằng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, là một trong những vấn đề gây bức xúc nhất cho xã hội. Nhưng các bộ, ngành, địa phương có đánh giá như vậy không? Báo cáo cho thấy chỉ có 19 bộ, ngành, địa phương tự đánh giá, vậy số còn lại tại sao không đánh giá tình hình?

Trong số 19 báo cáo tự đánh giá thì 7 bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình tham nhũng trong bộ, ngành, địa phương mình là ít nghiêm trọng; 4 nói rằng không nghiêm trọng. “Đề nghị các đồng chí nêu tên cụ thể? Chúng ta thử hỏi nhân dân ở nơi đó xem có đúng là ít nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng không? 11/19 nơi đánh giá ít nghiêm trọng, không nghiêm trọng thì có phản ánh đúng tình hình không?” - bà Nga nêu.

Đáp lời, ông Trần Đức Lượng nói: “Chúng ta đánh giá dựa trên cơ sở nhiều tiêu chí. Còn dựa vào tự đánh giá thì chúng tôi cũng chưa dám bình luận”.

Ở một góc nhìn khác, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng lên tiếng: “Về kết quả chống tham nhũng không được như mong muốn, trước đây chúng ta đổ lỗi cho cơ chế, bây giờ lại sử dụng từ thể chế. Tại sao chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho thể chế? Tôi cho rằng chúng ta có làm thật và làm mạnh hay không mà thôi. Tôi thấy các giải pháp Chính phủ trình bày chủ yếu là phòng ngừa, nhưng lại thiếu giải pháp “đánh án”, tấn công tham nhũng”.

Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới đây.


Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khẳng định tình trạng hối lộ, lót tay, chạy chọt còn phổ biến (Ảnh: Lê Kiên)

Nguồn: Lê Kiên/Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết