Tiếng Việt | English

12/05/2016 - 16:42

Australia hậu thuẫn Mỹ đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, Mỹ và Australia đều khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với tự do hàng hải ở Biển Đông.

Reuters ngày 12/5 đưa tin, Australia đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với hoạt động đi lại tự do của tàu chiến Mỹ gần một rạn san hô đang có tranh chấp ở Biển Đông – động thái bị Trung Quốc cáo buộc là gây ra mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định trong khu vực.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ. (Ảnh: Getty)

Trước đó, hôm 10/5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận việc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập – nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Hoạt động của tàu Mỹ ở khu vực này được Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả là để “thách thức tuyên bố hàng hải quá đáng của một số bên tranh chấp ở Biển Đông”.

Australia luôn ủng hộ việc Mỹ dẫn đầu các hoạt động để duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã và đang không ngừng tiến hành bồi lấp, xây dựng các đảo trái phép bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước có liên quan.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trả lời phỏng vấn của phóng viên cho biết, ông đã nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với hoạt động của Mỹ ở Biển Đông trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama sáng 12/5 (theo giờ Australia).

Reuters dẫn lời ông Turnbull: “Chúng tôi đã nói về vấn đề an ninh trong khu vực. Hai bên khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với tự do hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trung Quốc đã và đang xây dựng các cơ sở ở một số đảo do nước này bồi lấp trái phép ở Biển Đông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Trong đó, đáng chú ý trên Đá Chữ Thập, Bắc Kinh đã cho xây dựng một đường băng dài 3.000m.

Các quan chức hải quân Mỹ cũng tin rằng, Trung Quốc có kế hoạch bắt đầu các hoạt động cải tạo và xây dựng trên bãi cạn Scarborough – bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 20 hải lý của Philippines.

Những động thái nói trên của Trung Quốc khiến Mỹ quan ngại rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng những cơ sở xây dựng trái phép để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền vô lý của họ đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông./.

Hùng Cường/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết