Tiếng Việt | English

25/09/2019 - 08:56

An toàn là trên hết

Những ngày qua, nước lũ từ đầu nguồn đổ về kết hợp những cơn mưa lớn làm cho mực nước trên sông, rạch ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười lên nhanh. Nước lũ về mang theo phù sa và nguồn lợi thủy sản nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có an toàn giao thông đường thủy.

Hiện nay là đầu năm học mới, học sinh vùng Đồng Tháp Mười đến trường bằng nhiều phương tiện: Có em được cha mẹ đưa đón bằng xe, xuồng; nhiều em tự đến trường bằng xe đạp, xe điện, đi bộ. Dù đi bằng bất kỳ phương tiện nào, con đường đến trường của các em cũng khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi địa hình vùng này có nhiều sông, kênh, rạch. Phần lớn các con đường đều ven kênh, có khi phải qua đò, qua cầu, trong khi có nhiều em không biết bơi, không được trang bị dụng cụ nổi, dụng cụ cứu sinh. Hầu hết các em khi đi đò ngang, đi xuồng đều không mặc áo phao; nhiều em đi xe điện không đội nón bảo hiểm, do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn giao thông và đuối nước.

Mặt khác, ở nông thôn có nhiều đường xóm ấp, đường nhánh, lối ngang, ngõ tắt, người tham gia giao thông thường có tâm lý chủ quan,... cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước tình hình trên, nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa cho người tham gia giao thông nói chung và học sinh nói riêng, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần kết hợp các đoàn thể, nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức chấp hành giao thông, thực hiện văn hóa giao thông cho học sinh. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, kể cả đường nông thôn; kiểm tra các bến đò dọc, đò ngang trong thực hiện các quy định về bến bãi và an toàn giao thông, việc thực hiện mặc áo phao khi đi đò, phà,…

Nhà trường kết hợp chặt chẽ gia đình trong ký cam kết thực hiện an toàn giao thông cho con em; nhắc nhở học sinh phải đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện; mặc áo phao, có dụng cụ cứu sinh khi đi xuồng, qua đò và tuân thủ quy định của bến đò. Với những em đi học bằng ghe xuồng phải có áo phao, dụng cụ nổi, có người lớn biết bơi đi kèm. Trẻ em không được tự ý tắm kênh, rạch mà thiếu sự giám sát của người lớn; không được tự ý bơi xuồng ra đồng trống, đồng sâu ngập nước, kênh, rạch, nơi nước chảy mạnh. Cha mẹ nên tổ chức cho con em học bơi để có kỹ năng sống thích nghi vùng sông nước.

Mùa nước nổi là hiện tượng tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười, không vì thế mà lơ là, chủ quan trong bảo vệ an toàn cho trẻ em, nhất là trên đường đến trường./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết