Tiếng Việt | English

03/03/2020 - 10:16

Hạn, mặn bao phủ Đồng bằng Sông Cửu Long

Bài 1: Hạn, mặn đến sớm, gay gắt hơn

Mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông MêKông xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy ở mức thấp, giảm nhanh và hiện đang xuống rất thấp so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay xuất hiện sớm và sớm hơn so với hạn, mặn kỷ lục năm 2015-2016. Dự báo trong năm nay, hạn, mặn ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao hơn, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay xuất hiện sớm và sớm hơn so với hạn, mặn kỷ lục năm 2015-2016.

Nhiều hệ thống kênh, rạch tại ĐBSCL hiện đã cạn trơ đáy

Nhiều hệ thống kênh, rạch tại ĐBSCL hiện đã cạn trơ đáy

Nguồn nước thiếu hụt nghiêm trọng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông MêKông xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy ở mức thấp, giảm nhanh và hiện đang xuống rất thấp so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL năm nay xuất hiện sớm và sớm hơn so với hạn, mặn kỷ lục năm 2015-2016. Dự báo trong năm nay, hạn, mặn ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao hơn, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trên lưu vực sông MêKông, tổng lượng mưa tích lũy từ tháng 6/2019 đến nay đạt bình quân khoảng 1.240mm, thấp hơn khoảng 8% so với trung bình nhiều năm. Mặc dù tổng lượng mưa tích lũy vẫn còn cao hơn năm xảy ra xâm nhập mặn kỷ lục, tuy nhiên, lượng mưa phân bố không đều theo thời gian. Riêng trong tháng 8 và tháng 9-2019, lượng mưa đã chiếm tới 62% tổng lượng mưa cả năm. Đây là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sự phân phối dòng chảy về ĐBSCL, dẫn đến dòng chảy cuối mùa khô rất thấp. Đến thời điểm hiện tại, mùa khô đã kết thúc và lượng mưa chỉ còn ở mức rất thấp hoặc không có mưa.

Còn theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng mưa mùa lũ năm 2019 tại thượng nguồn sông MêKông vùng thuộc lãnh thổ Trung Quốc thiếu hụt từ 20-25%, tổng lượng mưa đo được khu vực từ biên giới Trung Quốc đến trung Lào thiếu hụt từ 35-40%, khu vực từ trung Lào về Campuchia tương đương với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Tài Nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Tỉnh, quá trình theo dõi dòng chảy mùa lũ năm 2019 ghi nhận lưu lượng dòng chảy vùng thượng nguồn sông MêKông (phần lưu vực thuộc Trung Quốc) về hạ lưu luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong đó, tổng lượng dòng chảy tại trạm Chiềng Sẻn (Thái Lan) - trạm khống chế lưu lượng nước từ Trung Quốc về hạ lưu thiếu hụt khoảng 61%, tại trạm Kratie (Campuchia) - trạm khống chế toàn bộ lượng nước trên dòng chính về ĐBSCL thiếu hụt từ 30-35% so với trung bình nhiều năm và đều thấp hơn so với thời điểm xâm nhập mặn năm 2015-2016. Đến giữa tháng 02/2020, dung tích trữ nước trong Biển Hồ, Campuchia ước tính chỉ còn khoảng 2 tỉ m3, giảm khoảng 36 tỉ m3 so với thời điểm cao nhất vào tháng 10/2019, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 3,6 tỉ m3 và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 30 triệu m3.

Chính lượng nước thấp nên trong thời gian tới nguồn nước tại Biển Hồ khó có thể bổ sung nước cho hạ lưu nếu các hồ chứa nước thượng nguồn không tăng lưu lượng xả nước.

Tại Long An, thời điểm giữa tháng 02/2019, mực nước tại các hệ thống thủy lợi hiện nay đã xuống rất thấp. Trong đó, các hệ thống thủy lợi lớn trong tỉnh như Nhựt Tảo - Tân Trụ, cung cấp nước sản xuất cho toàn huyện Tân Trụ, một phần huyện Thủ Thừa, Bến Lức và TP.Tân An mực nước đến thời điểm hiện tại đã rất cạn; hệ thống kênh, rạch trong đê bao huyện Cần Đước, Cần Giuộc cũng xuống rất thấp và cạn kiệt. Hiện chỉ còn hệ thống thủy lợi Bảo Định là còn đủ nước ngọt để cung cấp cho vùng cây ăn trái tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.

Người dân tại huyện Tân Trụ bơm nước từ kênh với hy vọng cứu lúa

Người dân tại huyện Tân Trụ bơm nước từ kênh với hy vọng cứu lúa

Xậm nhập mặn sâu hơn, gay gắt hơn

Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường, ngay từ những tháng cuối năm 2019, xâm nhập mặn đã bắt đầu xuất hiện và ở mức cao. Trong đó, thời điểm giữa tháng 12/2019, ảnh hưởng từ triều cường và gió Đông Bắc cường độ mạnh khiến ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Cửu Long xâm nhập vào đất liền lên đến 57km, cao hơn cùng kỳ năm 2015 - năm hạn, mặn lịch sử là 17km. Chính việc xâm nhập mặn diễn ra sớm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 tại ĐBSCL ở mức sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm và trong một số thời điểm, ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương so với mùa khô năm 2015-2016. Theo đó, tại sông Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn 94km, xấp xỉ năm 2016; sông Vàm Cỏ Đông, phạm vi xâm nhập mặn 92km, tương đương năm 2016; sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 57km; sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 61km. Còn tại các sông như Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Hậu, Cái Lớn, phạm vi xâm nhập mặn từ 50-60km, gần tương đương với năm 2016. Trước diễn biến của hạn, mặn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khẳng định, tại vùng các sông Vàm Cỏ và vùng biển Tây (sông Cái Lớn), xâm nhập mặn bắt đầu từ giữa tháng 01/2020, đỉnh điểm vào tháng 02, tháng 3, giảm dần và kết thúc vào cuối tháng 5/2020. Còn vùng các sông Cửu Long, hạn, mặn bắt đầu ảnh hưởng từ giữa tháng 12/2019, cao điểm vào tháng 01, tháng 02, giảm dần và kết thúc vào giữa tháng 4/2020. 

Tại Long An, qua theo dõi tình hình xâm nhập mặn, đến thời điểm hiện tại, lưỡi mặn đã “liếm” sâu vào vùng sản xuất nông nghiệp. Theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT và Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh - Võ Kim Thuần, đến giữa tháng 02/2020, độ mặn đo được tại Cầu Xáng nhỏ, huyện Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông lên đến 4,0g/l, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 77km, tương đương với cùng kỳ năm 2016; còn độ mặn 1,0g/l hiện đã gần đến chợ Trà Cú, huyện Đức Hòa, cách cửa sông Soài Rạp 114km và xa hơn 20km so với cùng kỳ năm 2016. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn đạt 4,0g/l hiện đã đo được tại cống Bắc Đông, huyện Thủ Thừa, cách sông Soài Rạp 86km, xa hơn 20km so với năm 2016 và độ mặn 1,0g/l hiện đã xâm nhập tới ngã ba Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa, cách cửa sông Soài Rạp 110km. “Trước diễn biến khó lường của xâm nhập mặn, chi cục thường xuyên tổ chức theo dõi, đo đạc, kiểm tra chặt chẽ tình hình chất lượng nước trên các tuyến sông, kênh, rạch, thông báo đến địa phương để có biện pháp chỉ đạo và ứng phó bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân” - Chi cục trưởng, Chi cục PTNT và Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết.

Mặc dù mới tháng 02 nhưng có thể thấy xâm nhập mặn đã ăn sâu vào các sông, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Mùa khô năm nay, không chỉ Long An mà tại các tỉnh ĐBSCL sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ hạn, mặn, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió chướng hoạt động mạnh./.

(còn tiếp)

Bài 2: Hạn, mặn bao phủ Đồng bằng sông Cửu Long

Kiên Định

Chia sẻ bài viết