Tiếng Việt | English

24/08/2020 - 14:54

Cần sớm có giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân

Bài 1: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân

Ngành Y tế cùng ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Long An thời gian qua thực hiện nhiều giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân”. Tuy nhiên, ngành Y tế thiếu hụt nguồn nhân lực “trầm trọng”dẫn đến nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh, nhất là khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vì vậy, rất cần có giải pháp thiết thực và đồng bộ từ bộ, ngành các cấp để người dân sớm hưởng đầy đủ dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe tại các địa phương trong tỉnh được chú trọng. Theo đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại các tuyến được quan tâm đầu tư, đáp ứng cơ bản yêu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân.

Đội ngũ y, bác sĩ Trạm Y tế xã Bình Thành không ngừng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ

Đội ngũ y, bác sĩ Trạm Y tế xã Bình Thành không ngừng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ

Củng cố mạng lưới y tế cơ sở

Việc củng cố mạng lưới y tế cơ sở công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên và bám sát theo chỉ đạo của cấp trên. Từ đó, công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân trên địa bàn tỉnh những năm qua đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Cơ chế, chính sách công tác CSSK nhân dân từng bước được hoàn thiện phù hợp tình hình phát triển KT-XH địa phương, đơn vị.

Việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế được thường xuyên quan tâm. Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Hầu hết các trạm y tế (TYT) xã, phường trong tỉnh được xây dựng mới những năm gần đây đều bảo đảm cơ sở vật chất. Các hoạt động đạt yêu cầu tiêu chí quốc gia về y tế. Định kỳ hàng năm, Sở Y tế kiểm tra, đánh giá các xã thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế nhằm bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Một số TYT được đầu tư thêm trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực từ các dự án góp phần thay đổi bộ mặt y tế, cải thiện chất lượng và độ bao phủ hệ thống CSSK nhân dân”.

Tỉnh hiện có 161/170 TYT xã (đã tính các xã sáp nhập) đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, đạt 94,7%, phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt 95%. Đến nay, TYT xã có bác sĩ (BS) làm việc đạt 100%. TYT xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa được công nhận đạt Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế vào năm 2017. Theo đó, trạm được đầu tư xây dựng mở rộng với 15 phòng chức năng và cung cấp nhiều thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim, máy thử đường huyết.

Từ khi đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, công tác bảo vệ, CSSK ban đầu cho nhân dân nơi đây đạt nhiều kết quả thiết thực. Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại địa phương, góp phần giảm chi phí, thời gian khám và điều trị bệnh. Bình quân mỗi tháng, trạm thu hút từ 300-400 lượt bệnh nhân (BN) đến khám và điều trị bệnh.

Bà Nguyễn Thị Lý (68 tuổi), ngụ ấp Bình Tây 1, xã Bình Hòa Tây, chia sẻ: “Là hộ nghèo nên tôi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Có thẻ BHYT giúp hộ nghèo như tôi đỡ tốn kém chi phí trong CSSK. Do bệnh mãn tính nên cứ 1-2 tuần là tôi đến trạm khám và lãnh thuốc BHYT về uống”.

Việc triển khai các dịch vụ y tế hiện đại góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tình hình mới

Việc triển khai các dịch vụ y tế hiện đại góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tình hình mới

Đưa dịch vụ y tế đề gần dân

Thời gian qua, các cơ sở y tế từ tuyến xã đến huyện, tỉnh nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp CSSK nhân dân. Nhằm giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế gần nhất, ngành Y tế ngoài chú trọng xây dựng các xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, còn triển khai mô hình TYT điểm hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình.

Hiện tỉnh có 3 TYT được chọn thực hiện mô hình TYT điểm của Bộ Y tế. TYT xã Bình Thành (huyện Đức Huệ) là một trong những TYT điểm của Bộ Y tế giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh được xây dựng cơ sở vật chất khang trang theo quy chuẩn của Bộ Y tế, trạm còn được đầu tư thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim và máy tạo oxy khí trời.

Hướng đến mục tiêu bao phủ CSSK cho người dân trên địa bàn, TYT xã sử dụng phần mềm KCB BHYT, tiêm chủng, thống kê y tế,... Trưởng TYT xã Bình Thành - Nguyễn Thị Triều cho biết: “Các phần mềm tạo điều kiện thuận lợi trong tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh cho người dân và bảo đảm cung cấp dữ liệu hàng ngày về Bộ Y tế theo quy định. Đề nghị cấp trên tiếp tục tập huấn chuyên môn nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị y tế được trang bị cũng như tạo được niềm tin và thu hút người dân đến KCB ban đầu tại TYT thay vì phải đến bệnh viện tuyến trên”.

Ở các bệnh viện tuyến huyện, nhiều trang bị hiện đại: Máy CT-Scanner, MRI, thận nhân tạo,… được quan tâm đầu tư. Theo đó, các cơ sở KCB triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật sọ não, thoát vị đĩa đệm, nội soi, chạy thận nhân tạo,… giúp BN có BHYT được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao và hạn chế chuyển tuyến.

Điển hình, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa) đã triển khai thành thạo một số chuyên môn kỹ thuật cao như chạy thận nhân tạo (gồm 10 máy); phẫu thuật nội soi tiêu hóa; mổ bắt con, thai ngoài tử cung; phẫu thuật kết hợp xương các loại. Ngoài ra, bệnh viện còn thực hiện siêu âm mạch máu, chỉnh hình răng, nội soi đại tràng, đo chức năng hô hấp,… Việc triển khai các dịch vụ y tế hiện đại góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, giúp hạn chế chuyển BN lên tuyến trên.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa - Lê Văn Thắng cho biết: “Cùng với nâng cao chất lượng KCB, Ban Giám đốc và lãnh đạo các khoa, phòng tích cực giám sát, nhắc nhở nhân viên y tế thực hiện tốt 12 điều y đức, thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế” nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện thu hút 700-800 lượt BN đến điều trị bệnh ngoại trú và 300-400 lượt BN điều trị nội trú”.

Các cơ sở y tế không ngừng ứng dụng triển khai các kỹ thuật mới, chuyên sâu vào chẩn đoán và điều trị. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB và thực hiện tốt quản lý chất lượng bệnh viện, công tác nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm. Từ đó, cơ bản đáp ứng yêu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.  

Việc đầu tư xây dựng các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và trang bị máy móc, thiết bị y tế được ưu tiên bố trí. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, đối với trạm y tế tuyến xã triển khai 78 công trình với tổng số vốn 204 tỉ đồng (bao gồm xây dựng và thiết bị); xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế với 30 công trình, tổng số vốn 3.946 tỉ đồng (bao gồm xây dựng và thiết bị).

Việc đầu tư trang bị máy móc, thiết bị y tế cơ bản, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ năm 2017-2019, Sở Y tế tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn 71,975 tỉ đồng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Y tế và việc thực hiện chế độ, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với đội ngũ nhân lực ngành Y tế được quan tâm. Hiện nay, tổng số công chức, viên chức ngành Y tế là 4.972 người, trong đó có 1 tiến sĩ, 62 thạc sĩ, 417 bác sĩ chuyên khoa I, 40 bác sĩ chuyên khoa II. Đến nay, bác sĩ/vạn dân đạt 8 BS/vạn dân, trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 9%. Hàng năm, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%./.

(còn tiếp)

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết