Kiểm soát thực phẩm đầu vào
Suất ăn sẵn ngày càng đáp ứng theo nhu cầu phát triển của kinh tế. Đây là các suất ăn được chế biến từ những bếp ăn công nghiệp có công suất cao, giá thành phù hợp, phục vụ nhiều người cùng lúc. Hiện có 2 hình thức cung cấp suất ăn sẵn phổ biến là các công ty (Cty), doanh nghiệp ký hợp đồng với Cty cung cấp suất ăn công nghiệp nấu từ bên ngoài chuyển vào bếp ăn Cty hoặc hợp đồng tổ chức nấu tại đơn vị. Dù ở hình thức nào thì các suất ăn sẵn cũng cần được bảo đảm ATTP vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Thời gian qua, phần lớn số vụ NĐTP là do sử dụng suất ăn sẵn từ nơi khác vận chuyển đến. Nguyên nhân dẫn đến mất ATTP là do người quản lý bếp ăn tập thể chủ quan, kiến thức về lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm còn hạn chế. Cơ sở cung ứng ở xa, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi chế biến đến nơi sử dụng dài, không bảo đảm chất lượng thực phẩm. Phương tiện vận chuyển chưa bảo đảm gây hư hỏng thực phẩm, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay.
Thực hiện test nhanh dư lượng thuốc trừ sâu, phẩm màu, hàn the, foocmon,... đối với thực phẩm tươi sống
Chị Phan Ngọc Tường Vy, làm việc tại Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An bày tỏ: “Là công nhân nên tôi thường xuyên sử dụng các suất ăn chế biến sẵn. Điều mà tôi lo ngại nhất là cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chất phụ gia, tạo màu độc hại. Tôi mong muốn các cơ sở chế biến suất ăn sẵn quan tâm đến việc bảo đảm ATTP, đặc biệt là kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên liệu thực phẩm đầu vào”.
Nhằm bảo đảm ATTP, Cty TNHH TM-DV Bếp Việt Long An (khu phố 9, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chú trọng nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào. Hiện mỗi ngày, Cty cung cấp khoảng 5.000 suất ăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc. Chị Khấu Thị Huỳnh Hoa - đại diện Cty TNHH TM-DV Bếp Việt Long An, cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguyên liệu thực phẩm đầu vào nên lựa chọn ký kết hợp đồng với những đơn vị cung ứng có uy tín. Cty đặt hàng theo thực đơn cho các đơn vị cung ứng, nói không với hàng “trôi nổi” bên ngoài và chấp nhận giá thành thực phẩm theo thời điểm dù có sự chênh lệch cao”.
Vì bữa ăn an toàn, chất lượng
Chất lượng bữa ăn có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như năng suất của người lao động. Chính vì thế, bữa ăn công nghiệp phục vụ người lao động cần được bảo đảm ATTP. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp quan tâm, chăm lo bữa ăn cho người lao động.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Cty, bếp ăn tập thể của Cty TNHH May thêu Thuận Phương (xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) được đầu tư trang thiết bị hiện đại, không gian thoáng mát. Giám đốc nhân sự Cty TNHH May thêu Thuận Phương - Phạm Tuấn Hoài Mạc cho biết: “Bên cạnh việc lựa chọn Cty TNHH SX TM DV Đại Hàn Kim cung cấp các suất ăn sẵn, bộ phận giám sát của Cty còn kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào, tiến hành test nhanh dư lượng thuốc trừ sâu, phẩm màu, hàn the, foocmon,... đối với thực phẩm tươi sống mỗi ngày; đồng thời, giám sát khâu chế biến và cùng ăn với công nhân để đánh giá chất lượng bữa ăn”.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong quá trình chế biến thức ăn, các nhân viên phục vụ được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động từ găng tay, nón, khẩu trang nhằm bảo đảm vệ sinh cho các món ăn. Khu vực sơ chế, chế biến, kho lưu trữ được lau chùi sạch sẽ. Nhà ăn được lắp hệ thống điều hòa, lọc mùi, trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như tủ sấy, máy rửa khay, dụng cụ chế biến tự động, máy lọc nước, hệ thống nấu bằng nồi hơi và bếp gas liên hoàn.
Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được trang bị bảo hộ lao động và vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh cá nhân
Anh Tô Ngọc Xoàn - Bếp tổng Cty TNHH SX TM DV Đại Hàn Kim, cho biết: “Bếp ăn phục vụ 2.000 suất ăn/ngày. Để bảo đảm bữa ăn cho người lao động đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh, chúng tôi luôn cẩn thận trong việc lựa chọn thực phẩm, quy trình chế biến. Các món ăn được cải thiện, thay đổi từng ngày với đầy đủ 3 món chính. Và quan trọng nhất là quyết tâm không để xảy ra tình trạng NĐTP”.
Qua tìm hiểu tại một số cơ sở chế biến suất ăn sẵn cho thấy, các cơ sở này có hợp đồng và thu mua nguồn thực phẩm tại những địa chỉ tin cậy. Sau khi nhập về, bộ phận chức năng thực hiện kiểm tra theo 3 bước: Nguyên liệu đầu vào, khi chế biến thức ăn và trước khi ăn. Khu vực chế biến được lắp đặt hệ thống bếp inox, tránh tình trạng hoen gỉ và dễ lau chùi, bảo đảm theo nguyên tắc một chiều gồm: Khu sơ chế thực phẩm tươi sống, khu chế biến, khu phân chia thực phẩm,... bảo đảm vệ sinh. Song, còn không ít cơ sở chế biến suất ăn sẵn với quy mô nhỏ chưa đủ điều kiện vệ sinh, ATTP.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Long An - Bác sĩ Phạm Văn Luân thông tin: “Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 533 bếp ăn tập thể và 198 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Qua kiểm tra, hầu hết cơ sở đều có giấy tờ, sổ sách theo quy định, thực hiện lưu mẫu thức ăn đầy đủ; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sơ chế, chế biến thực phẩm cơ bản bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên, còn có cơ sở vi phạm các điều kiện về ATTP như diện tích khu sơ chế, chế biến chật hẹp, bố trí chưa khoa học, nước còn ứ đọng trên sàn,... Thời gian tới, chúng tôi tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, triển khai văn bản pháp luật và kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm”.
Để bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, các doanh nghiệp cần lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn sẵn có uy tín, chất lượng. Đối với doanh nghiệp, cần nâng giá trị bữa ăn. Hiện nay, một số Cty hợp đồng từ 12.000 đồng đến dưới 15.000 đồng/suất ăn, trong khi giá cả nguyên liệu biến động luôn tăng cao, do đó cơ sở cung cấp suất ăn mua nguyên liệu rẻ, không rõ nguồn gốc nên không bảo đảm chất lượng bữa ăn. Chủ các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP do mình sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ NĐTP xảy ra tại các đơn vị, doanh nghiệp, gây tổn hại sức khỏe người lao động./.
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần tuân thủ các quy định tại Điều 28, 29, 30 Luật An toàn thực phẩm (ATTP) và theo quy định của Nghị định số 67/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2, Điều 2 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, ngày 12/11/2018 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế”, cụ thể như sau:
- Thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm.
- Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Xử lý vi phạm hành chính về ATTP theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 04/9/2018 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP:
Theo khoản 2, Điều 15 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn;
c) Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
d) Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín;
đ) Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay;
e) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy.
Theo khoản 3, Điều 15 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về ATTP theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 5, Điều 15 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương