Tiếng Việt | English

18/09/2020 - 09:38

Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện tân thạnh (19-9-1980 - 19-9-2020)

40 năm vững tin trên con đường đổi mới và phát triển

Sau 40 năm thành lập, Tân Thạnh (Long An) có nhiều đổi mới trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao mức sống cho người dân. Đây là những dấu ấn đáng tự hào của một vùng quê thuộc Đồng Tháp Mười.

Một góc Tân Thạnh hôm nay. Ảnh: Duy Bằng

Dấu ấn 40 năm

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, Tân Thạnh được xem là cái nôi của cách mạng, với Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ. Sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, cũng như các địa phương khác, Tân Thạnh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Thế nhưng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thạnh một lần nữa thể hiện tình yêu quê hương, đất nước bằng việc đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thành Chẩn chia sẻ: “Ngày mới thành lập huyện, đời sống người dân cơ cực lắm! Diện tích đất tự nhiên của huyện khoảng 40.000ha, trong đó đến 70% hoang hóa; dân số 30.000 người nhưng 20% là mù chữ, còn lại chủ yếu học cấp 1 và 2; 90% nhà tre lá; mỗi xã chỉ có 1 điểm trường cấp 1 dựng bằng tre; giao thông thủy lợi chỉ có duy nhất kênh Dương Văn Dương và đường liên tỉnh lộ 29 từ huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đến Kiến Tường; trụ sở làm việc của UBND các xã cũng tạm bợ, thậm chí có nơi còn phải mượn nhà dân...”.

Hiện nay, Tân Thạnh có 27/39 trường học đạt chuẩn quốc gia

Xác định được khó khăn trên, đồng thời bằng sự quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân, huyện đưa ra nhiều giải pháp: Bố trí lại dân cư, khuyến khích người dân khai hoang, mở rộng sản xuất, tiếp nhận lao động từ các nơi khác đến; đẩy mạnh phát triển thủy lợi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển từ làm lúa 1 vụ lên 2 vụ,... Kết quả sau 2 năm, tất cả người dân đều có đất sản xuất và phát triển kinh tế, huyện trở thành vựa lúa của vùng Đồng Tháp Mười, vậy là tiềm năng vùng đất mới được đánh thức.

Phát huy kết quả đã đạt trong nông nghiệp, huyện tiếp tục xây dựng 4.000ha vùng lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao tại 5 xã: Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Bắc Hòa, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây và đang triển khai nhân rộng ở các xã: Tân Thành, Tân Ninh, Nhơn Ninh, Kiến Bình, Tân Hòa. Nhờ vậy, hàng năm, tổng sản lượng lương thực đều tăng, bình quân 410.000 tấn/năm.

Điểm nổi bật trong hành trình 40 năm hình thành và phát triển của huyện là việc đột phá trong huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Đến nay, đường giao thông bảo đảm phục vụ xe 4 bánh đến được trung tâm 13/13 xã, thị trấn và 70/70 ấp, khu phố, trong đó theo chuẩn nông thôn mới 390,7km đường; xóa 100% bến tàu, đò,...

Ông Bùi Văn Hoàng, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, tự hào nói: “Tân Thạnh hôm nay có nhiều khởi sắc. Những con đường nhỏ, hẹp, sình lầy, trơn trợt ngày nào được thay thế bằng đường bêtông sạch, đẹp. Còn trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công viên,... được nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng nhu cầu dạy và học, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí của nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn thổi một luồng sinh khí mới cho vùng đất từng chịu cảnh “nửa năm nắng hạn, nửa mùa nước dâng”. Chỉ sau 10 năm thực hiện, huyện có 6 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Tân Ninh, Nhơn Ninh, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây, Bắc Hòa và Kiến Bình; hộ nghèo giảm còn 2,97%; 27/39 trường học đạt chuẩn quốc gia; 8/11 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế;...

Chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương

Không bằng lòng với những gì đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thạnh tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển nhanh và bền vững, góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân, xóa dần chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện (khóa X), nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 17 chỉ tiêu, 2 chương trình đột phá và 2 công trình trọng điểm.

Để đạt được chỉ tiêu, chương trình đề ra, huyện tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên; làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu.

Những cây cầu giao thông được bêtông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại

Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo khẳng định: “Trải qua 40 năm thành lập huyện, Tân Thạnh đạt rất nhiều kết quả đáng tự hào, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Để đạt kết quả trên, huyện nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà.

Nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập huyện (ngày 19/9/1980 - 19/9/2020), Tân Thạnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nhà tình nghĩa, tình thương,... nhất là tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát huy kết quả đã đạt, Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH và các chỉ tiêu, chương trình của đại hội đề ra; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có và huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển; thường xuyên quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ; phân công cụ thể từng chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị,...”.

Về Tân Thạnh trong những ngày Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang đón chào sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện, chúng ta sẽ nhìn thấy một vùng quê nghèo khó năm nào đã bừng lên sức sống mới, với kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn thay đổi vượt bậc, những cách đồng lúa xanh tốt hứa hẹn một mùa bội thu. Thành quả ấy minh chứng cho cuộc sống sung túc, ấm no của một vùng quê cách mạng yêu thương và đáng sống./.

Ông Huỳnh Minh Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh):

Ngày 19/9/1980, huyện Tân Thạnh được thành lập. Lúc đó, huyện chỉ có 1 Ngân hàng Nông nghiệp (nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với số vốn ban đầu 300 triệu đồng.

Vậy mà đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Tân Thạnh có đến 1.400 tỉ đồng, trong đó vốn huy động từ nhân dân trên 400 tỉ đồng.

Ngoài ra, trước đây, toàn huyện chỉ có 1 bưu điện với những chiếc điện thoại lạc hậu, sử dụng nguồn điện ắc-quy, khi muốn liên lạc với cơ sở phải trực tiếp chạy xuống, còn bây giờ nhà nào cũng có điện thoại, liên lạc dễ dàng.

Ông Hồ Văn Phúc (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình):

Khi mới thành lập huyện, trình độ dân trí rất thấp; giao thông chủ yếu bằng đường thủy; toàn huyện chỉ có 1 chợ; nhà nào giàu mới có được cái tivi; cả xã chỉ có 15ha đất trồng lúa, còn lại chủ yếu bỏ hoang,...

Còn bây giờ, trình độ người dân ngày càng nâng cao; đường giao thông được bêtông sạch đẹp, xe 4 bánh chạy bon bon trên đường; xã nào cũng có chợ; người dân chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 3 vụ, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,...

Nhìn thấy quê hương thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thế hệ chúng tôi mừng lắm!

Ông Nguyễn Văn Kiều (người có công với cách mạng, ngụ xã Kiến Bình):

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc, cứu nước, lớp lớp thế hệ đi trước đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập hôm nay. Và khi đất nước hòa bình, gia đình tôi nói riêng, người dân Tân Thạnh nói chung luôn đoàn kết khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hơn hết, nhìn quê hương phát triển từng ngày, thế hệ hôm nay sống có trách nhiệm với quê hương, dân tộc, chúng tôi cảm thấy ấm lòng.


Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết