Tiếng Việt | English

21/11/2021 - 09:49

Ăn rau mầm đúng cách để không ngộ độc và tốt cho sức khỏe

Chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, rau mầm được rất nhiều người lựa chọn bởi những lợi ích sức khỏe mà loại rau này mang lại.

1. Giá trị dinh dưỡng của rau mầm

Rau mầm có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với nhiều loại rau trưởng thành. Rau mầm giàu chất xơ, vitamin B và protein. Bên cạnh đó, rau mầm còn chứa rất nhiều enzym tiêu hóa và một số thành phần chất chống ôxy hóa.

Cơ thể sẽ được bổ sung các vitamin và khoáng chất khác như sắt, kẽm, canxi, vitamin C, vitamin K, biotin... nếu ăn rau mầm thường xuyên.

2. Tác dụng của rau mầm với sức khỏe
2.1 Tăng cường hệ thống miễn dịch

Rau mầm chứa nhiều vitamin C, là một chất chống ôxy hóa mạnh, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể có thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Rau mầm còn giàu vitamin A rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của các tế bào tim, phổi, thận và nhiều cơ quan khác.

Rau mầm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.

2.2 Kích thích mọc tóc

Lượng vitamin C dồi dào trong rau mầm giữ vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất ra collagen tự nhiên cho cơ thể. Tăng cường chất chống ôxy hóa giúp làm mềm tóc, kích thích mọc nhanh dài và dày. Chống rụng tóc hiệu quả. 

2.3 Rau mầm giúp hỗ trợ sinh sản

Rau mầm chứa nhiều khoáng chất như sắt, kẽm, canxi… Sắt là chất sản sinh máu và làm tăng khả năng vận chuyển ôxy trong máu. 

Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng có vai trò cân bằng khả năng sinh sản và ham muốn tình dục ở cả nam giới và nữ giới. Ở nữ giới, thiếu kẽm có thể ức chế sự phát triển và thành thục sinh dục. Phụ nữ mang thai nếu thiếu kẽm sẽ gây hại cho quá trình phát triển của thai nhi.

Nam giới sử dụng kẽm thường xuyên mỗi ngày sẽ có lượng tinh trùng khỏe mạnh và số lượng nhiều hơn những người không sử dụng.

2.4 Làm đẹp da

Trong rau mầm có chứa các chất chống ôxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa các nguy cơ về ung thư. 

Ngoài ra, vitamin C có trong loại rau mầm giúp cho làn da đẹp hơn thông qua việc sản xuất ra các collagen. Nó cung cấp sức đàn hồi cho làn da, giúp cho bạn có một làn da trẻ trung, sáng mịn.

2.5 Tốt cho cơ bắp

Các loại đậu, hạt, ngũ cốc... chứa hàm lượng protein cao. Khi được ngâm và nảy mầm, chất lượng protein sẽ được cải thiện hơn. Protein là thành phần quan trọng của mọi tế bào trong cơ thể, đặc biệt là cơ bắp. Protein giúp hình thành, phát triển cơ bắp.

3. Nguy cơ nhiễm hóa chất từ rau mầm

Hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm, đây là điều kiện để các loại vi khuẩn phát triển. Khi trồng rau mầm, nếu đất, rơm, xơ dừa… không được tiệt trùng để diệt vi khuẩn, nấm mốc và ở trong môi trường nóng ẩm, ít nắng sẽ là nguy cơ làm cho rau mầm nhiễm nấm mốc, vi khuẩn như Pythium, E.coli... 

Đất để gieo rau mầm có thể chứa nhiều kim loại nặng hoặc hàm lượng nitrat cao, khi ăn vào có thể bị ngộ độc, đặc biệt là với trẻ nhỏ. 

Nếu quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn thì rau cũng sẽ bị nhiễm khuẩn. Nước tưới cho rau mầm phải là nước sinh hoạt sạch; Dùng các loại nước bã chè, nước gạo sẽ khiến vi khuẩn gia tăng.

Nếu gieo rau mầm bằng những hạt có tẩm hóa chất, do thời gian thu hoạch ngắn ngày nên tồn dư hóa chất chưa được phân hủy có thể gây ngộ độc cho người dùng, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Muốn trồng rau mầm phải chọn những hạt giống sạch, dành riêng cho rau mầm.

Chọn những hạt giống sạch, dành riêng cho rau mầm.

4. Rau mầm và ngộ độc thực phẩm

Ăn rau mầm có thể giúp tăng cường sức khỏe tốt. Nhưng chúng cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm khi ăn sống hoặc thậm chí nấu chín. Điều này là do vi khuẩn có thể phát triển mạnh trong môi trường ấm áp, ẩm ướt và rau mầm được phát triển trong những điều kiện này. Tiêu chảy, sốt và đau quặn bụng là những triệu chứng phổ biến xảy ra từ 12 đến 72 giờ sau khi bị nhiễm trùng. Chế biến đúng cách sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại có trong rau mầm.

Những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, bao gồm cả trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai, không nên ăn bất kỳ loại rau mầm sống hoặc nấu chín. Nếu bạn là người nguy cơ cao, hãy nấu chín kỹ rau mầm nếu muốn ăn chúng.

5. Không ăn quá nhiều rau mầm

Do chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên một người bình thường chỉ cần ăn lượng rau mầm nhỏ bằng 1/10 - 2/10 rau trưởng thành.

Nếu nhu cầu ăn bình thường là 500g rau trưởng thành/ngày thì chỉ nên ăn lượng tương đương là 50g rau mầm/ngày. Nhưng cũng không nên ăn rau mầm thay thế hoàn toàn rau lớn, mà nên ăn xen kẽ nhau.

Rau mầm được trồng trong môi trường nóng ẩm khiến các loại vi khuẩn, vi sinh vật có cơ hội phát sinh phát triển rất dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, dù mua hay thu hái rau mầm tại nhà đều không nên ăn sống mà phải rửa thật sạch, kỹ trước khi chế biến món ăn.

Nên ăn rau mầm chín vì các hóa chất (nếu có) trong rau mầm có thể sẽ bị tiêu hủy hoặc giảm đi nhiều khi nấu chín.

6. Ăn rau mầm đúng cách

Chỉ mua những loại rau mầm tươi đã được bảo quản lạnh đúng cách.
Không mua rau mầm có mùi mốc hoặc nhầy nhớt.
Rửa tay trước và sau khi xử lý rau mầm sống.
Rửa kỹ rau mầm dưới vòi nước chảy trước khi sử dụng.
Nấu chín rau mầm có thể giúp giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. 
Có thể cho thêm rau mầm vào các món súp, món hầm hoặc món xào vào gần cuối quá trình nấu ăn. Hoặc có thể nướng trong lò cho đến khi rau mầm giòn và có màu nâu.

7. Quy trình trồng rau mầm đảm bảo an toàn tại nhà

- Dùng giấy ăn (loại chưa sử dụng) đặt lên khay (rổ rá, khay nhựa có lỗ thủng) làm giá thể. Sử dụng giấy ăn vừa tiết kiệm so với xơ dừa, phân trùn quế đã xử lý, vừa có cơ chế thấm ẩm đều, nhanh, đảm bảo sạch.

- Hạt giống ngâm trong nước ấm khoảng 30 độ C từ 10-12 giờ với hạt giống to như đậu tương, lạc, đậu xanh; và khoảng 6 giờ với hạt nhỏ như hạt cải.

- Trải hạt đã ngâm lên giá thể, cứ 3-4 tiếng tưới nước làm ẩm một lần.

- Sau 6-7 ngày có thể thu hoạch; riêng với đậu xanh, đậu tương, đậu đen thì chỉ để khoảng 3 ngày.

- Sau khi thu hoạch, không được dùng lại giấy ăn. Các khay đựng giá thể phải được cọ rửa sạch và nên phơi nắng để diệt khuẩn. Nước tưới, nước ngâm hạt phải là nước sạch./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích