Tiếng Việt | English

15/04/2020 - 14:33

'An nhàn' trong nỗi lo

Khi học sinh tạm nghỉ, giáo viên (GV) tư thục và hợp đồng trường công lập cũng tạm thời “thất nghiệp”. Không có lương, nhiều GV chật vật với cuộc sống.

Học sinh tạm nghỉ học, giáo viên tư thục và giáo viên hợp đồng cũng tạm nghỉ không lương
Học sinh tạm nghỉ học, giáo viên tư thục và giáo viên hợp đồng cũng tạm nghỉ không lương

Xin làm công nhân

Gần 1 tháng nay, cứ có thời gian rảnh, cô Trần Thị Thu Hằng - GV Trường Mầm non Tân Đức (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), lại chạy dọc các tuyến đường có công ty, xí nghiệp trên địa bàn để nộp đơn xin làm công nhân. Kiên trì là vậy nhưng cô Hằng vẫn chưa tìm được một công việc cho mình.

Là mẹ đơn thân, một mình lo cho con gái đang học lớp 2 nên hơn ai hết, cô Hằng cần một công việc với mức lương ổn định để trang trải cho cuộc sống. Vì dịch bệnh Covid-19, cô phải tạm nghỉ không lương nhưng cô và con gái còn bao nhiêu nỗi lo khác. Cô Hằng tâm sự: “Từ tháng 02 đến nay, tôi nghỉ không lương. Tiền tích lũy cũng tiêu xài gần hết. Chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể nhưng những khoản tiền trọ của tôi, tiền sinh hoạt phí của con luôn cố định mỗi tháng. Đi xin làm công nhân, một số nơi không tuyển, một số nơi yêu cầu phải có tay nghề mới tuyển. Tôi vẫn tiếp tục đi xin việc vì phải có tiền lương hàng tháng mới trang trải đủ cho cuộc sống”.

Trong thời gian chưa xin được việc, cô Hằng bán một số đồ ăn vặt trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là công việc “làm cho vui” vì mỗi tuần chỉ kiếm được 50.000-60.000 đồng. “Trước tình hình dịch bệnh, không chỉ tôi mà còn rất nhiều người khác gặp khó khăn. Hiểu điều đó nhưng tôi cũng rất mong được Nhà nước hỗ trợ một phần gánh nặng” - cô Hằng mong muốn.

Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh dạy em học

Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh dạy em học

Một trường hợp khác là cô Nguyễn Thị Kiều Dung (25 tuổi), ngụ thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, cũng là GV trường tư thục và đang thất nghiệp tạm thời vì dịch bệnh. Cô Dung kể: “Khi nghỉ không lương 1 tháng, tôi thấy không ổn nên chủ động xin làm công nhật ở công ty để trang trải tiền trọ và cuộc sống hàng ngày. Làm được 1 tháng thì công ty cho những người làm công nhật thôi việc vì họ không xuất được hàng. Tôi cũng tìm thêm vài công ty khác nhưng họ đều không tuyển nên đành về quê sống với ba mẹ cho đỡ phần nào chi phí sinh hoạt”.

Về quê, chi phí sinh hoạt có ba mẹ "gánh" nhưng cô Dung phải chia tiền trọ 600.000 đồng/tháng với bạn cùng phòng. Cũng như các GV tạm nghỉ không lương khác, cô Dung cũng muốn được hỗ trợ một phần để trang trải những số tiền buộc phải chi trả hàng tháng.

Cô Phạm Thị Ngọc Huyền

Cô Phạm Thị Ngọc Huyền

Khó khăn mọi bề

Tạm nghỉ không lương, cuộc sống của nhiều GV tư thục và hợp đồng trường công lập trở nên xáo trộn. “Không có tiền đóng nhà trọ, mua sữa cho con, chi tiêu hàng ngày,…” là nỗi lo chung của các GV đang tạm nghỉ không lương và không có việc làm nào khác để trang trải cuộc sống. 

Cô Cao Thị Minh Hòa - GV Trường Mầm non Tân Đức, thổ lộ: “Tôi và chồng đều là người địa phương khác đến Long An lập nghiệp. Vậy nên tất cả mọi thứ hầu như hai vợ chồng phải tự lo. Nay tôi tạm nghỉ không lương, công việc của chồng cũng không còn tăng ca nên thu nhập giảm. Cả gia đình gồm 2 vợ chồng và đứa con 2 tuổi chỉ sống nhờ đồng lương 5.000.000 đồng/tháng của chồng. Trong khi đó, tiền sữa cho con khoảng 2.000.000 đồng/tháng và tiền trọ 1.800.000 đồng/tháng”. Thời điểm tạm nghỉ không lương cũng là thời điểm gia đình cô Hòa thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên, cuộc sống vẫn chật vật.

Cũng như cô Hòa, cô Phạm Thị Ngọc Huyền - GV nhóm trẻ Sao Việt (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức), gồng mình chi trả những khoản phí cố định mỗi tháng. Cô Huyền kể: “Tạm nghỉ không lương, tôi về quê ở Châu Thành nhưng vẫn phải đóng 700.000 đồng tiền trọ mỗi tháng ở Bến Lức. Tiền lương không có nhưng tiền chi cố định thì vẫn phải chi. Tôi lo lắng không biết tình trạng này kéo dài bao lâu”.

Không chỉ GV tư thục, GV hợp đồng trường công lập cũng có cùng nỗi lo. Học sinh nghỉ học, GV hợp đồng trường công lập cũng tạm nghỉ không lương và không ít trong số họ đang chật vật với cuộc sống.

Trường Mẫu giáo Phước Lợi (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) hiện có 7 GV hợp đồng. Các cô đang tạm nghỉ không lương từ tháng 02 đến nay. Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh - GV hợp đồng Trường Mẫu giáo Phước Lợi, chia sẻ: “Tạm nghỉ không lương và chưa biết kéo dài đến khi nào nên tôi cũng không tránh khỏi lo lắng. Tôi có đi xin làm công nhân thời vụ nhưng không được vì các công ty hầu như ngừng tuyển dụng”.

Được biết, gia đình cô Oanh gặp nhiều khó khăn. Mẹ của cô thu mua phế liệu nhưng do dịch bệnh cũng tạm ngưng công việc; cha của cô thì làm hồ nhưng công việc hiện nay cũng không mấy khả quan, 2 người em đang còn đi học và lương 3,5 triệu đồng/tháng cố định của cô nay không còn. Do đó, gia đình cô Oanh hiện chỉ biết chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đó là những trường hợp GV đang “an nhàn” trong nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Không có lương, cuộc sống của họ trở nên chật vật và kèm theo là sự lo lắng vì chưa biết tình trạng này kéo dài bao lâu. Điều họ mong mỏi nhất lúc này là được hỗ trợ một phần để chi trả những khoản cố định hàng tháng./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết