Tiếng Việt | English

31/12/2017 - 09:01

Ai là nhà báo người dân cần?

Tháng 12 về, như thói quen, tôi hay dành thời gian lục lại những bài viết của mình trong năm rồi ngồi một mình ở góc quán cà phê yên tĩnh để tự suy ngẫm, đánh giá.

1. Bài viết nào tốt về nội dung, cách thể hiện hoặc còn hạn chế, tôi đều ghi lại để nhớ, làm bài học cho mình. Trong những bài viết đó, khơi lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ, trăn trở với nghề báo - nghề gắn bó với tôi suốt 10 năm qua.

Tôi vẫn thường trăn trở vì còn nhiều việc chưa làm được, làm chưa tốt, có khi còn quên thực hiện lời hứa với bạn đọc. Để rồi, tôi luôn nhắc bản thân “còn nợ bạn đọc, nợ tờ báo, nợ người dân...”. 

Tôi cũng luôn suy nghĩ câu hỏi “Ai là nhà báo người dân cần?”. Đến gặp ngành chức năng xin báo cáo, hỏi vài điều qua loa rồi dựa theo đó mà viết hay là phải tiếp tục đến tận cơ sở gặp người dân để thấy, nghe, hiểu? Tất nhiên, phương án tiếp cận thông tin thứ hai tôi ưu tiên lựa chọn.

Đến tận cơ sở, ra tận thực địa quan sát, đánh giá vấn đề sẽ có những bài viết chất lượng

Đến tận cơ sở, ra tận thực địa quan sát, đánh giá vấn đề sẽ có những bài viết chất lượng

Tôi hiểu rằng, những bài viết mang tính chất báo cáo chỉ nghe thông tin một chiều, không xuống tận cơ sở gặp nhân vật, gặp dân nhưng viết theo lối “lựa chiều”, nghe kể rồi viết lại, thiếu thực tế sẽ rất khập khiễng, dễ sai sự thật và tất nhiên, không thể “sống” trong lòng bạn đọc. 

Ai là nhà báo để người dân trông cậy? Đó là những nhà báo luôn xông pha xuống cơ sở tiếp cận vấn đề, nhân vật, thậm chí “sờ”, “nếm” để tìm ra sự thật, bảo vệ chân lý. Ai là nhà báo không thể trông cậy? Đó chính là nhà báo chạy theo cám dỗ, “xa dân”, xa thực tiễn, viết bài theo lối báo cáo để lấy nhuận bút hay mục đích tư lợi cá nhân.

2. “Cuộc đời ông là tháng ngày sống lang thang trên vỉa hè, khu chợ, đêm về co mình trong túp lều lá rách nát bỏ hoang bên dòng kênh nhiều cỏ hoang. Ông chỉ mong một lần được cấp tấm giấy tùy thân để biết mình vẫn là công dân trong cuộc đời như bao người bình thường khác. Nguyện vọng cuối đời là được vào ở trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để cảm nhận mình có nhà, khi chết đi không phải nằm ở đầu đường, xó chợ…”, đó là những lời tâm sự của một cụ ông tuổi gần 80 được đăng trên báo. Nhưng, chỉ mấy ngày sau khi bài báo đăng, cụ ông mãi mãi rời xa nhân thế, bỏ lại ước mơ dang dở. Thương tình, một người dưng, chỉ quen ông trên vỉa hè đến đưa thi thể ông đi hỏa táng và lấy tro cốt mang đến chùa.

Hai tháng sau ngày ông mất, tình cờ tôi gặp lại một cán bộ ở địa phương nơi cụ ông từng tá túc và tôi cũng từng tìm đến đề nghị giúp đỡ, anh gằn giọng: “Anh có biết nài viết của anh về cụ ông lang thang trên địa bàn ảnh hưởng thế nào đến tôi và hình ảnh địa phương không? Vụ đó, anh lấy của ông ấy bao nhiêu tiền?”. 

Một sự thù ghét báo chí được bộc lộ rất rõ ở vị cán bộ này. Nhưng, điều tôi đau lòng là sao chuyện cụ ông lang thang, xin được cấp giấy tờ... lại ảnh hưởng đến ông cán bộ này và làm xấu hình ảnh địa phương? Đáng lẽ ra cụ ông phải là người được đồng cảm, sẻ chia nhưng vị cán bộ này lại tỏ vẻ bực tức, có lẽ vụ này làm ảnh hưởng đến “thành tích” của địa phương. 

Là người tìm hiểu trường hợp cụ ông, tôi chắc chắn một điều, ông cán bộ này xa dân, mắc bệnh thành tích. Còn tôi biết rằng, trong trường hợp này, tôi đang gần dân, sát thực tế. Chính tôi cũng biết rõ, ông không có tiền mua nổi bánh mì ăn khi đói, chết không có nơi chôn thì tiền đâu để hối lộ viết báo? 

Đó chỉ là một chuyện nho nhỏ trong rất nhiều điều tôi gặp trong quá trình tác nghiệp nhưng tôi luôn biết cách vượt qua, không để nó ảnh hưởng đến công việc. Ngược lại, tôi luôn tìm niềm vui từ những chuyến đi trải nghiệm, những hiệu ứng từ bài viết, những nghĩa tình với những số phận, con người từng gặp để làm động lực viết báo, gắn bó với nghề báo.

Có nhiều cách để bước chân vào nghề, đôi khi bạn chủ động chọn nghề hoặc cũng có thể nghề vô tình chọn bạn. Tôi đến với nghề báo cũng tình cờ như thế, nhưng dù ở truờng hợp nào, tôi vẫn luôn ý thức, nghề báo hay bất cứ nghề nào cũng vậy, nếu không có đam mê thì khó sống trọn với nghề đã chọn./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết