Tiếng Việt | English

27/02/2020 - 15:46

Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, chợ thưa vắng người mua

Không ít tiểu thương tại chợ phường 1, phường 2, TP.Tân An và nhiều chợ trên địa bàn tỉnh Long An cho biết, do dịch bệnh, người dân không tập trung vào chỗ đông người, không đến chợ mua hàng hóa. Vì thế, cảnh chợ những ngày này thưa vắng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua bán của tiểu thương.

Ngại đến nơi đông người

Để tránh lây nhiễm bệnh Covid-19, người dân rất hạn chế đến nơi đông người, điều này đã khiến các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích,… rơi vào cảnh vắng vẻ. Chị Nguyễn Phương Anh (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) cho biết, trước tết, chị cùng gia đình đặt vé đi du lịch theo dạng tâm linh, hành hương về vùng đất Phật tại Ấn Độ, Nepal trong 15 ngày. Lo lắng nguy cơ lây lan Covid-19, chị cùng gia đình đã hủy đi du lịch ngoài nước cũng như gặp gỡ bạn bè như thường lệ vào đầu năm mới. Không chỉ vậy, chị còn chọn cách hạn chế tiếp xúc, không đến nơi đông người, trong đó có chợ. Chị chia sẻ: “Nếu như trước đây, 2-3 ngày là tôi đi chợ, chọn lựa nhiều loại thực phẩm để dành nấu ăn trong gia đình, thì nay chỉ đi 2 lần/tuần. Thực phẩm mua chế biến món ăn cũng khá đơn giản, không cầu kỳ mỗi bữa 2-3 món như trước”. Theo chị, thời điểm này, chọn lựa phương án an toàn vẫn là tối ưu nhất để bảo vệ cho mình và các thành viên trong gia đình. 

Bà Nguyễn Mai Thúy (phường 3, TP.Tân An) cho rằng, những ngày này, bà không đi chợ như thời gian trước mà đi cửa hàng tiện ích gần nhà. Theo bà, cửa hàng tiện ích có đầy đủ các loại thực phẩm khô, đóng gói, thịt, rau, củ, quả nhưng  các loại cá không đa dạng như ở chợ. Mỗi khi có nhu cầu mua thực phẩm tại chợ, nhất là cá thì bà đi nhanh, về nhanh.

Chợ thưa khách

Tại TP.Tân An, chợ phường 1 không nhiều tiểu thương buôn bán hơn chợ phường 2 nhưng khá đông khách hàng đến mua thực phẩm tươi sống, nhất là những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, trước dịch bệnh Covid-19, khách đến chợ thưa vắng. Chị Linh - tiểu thương chuyên bán trứng gà, vịt, các loại quả được mua từ nhà vườn ở huyện Châu Thành như đu đủ, chuối, mít, cho biết, trước đây, chị bán mỗi ngày khá nhiều, hầu hết là khách quen nhưng từ sau tết đến nay, khách thưa hẳn. Nếu như trước đây, mỗi ngày chị bán được 10 phần thì nay giảm hẳn, có ngày chỉ bằng phân nửa so với trước.Ít khách nên nhiều khi chị muốn bỏ một vài buổi chợ, nhưng nếu bỏ chợ sẽ dễ mất khách, nhất là khách quen.Vì vậy, mỗi ngày, chị chịu khó đến chợ thật sớm để bày hàng hóa, chờ đợi khách.

Chợ thưa vắng khách, tiểu thương vẫn bày biện hàng hóa chờ đợi khách đến mua

Chị Quy - tiểu thương bán thịt heo tại chợ phường 1, cho rằng, trước đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch tả heo châu Phi nên người dân hạn chế mua thịt heo. Sau khi hết dịch bệnh, thịt heo tăng giá nên khó bán, ít khách mua.Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá thịt heo đã giảm nhưng khách vẫn vắng. Mỗi ngày, chị thức dậy từ 3 giờ, cùng chồng đến chợ đầu mối lựa thịt ngon phục vụ khách hàng nhưng vẫn không bán hết số lượng thịt đã lấy. Ở chợ, các ngày thường rất vắng khách, chỉ duy nhất ngày chủ nhật là đông khách. Giải thích lý do này, chị Quy nói một phần khách hàng sợ dịch bệnh không đến chợ, nơi đông người. Một phần khác, sau tết, công việc của nhiều người chưa ổn định, phần thêm dịch bệnh xảy ra, họ có tâm lý tiết kiệm, để dành tiền sử dụng những lúc khó khăn.

Chị Út - tiểu thương bán trái cây tại chợ phường 2, chia sẻ, các năm trước, sau tết, hoạt động mua bán trái cây rất đắt hàng. Vậy mà, thời điểm này, khách đến chợ thưa hẳn và lựa chọn trái cây không nhiều, kể cả các ngày cuối tuần.Vì vậy, chị buộc lòng phải lấy hàng hóa tại chợ đầu mối ít lại, nhưng cuối mỗi buổi chợ vẫn tồn hàng. Nhiều buổi chợ hàng tồn nhiều, hầu như không có lãi.

Nếu như các điểm bán thực phẩm vắng khách thì các sạp bán vải, quần áo may sẵn tại lầu 1, chợ phường 1 càng vắng vẻ hơn. Đa số tiểu thương đều đến chợ, bày biện hàng hóa nhưng hầu như rất ít khách hàng. Chị Trang - tiểu thương tại đây, cho hay, từ sau tết đến giờ, hầu như tiểu thương nào bán vải, quần áo may sẵn trên lầu đều chung cảnh ngộ ế khách. Có ngày, bày hàng hóa sẵn sàng nhưng không bán được món hàng nào. Dù ế khách nhưng chị và nhiều tiểu thương khác không chọn đóng cửa, bỏ sạp mà hàng ngày vẫn đến chợ mở quầy, ngồi nhìn nhau cầm cự, chờ đợi khách hàng quay trở lại.

Không riêng gì ở các chợ, các cửa hàng tiện ích cũng rơi vào cảnh mua bán chậm so với trước. Một nhân viên cửa hàng tiện ích Vinmart+ chia sẻ, nếu như trước đây, bình quân mỗi ngày cửa hàng có khoảng 300 khách đến mua sắm thì nay khách hàng giảm đáng kể. Hàng hóa bán ra cũng không nhiều như trước tết, cửa hàng đành phải nhập hàng về ít lại để tránh tồn kho lâu./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết