Tiếng Việt | English

28/04/2020 - 11:49

Vỡ mộng nghề ươm nuôi cá tra giống

Bài 1: Một thời đua nhau đào ao ươm cá tra bột

Có thời điểm nhà nhà, người người đua nhau đào ao ươm cá tra bột với ước mơ đổi đời. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, chính họ phải san lấp ao, quay về với cây lúa do bị thua lỗ nặng.

Giá cá tra giống có lúc lên đến 60-70 ngàn đồng/kg, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ cho các hộ nuôi khiến nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười gạt phăng những khuyến cáo để đua nhau đào ao nuôi cá. Nhà nhà, người người đào ao, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.

Những ao ươm nuôi cá tra giống ồ ạt hình thành trên đất lúa 2, 3 vụ tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười

Những ao ươm nuôi cá tra giống ồ ạt hình thành trên đất lúa 2, 3 vụ tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười

Đua nhau đào ao ươm cá

Cách đây 2 năm, khi người dân các địa phương vùng Đồng Tháp Mười đua nhau đào ao nuôi cá, chúng tôi có dịp về “thủ phủ” của nghề nuôi cá tra tại huyện Tân Hưng. Dọc theo các tuyến kênh chính như KT9, KT11,… tiếng máy múc làm việc ngày đêm không ngớt, các chuyến xe tải từ An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang,… đến tranh nhau mua cá giống về cung ứng cho những người nuôi cá thương phẩm. Ai cũng kỳ vọng một nghề mới để đổi đời. 

Không chỉ có huyện Tân Hưng, các địa phương khác của vùng Đồng Tháp Mười như Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, nghề ươm cá tra giống cũng nở rộ không kém. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tại các địa phương này, người dân tự ý chuyển đổi hơn 3.500ha đất trồng lúa 2, 3 vụ thành ao ươm nuôi cá tra giống. Anh Huỳnh Văn Minh, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, bày tỏ: “Lúc đó, thấy việc nuôi cá tra giống đang sốt, giá cao, nhiều hộ nuôi trúng tiền tỉ nên gia đình tôi quyết định dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm từ việc trồng lúa thuê máy múc đào 9ha đất của gia đình và thuê thêm 2ha nữa ươm nuôi cá tra giống với mong muốn làm giàu từ cá tra. Riêng gia đình tôi đầu tư kinh phí đào ao trên 500 triệu đồng. Không chỉ có tôi mà rất nhiều người tại xã cũng đua nhau đào ao nuôi cá”. 

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, chỉ sau 2 năm, toàn huyện có 1.037 hộ dân tự ý chuyển đổi 1.799,3ha đất trồng lúa sang đào ao ươm cá tra giống. 

Cũng giống như ở Tân Hưng, huyện Tân Thạnh là địa phương có diện tích ươm nuôi cá tra giống đứng thứ 2 toàn tỉnh với diện tích 1.338ha. Nếu như năm 2017, toàn huyện chỉ có khoảng 20ha ươm nuôi cá tra giống thì 1 năm sau tăng lên 600ha. Đặc biệt, đến năm 2019, diện tích ươm nuôi cá tra giống tại huyện tăng lên trên 1.338ha (gấp gần 70 lần).

Ông Nguyễn Văn Bòn, ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Lúc nở rộ phong trào đào ao nuôi cá tra giống dù không có kinh nghiệm nhưng gia đình tôi vẫn quyết định chuyển đổi 2ha đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá với số vốn bỏ ra ban đầu 200 triệu đồng. Lúc đó, giá cá tra giống rất cao, có thời điểm trên 70 ngàn đồng/kg, 1ha ươm cá nếu làm trúng có thể mang về trên 300 triệu đồng. So với trồng lúa thì nuôi cá tra giống cho lợi nhuận gấp hàng chục lần. Vì vậy, gia đình tôi dốc toàn bộ vốn liếng vào các ao nuôi cá”.

Cũng vì ồ ạt đào ao ươm nuôi cá tra giống, nhiều cánh đồng phù sa xanh màu lúa tại các huyện Tân Hưng, Tân Thạnh trở nên loang lổ bởi những ao nuôi cá xen lẫn những ruộng lúa.

Hiện nhiều ao nuôi, cá đã đến tuổi xuất bán nhưng không có đầu ra, bị thương lái ép giá

Hiện nhiều ao nuôi, cá đã đến tuổi xuất bán nhưng không có đầu ra, bị thương lái ép giá

Trắng tay với nghề

Chính sự phát triển quá nhanh chóng của nghề ươm nuôi cá tra giống bất chấp những khuyến cáo của các cấp, chính quyền địa phương dẫn đến nguồn cung vượt cầu. Khi giá cá tra thương phẩm trong nước giảm, nghề ươm nuôi cá tra giống cũng theo đó “tuột dốc không phanh”. 

Theo anh Huỳnh Văn Minh, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, nghề ươm nuôi cá tra không hề dễ dàng cho người mới bắt đầu nuôi. Bởi con cá tra bột tương đối khó nuôi lại dễ nhiễm bệnh nếu môi trường nước không tốt. “Những ngày đầu vì không nắm được kỹ thuật nên dù lúc đó giá cá có cao, gia đình tôi cũng không có lời nhiều do phải thả giống lại. Khi chúng tôi nắm được kỹ thuật nuôi thì giá cá bắt đầu lao dốc. 2 năm qua, từ giá 60-70 ngàn đồng/kg xuống còn 18-20 ngàn đồng/kg. Với giá cá này, gia đình tôi lỗ từ 8-10 ngàn đồng/kg”. 

Theo tính toán của các hộ nuôi, ngoài chi phí đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu đồng để đào ao, lắp cống thì chi phí thả nuôi cho 1ha khoảng 60 triệu đồng gồm tiền cá bột giống, thuốc xử lý môi trường ao nuôi, phòng bệnh. Đồng thời, mỗi 1kg cá giống từ khi ươm nuôi đến thời điểm xuất bán tốn khoảng 1kg thức ăn. Với giá thức ăn dao động từ 13-15 ngàn đồng/kg thì giá cá xuất bán hiện nay người nuôi lỗ nặng. Chưa kể những hộ không có điều kiện phải mua thức ăn trả chậm thì khoản tiền thua lỗ còn tăng cao hơn.

“Giờ nuôi cá càng trúng lớn (số lượng cá ươm đạt trong ao nuôi - PV) thì người nuôi càng lỗ. Người nuôi chỉ có lời khi giá cá từ 30 ngàn đồng/kg trở lên. Nhưng cả năm nay giá không những không tăng mà mỗi ngày một giảm” - anh Minh cho biết. Cũng bởi giá cá tra giống giảm xuống đáy, sau 2 năm ươm nuôi cá tra giống tiền lời chưa thấy đâu nhưng toàn bộ số tiền tích lũy và vay vốn ngân hàng lên đến 2 tỉ đồng của gia đình anh Minh đã mất trắng vì ươm nuôi cá tra. Hiện, trong số 11 ao nuôi, gia đình anh Minh chỉ còn duy trì 2 ao, cá đã quá tuổi xuất bán nhưng vẫn chưa có đầu ra.

Ông Đỗ Tương Liêm, ngụ xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, chuyển 1,3ha đất sản xuất lúa của gia đình sang nuôi cá. Trong vụ đầu, do chưa nắm được quy trình kỹ thuật, ao cá tra giống 40 ngày tuổi của gia đình ông lâm bệnh, phơi bụng trắng ao, cá chết hàng loạt. Nghe lời mách bảo từ một số hộ nuôi trước, ông mua thuốc xử lý liên tục nhưng tình trạng cá chết vẫn không dừng mà thậm chí còn chết nhiều hơn. “Vụ đầu tiên ươm cá tra giống nên không biết kinh nghiệm xử lý, nghe ai chỉ gì, tôi làm theo nấy nhưng cá vẫn chết khiến chi phí phát sinh thêm nhiều. Vụ đó, gia đình tôi lỗ gần 140 triệu đồng” - ông Liêm buồn bã cho biết. Chưa dừng lại ở đó, đến vụ thứ 2, khi cá được 40 ngày tuổi bị nhiễm bệnh chết khiến gia đình ông lỗ thêm hơn 160 triệu đồng. Chỉ trong 2 vụ thả nuôi, gia đình ông Liêm lỗ khoảng 300 triệu đồng, chưa kể chi phí đào ao, dụng cụ thả nuôi ban đầu lên đến hơn 120 triệu đồng. Nợ nần chồng chất, gia đình ông Liêm buộc phải bán 2ha đất sản xuất lúa trả nợ. “Hiện, ao cá của gia đình đã treo hơn 4 tháng nay, không dám thả nuôi tiếp. Bây giờ ai có nhu cầu, tôi sẽ cho thuê chứ không dám liều mình nuôi nữa” - ông Liêm nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Chí Thành, trong số 190ha ươm nuôi cá tra giống tự phát tại xã, qua rà soát chỉ có khoảng 5-7% số hộ nuôi có lợi nhuận, còn lại hầu hết lỗ vốn, một vài trường hợp phải bán đất để trả nợ. Còn tại huyện Tân Hưng, dù khá hơn chút đỉnh nhưng nghề ươm nuôi cá tra giống cũng khiến khoảng 70-80% trong số 1.037 hộ/1.799,3ha thua lỗ. 

Việc ồ ạt mở rộng diện tích, không có liên kết trong sản xuất, chưa nắm rõ thị trường tiêu thụ, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương,… đã khiến nghề ươm nuôi cá tra giống tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười thua lỗ. Ước mơ đổi đời không thành, giờ đây rất nhiều người trong số họ lại rục rịch chuẩn bị những khoản tiền lớn để “trả lại mặt bằng”, quay về với cây lúa.

(còn tiếp)

Bài 2: Quay về với cây lúa

Kiên Định - Văn Đát

Chia sẻ bài viết