Tiếng Việt | English

06/10/2015 - 14:54

Liên kết vùng - chìa khóa vàng để nông nghiệp phát triển bền vững

Bài 1: Nông dân được mùa - Doanh nghiệp kinh doanh bền vững

Theo thống kê, tại Long An cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, chiếm hơn 58% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Long An là một trong những địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lượng xuất khẩu gạo nhiều nhất.

Năm 2014, sản lượng gạo xuất khẩu của Long An đạt 1 triệu tấn. Riêng trong 9 tháng năm 2015, các doanh nghiệp trong tỉnh đã mua được khoảng 1,5 triệu tấn lúa và xuất khẩu 646.981 tấn gạo (đạt 80,9% kế hoạch năm 2015). Ngoài lượng gạo xuất khẩu, doanh nghiệp trong tỉnh còn sản xuất một lượng lớn gạo tiêu thụ nội địa (trong và ngoài tỉnh).

Để doanh nghiệp thu mua lúa bảo đảm chất lượng, cũng như đủ nguồn cung ứng đến khách hàng, nông dân có đầu ra ổn định, hình thức liên kết sản xuất lúa đã diễn ra thông qua cánh đồng lớn hay vùng nguyên liệu trọng điểm của doanh nghiệp. Tham gia cánh đồng lớn, nông dân được cung ứng lúa giống xác nhận, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất và công nghệ sau thu hoạch, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho nông dân.

Công ty Lương thực Long An bắt đầu triển khai và tổ chức thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa từ năm 2012 đến nay. Theo đó, công ty triển khai thực hiện theo 3 mô hình. Mô hình 1: Đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đến khi thu hoạch, công ty bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường và quyết toán nợ ứng trước không tính lãi. Mô hình 2: Các doanh nghiệp khác đầu tư đầu vào, công ty bao tiêu đầu ra. Mô hình 3: Hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là Công ty Cổ phần BVTV An Giang), trong đó Tập đoàn Lộc Trời đầu tư ứng trước đầu vào, Công ty Lương thực Long An bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Sau 4 năm thực hiện liên kết sản xuất lúa gạo, 3.686ha là tổng diện tích mà Công ty Lương thực Long An thực hiện các mô hình liên kết, chi phí đầu tư trên 21 tỉ đồng. Sản lượng thu mua lúa từ các mô hình liên kết trên từ năm 2012 đến nay đạt trên 20.767 tấn.

Theo Phó Giám đốc Công ty Lương thực Long An - Ngô Thanh Vân, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo được doanh nghiệp thực hiện theo phương châm “Nông dân được mùa, doanh nghiệp kinh doanh bền vững”. Bởi theo ông việc thực hiện liên kết hợp tác tạo ra lợi ích cho các bên tham gia, vừa là cơ sở hình thành vùng lúa chất lượng cao theo mô hình liên kết 4 nhà, từ đó sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo theo quy trình khép kín. Qua các năm liên kết, sự hài lòng của nông dân trong mô hình ngày càng cao, tác động đến việc hình thành chuỗi giá trị, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, có sự đầu tư đầu vào cho đến đầu ra, giúp gia tăng lợi nhuận của người trồng lúa dựa trên áp dụng KHKT đồng bộ, sản xuất ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.


Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng lúa ngày càng tăng

Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Hưng (là thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) được khởi công xây dựng vào năm 2012 tại ấp Cả Rưng, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng. Năng lực chế biến của công ty khoảng 100.000 tấn lúa/năm với hệ thống sấy 1.000 tấn/ngày. Cùng với sự ra đời, công ty hình thành vùng nguyên liệu bắt đầu từ vụ Đông Xuân năm 2011-2012, ban đầu có 262 hộ tham gia với diện tích 859ha ở 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Đến nay, vùng nguyên liệu đã phát triển lên 3.221 hộ với 9.683ha khắp các huyện vùng Đồng Tháp Mười cùng với 120 lực lượng “3 cùng” (cùng làm, cùng ở, cùng ăn). Hình thức thực hiện chương trình liên kết của công ty với nông dân là đầu tư, thu mua và chế biến lúa gạo.

Anh Nguyễn Văn Phấn ngụ ấp Cà Na, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng có 7ha đất sản xuất lúa liên kết với Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Hưng từ năm 2013 đến nay so sánh, khi liên kết sản xuất lúa, nông dân có lợi về kinh tế, điển hình như giá thành sản xuất lúa trung bình của nông dân trong vùng nguyên liệu khoảng 2.729 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất của nông dân bên ngoài vùng nguyên liệu 3.018 đồng/kg. Ngoài ra, khi thực hiện chương trình liên kết nông dân được lực lượng “3 cùng” hướng dẫn kỹ thuật canh tác KHKT, tạo thói quen ghi chép sổ sách để quản lý đồng ruộng, chi phí đầu tư và tính giá thành sản xuất. Khi thực hiện liên kết, nông dân luôn an tâm do có đầu ra trong quá trình sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Nguyễn Thanh Truyền cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Long An đặt mục tiêu ổn định sản lượng lúa đến năm 2020 khoảng 2,7 - 2,8 triệu tấn/năm. Trong đó, trên 50% sản lượng lúa chất lượng cao, lúa thơm sản xuất theo mô hình từ cánh đồng lớn lên vùng chuyên canh. Đặc biệt, Long An đã quy hoạch hơn 40.000ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười phục vụ chế biến hàng xuất khẩu.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, việc liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa từ lúa gạo nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp có giá trị hàng hóa và sản xuất bền vững. Đó cũng là một phần quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Sự hài hòa về lợi ích giữa các bên, sự ổn định về sản xuất sẽ tạo cho nông dân một tâm thế yên tâm, tin tưởng để dồn tâm huyết trên thửa ruộng của mình. Đó cũng là chìa khóa thành công của lúa gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế./.

M.Hương-S.Hồng - H.Phong

 

Chia sẻ bài viết