Tiếng Việt | English

29/09/2016 - 16:12

49,4% diện tích của Long An sẽ bị ngập vào năm 2100

Đây là dự báo được đưa ra tại Hội thảo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến tài nguyên nước tỉnh Long An, do tỉnh Long An phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, tổ chức Winrock tại Việt Nam (Quản lý Dự án Rừng và Đồng bằng) tổ chức ngày 29/9.

Tại hội thảo, tổ chức Icem (Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường) dự báo đến năm 2100, ảnh hưởng của BĐKH, nước biển sẽ dâng cao thêm 1m, khoảng 39% diện tích của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập; trong đó, tỉnh Long An sẽ bị ngập khoảng 49,4% diện tích. Đặc biệt, ở các huyện vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ sẽ bị tổn thất nghiêm trọng và lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn.


Theo dự báo được đưa ra tại Hội thảo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước tỉnh Long An, 49,4% diện tích của Long An sẽ bị ngập vào năm 2100

Hội thảo cũng nêu ra thực trạng sử dụng tài nguyên nước của tỉnh còn nhiều hạn chế. Trong đó, nguồn nước mưa có trữ lượng lớn 6,6 – 7,9 tỉ m3/năm, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng; nguồn nước mặt trữ lượng 10,2 – 13,2 tỉ m3/năm nhưng bị chua phèn, mặn, ô nhiễm, mực nước ngầm có xu hướng giảm mạnh do việc khai thác quá mức. Hiện toàn tỉnh có khoảng 3.505 công trình khai thác nước ngầm.

Hội thảo đề ra các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng BĐKH lên tài nguyên nước của tỉnh như: Kiểm soát lũ cho vùng Đồng Tháp Mười; kiểm soát lũ tràn qua biên giới; nạo vét mở rộng các kênh thoát lũ kết hợp tưới; xây dựng các cống thoát lũ và ngăn mặn; thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời gian, nồng độ mặn.

Đồng thời, xây dựng, củng cố các tuyến đê cửa sông, đê sông, tu sửa nâng cấp hệ thống cống hiện có; tận dụng nguồn nước hồi quy của nguồn nước Dầu Tiếng, xem xét việc chuyển lượng nước thừa từ hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông để sử dụng, mở rộng kênh trục Bo Bo và các kênh khác để đưa nước từ thượng lưu xuống khu vực phía Nam của tỉnh./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết