Tiếng Việt | English

27/08/2021 - 09:17

Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình tới sự hình thành chí hướng cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần

Đầu thế kỷ XX, toàn Nam bộ đã bị thực dân Pháp áp đặt chính sách cai trị. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, tiêu biểu có phong trào do Trương Định lãnh đạo. Tân An - Chợ Lớn trở thành vùng đất địa linh của các cuộc khởi nghĩa như Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Phan Văn Đạt, Bùi Quang Diệu,... Vùng đất Đức Hòa - Chợ Lớn còn là cái nôi sản sinh ra những người con ưu tú, có nhiều cống hiến cho đất nước, dân tộc.

Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, mẫu mực, tuyệt đối trung thành với lý tưởng Cộng sản (Ảnh tư liệu)

 

Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1891 tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ông nội của Võ Văn Tần là người thông thạo kinh sử, ông tham gia hoạt động trong Thiên địa hội. Bà nội của Võ Văn Tần sinh ra trong một dòng họ Nguyễn có truyền thống Nho học. Các bác, chú, cha và những người phụ nữ trong dòng họ Võ đều được học chữ Nho và giàu truyền thống yêu nước.

Ông ngoại của Võ Văn Tần là người vùng Hóc Môn, Gia Định, tham gia phong trào vũ trang chống Pháp. Năm 1885, ông tham gia khởi nghĩa Mười tám Thôn Vườn Trầu ở Hóc Môn. Khởi nghĩa thất bại, dù bị bao vây, truy đuổi, ông ngoại của Võ Văn Tần vẫn nêu cao khí tiết quyết chịu chết chứ không ra hàng địch.

Cha của Võ Văn Tần là người có uy tín trong vùng, thông hiểu chữ Hán. Mẹ của Võ Văn Tần là người phụ nữ đức độ. Tất cả những người anh, chị, em của Võ Văn Tần có cùng chí hướng cách mạng, đều tham gia trực tiếp đấu tranh, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Chính truyền thống lịch sử quê hương; tinh thần đấu tranh của các thế hệ cha, ông; tấm gương gia đình nội, ngoại là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của Võ Văn Tần.

Về nguồn viếng Đài tưởng niệm Võ Văn Tần tại Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa giúp tuổi trẻ hun đúc lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tin và tự hào đối với công lao to lớn của người chiến sĩ cách mạng anh hùng (Ảnh tư liệu)

Năm 1914, ông làm thầy giáo dạy chữ và bốc thuốc Nam chữa bệnh cho dân nghèo. Khi lên Sài Gòn làm nghề kéo xe, ông tận mắt thấy được cảnh sống khốn cùng của người lao động, sự bất công của chế độ thực dân, nỗi nhục của người dân mất nước.

Năm 1922, Võ Văn Tần làm chức biện làng (thư ký), ông đứng ra bênh vực nông dân và tham gia chống áp bức, bóc lột của bọn địa chủ cường hào. Ông bị địch bắt giam và trả tự do, do chưa có bằng chứng. Biểu hiện phản kháng, ý chí không khuất phục của Võ Văn Tần làm cho chính quyền thực dân, phong kiến bắt đầu quan tâm đến ông. Năm 1926, ông tham gia “Hội kín Nguyễn An Ninh” và tích cực tham gia hoạt động tại quê nhà. Đến cuối năm 1926, ông tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông tổ chức tuyên truyền, giác ngộ người dân và xây dựng được các chi hội khắp Đức Hòa, trong đó có nhiều người thân của Võ Văn Tần.

Ngày 06/3/1930, tại Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa (nay thuộc xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Chi bộ Đảng với 7 đảng viên được thành lập, Võ Văn Tần được cử làm Bí thư. Gia đình họ Võ có 4 người gia nhập, bao gồm Võ Văn Tần, Võ Văn Tây, Võ Thị Nhỏ, Võ Văn Ngân và 2 người là anh em bạn dì là Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Thỏ. Đây là chi bộ đầu tiên ở Đức Hòa cũng như của tỉnh Chợ Lớn. Tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Quận ủy. Quận ủy Đức Hòa có 4 anh em họ Võ là ủy viên (Võ Văn Tần, Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân).

Ngày 04/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm cùng Võ Văn Tần trực tiếp chỉ đạo cuộc biểu tình của nông dân huyện Đức Hòa với tính chất và quy mô chưa từng có ở Nam kỳ. Hòa chung cuộc biểu tình rầm rộ này, có đông họ hàng thân thích và những người anh, chị, em ruột của ông cùng tham gia biểu tình, trong đó chị gái ông là bà Võ Thị Cán bị Pháp bắn bị thương.

Năm 1931, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Sự yêu thương, đùm bọc của bà con, người dân quê hương Đức Hòa đã giúp ông vượt qua muôn vàn khó khăn, kiên trì gây dựng tổ chức cơ sở Đảng, duy trì các cuộc đấu tranh của quần chúng và sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn. Đến năm 1932, ông được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Quê ngoại Hóc Môn và những người cộng sự thân tín, tin cậy được ông xây dựng từ trước đã bảo vệ và giúp ông an toàn hoạt động. Võ Văn Tần đã có công đóng góp nhất định trong việc biến vùng Bà Điểm, Hóc Môn trở thành căn cứ địa tuyệt đối an toàn cho 2 cơ quan Ban Chấp hành Trung ương và Xứ ủy Nam kỳ duy trì sự chỉ đạo cách mạng trong thời gian dài.

Năm 1937, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Võ Văn Tần đã có công trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức và phát triển phong trào quần chúng trong toàn Nam kỳ. Tháng 3/1938, Võ Văn Tần được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ông tán thành chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế Đông Dương và là nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của cao trào Mặt trận dân chủ ở Nam kỳ giai đoạn 1936-1939. Ngày 21/4/1941, ông bị bắt ở Hóc Môn. Kẻ địch dùng mọi thủ đoạn để khai thác ông, Võ Văn Tần đã tỏ rõ khí tiết kiên cường của người đảng viên cộng sản. Ngày 28/8/1941, giặc Pháp đã xử bắn Võ Văn Tần trước đông đảo người dân quê ngoại tại ngã tư Giếng nước, Hóc Môn, Gia Định.

Ngoài được sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cùng với tinh thần đấu tranh của các bậc tiền nhân như Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân,... ông còn mang trong mình dòng máu hai họ Võ-Nguyễn đầy nhiệt huyết của thế hệ cha ông. Hai gia đình họ Võ, Nguyễn đã sinh ra những người con ưu tú, đóng góp công sức và xương máu cho quê hương, đất nước (gia đình họ Võ cống hiến cho đất nước 36 liệt sĩ. Mẹ của Võ Văn Tần là Mẹ Việt Nam Anh hùng có 4 người con hy sinh, trong đó có đồng chí Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân).

Những người anh, chị em ruột của Võ Văn Tần cũng là lớp đảng viên kiên trung thế hệ đầu tiên của Đảng, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Trong đó, người em út là đồng chí Võ Văn Ngân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Đây là nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến chí hướng cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Tần gắn liền với quê hương Chợ Lớn - Gia Định. Vùng đất quê nội Đức Hòa - Chợ Lớn là cái nôi nuôi dưỡng Võ Văn Tần từ người trí thức yêu nước và trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Vùng đất quê ngoại Hóc Môn - Gia Định đã đùm bọc, bảo vệ, giúp đỡ Võ Văn Tần khi ông là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nơi đây cũng là chứng nhân đón nhận sự hy sinh và khẩu khí bất khuất trong những ngày cuối cùng “người cộng sản không sợ chết, chúng bây đừng bao giờ giở những trò vô ích”.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương cao đẹp, sáng ngời về tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin mãnh liệt và lòng trung thành tuyệt đối vào con đường giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Có thể khẳng định, ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đã góp phần hình thành nên nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần./.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán

Chia sẻ bài viết