Tiếng Việt | English

19/07/2021 - 07:30

Ấm tình người trong những ngày giãn cách

Cả nước ta, trong đó có Long An đang ở giai đoạn khó khăn nhất của dịch Covid-19. Dịch bệnh lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường, ai cũng có nguy cơ nhiễm bệnh,...

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, các tỉnh, thành phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong hoàn cảnh giãn cách xã hội để phòng dịch, nhiều công nhân, lao động tạm ngưng công việc, cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng, nhiều lao động tự do, người bán vé số mất thu nhập. Việc thông thương hàng hóa gặp khó khăn, chuỗi cung ứng dịch vụ đứt gãy dẫn đến khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá,... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, nhất là những gia đình nghèo, đối tượng khó khăn.

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều hoạt động, nghĩa cử, việc làm cao đẹp, tử tế diễn ra trên khắp địa bàn tỉnh như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, động lực để cùng nhau vượt qua đại dịch. Thông qua hành trình “San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch”, Tỉnh đoàn ra mắt mô hình “Bếp ăn nghĩa tình” nhằm hỗ trợ phần ăn miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.Tân An. Nguồn kinh phí thực hiện bếp ăn từ vận động xã hội hóa và một phần trích từ ngân sách Tỉnh đoàn. Hội Phụ nữ các cấp cũng vừa tham gia tuyên truyền, vừa tích cực tham gia công tác hậu cần, các bếp ăn phục vụ khu vực cách ly, tổ chức đi chợ hộ. Một số chủ nhà trọ ở Bến Lức đã giảm tiền cho thuê trọ đối với công nhân, lao động mất việc, ngưng việc. Nhiều suất ăn nghĩa tình đã được mang đến cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch ở các khu cách ly tập trung. Người dân khu vực biên giới thì cho mượn đất làm trạm, chốt phòng dịch, hỗ trợ bộ đội thêm rau, gà, cá để cải thiện bữa ăn sau những ngày, đêm căng sức tuần tra,...

Khi các chợ truyền thống tạm đóng cửa, việc mua bán hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống gặp nhiều khó khăn, MTTQ và đoàn thể các cấp có nhiều hoạt động hỗ trợ, sẻ chia. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cần Đước thực hiện các phiên chợ 0 đồng; xã Long Sơn có phiên chợ tôm 0 đồng, chợ rau 0 đồng, kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ở huyện Đức Huệ, câu chuyện vợ chồng ông Tạ Văn Mừng, bà Trần Thị Sáu - chủ tiệm rau, củ, quả ở khu phố 2, thị trấn Đông Thành, đã tặng 1 tấn rau, củ, quả cho người dân trên địa bàn, làm nhiều người xúc động. Không chỉ hỗ trợ trong tỉnh, nhiều người còn hỗ trợ nông sản cho TP.HCM. Tất cả những việc làm tử tế, tốt đẹp càng nhân lên nét đẹp tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cũng cảm thấy ấm lòng giữa mùa dịch bệnh.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết để đẩy lùi dịch bệnh, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên, tặng quà các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Lãnh đạo tỉnh đi thăm và trực tiếp trao quà cho những đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Hiện nay, qua rà soát, Long An có khoảng 45.500 người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ, với tổng kinh phí gần 70 tỉ đồng. Việc chi hỗ trợ cho những đối tượng này được tỉnh quan tâm, nhắc nhở phải làm ngay, kịp thời, không bỏ sót để giúp họ vơi bớt khó khăn khi đời sống, thu nhập bị ảnh hưởng.

Nhiều doanh nghiệp, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng vẫn tham gia các hoạt động chăm lo công nhân, lao động, hỗ trợ cộng đồng, đóng góp quỹ vắc-xin,… Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Long An trích nguồn kinh phí kinh doanh chuyển Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 8 tỉ đồng để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người bán vé số lẻ khi tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết để phòng, chống Covid-19. Theo đó, mỗi người bán vé số lẻ sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong 15 ngày (kể từ ngày 09-7 đến 23-7). Đây cũng là sự tri ân đối với những người đã đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Chưa bao giờ tinh thần “nhường cơm sẻ áo” lại lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi như lúc này. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc của người Việt Nam một lần nữa được nhân lên, trở thành sức mạnh để cùng nhau chiến đấu với đại dịch. Xã hội tuy giãn cách nhưng lòng người không xa cách, càng khó khăn càng xích lại gần nhau hơn./.

Tân An

Chia sẻ bài viết