Với sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, nhiều địa phương trong tỉnh đã trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, tiến đến xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới (NTM).
Bà Nguyễn Thị Hiếu đã thoát nghèo
“Cú hích” huyện nông thôn mới
Cuối năm 2019, huyện Châu Thành, tỉnh Long An còn 1,39% hộ nghèo, 2,76% hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 256/QĐ-TTg công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM năm 2019. Thành quả này là cả quá trình phấn đấu, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.
Điểm nổi bật của Châu Thành trong hành trình xây dựng huyện NTM là đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành - Phạm Văn Sáu khẳng định: “Huyện xác định mục đích xây dựng huyện NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Theo đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều nghị quyết, quyết định cụ thể, sát tình hình thực tế để triển khai tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo gắn xây dựng huyện NTM.
Cụ thể, các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo được triển khai thực hiện kịp thời, xuyên suốt từ cấp huyện đến xã, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp tình hình địa phương, trong đó thực hiện hiệu quả Đề án 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Xã Hòa Phú là địa phương tiêu biểu của huyện Châu Thành thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Đến nay, toàn xã chỉ còn 2 hộ nghèo, chiếm 0,11%. Bà Nguyễn Thị Hiếu, ngụ ấp 1, phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Mấy năm nay, gia đình chuyển sang trồng thanh long, đồng thời có 2 người con tham gia xuất khẩu lao động nên kinh tế gia đình ngày càng đi lên và thoát nghèo. Gia đình tôi đang xây lại nhà mới chuẩn bị gã chồng cho con gái”.
Một trong những tiêu chí công nhận xã NTM, huyện NTM là tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân của tỉnh. Và huyện Châu Thành đã và đang làm được điều này, xứng đáng là điểm sáng trong công tác giảm nghèo gắn với danh hiệu huyện NTM.
Chị Đoàn Thị Kim Loan nhận hàng về may gia công tại nhà, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống
Tận dụng nguồn lực tại chỗ
Năm 2011, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường bắt tay vào xây dựng NTM, với xuất phát điểm thấp, trong đó hộ nghèo trên 10%, thu nhập bình quân đầu người chỉ có 18,5 triệu đồng/năm. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo gắn với xây dựng NTM, Tuyên Thạnh hôm nay “thay da, đổi thịt”, đời sống người dân được nâng lên, hộ nghèo giảm còn 1,69%.
Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Thạnh - Huỳnh Xuân Đào cho biết: “Hàng năm, xã đều tiến hành bình xét và phân loại đối tượng nghèo, từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp, sát tình hình thực tế, không chạy theo thành tích. Cụ thể, người nghèo còn trong độ tuổi lao động, có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo sẽ được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, con giống và khoa học - kỹ thuật hoặc giới thiệu vào làm việc tại công ty, doanh nghiệp. Còn hộ nghèo thuộc dạng neo đơn, xã vận động nhà hảo tâm tặng quà, xây nhà tình thương. Đặc biệt, những hộ còn trong độ tuổi lao động nhưng không siêng năng làm việc, xã sẽ không vận động nhà hảo tâm giúp đỡ. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm, ý thức người dân vươn lên thoát nghèo ngày càng tăng, xóa dần tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước”.
Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Kiến Tường có 2 công ty may tương đối lớn thành lập và đi vào hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề rất lớn. Xác định được nhu cầu trên, hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Kiến Tường phối hợp Trường Cao đẳng Nghề Long An mở các lớp may công nghiệp theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Riêng năm 2019, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã mở được 11 lớp dạy nghề may công nghiệp, với trên 350 học viên tham gia, trong đó xã Tuyên Thạnh 1 lớp. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp còn nhận hàng về cho phụ nữ gia công tại nhà khi không có điều kiện đi làm ở các công ty, doanh nghiệp.
Biết tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có của địa phương cũng là “chìa khóa” thành công của xã Tuyên Thạnh nói riêng, thị xã Kiến Tường nói chung trong công tác giảm nghèo. Chị Đoàn Thị Kim Loan, ngụ ấp Bắc Chan 2, xã Tuyên Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, tôi có tham gia lớp may công nghiệp do địa phương tổ chức nhưng vì con còn nhỏ, không ai phụ giúp trông nom nên không đi làm ở công ty được. Cách đây 4 năm, tôi nhận hàng về may gia công, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Nhờ nhận hàng về may gia công, tôi vừa có thu nhập ổn định, vừa có thời gian chăm lo gia đình”.
Mỗi địa phương có phương pháp giảm nghèo khác nhau nhưng tất cả có điểm chung là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Và những địa phương ấy đã khoác lên mình "chiếc áo mới", cuộc sống người dân ổn định và ấm no hơn./.
(còn tiếp)
Bài 3: Để không ai bị bỏ lại phía sau
Lê Ngọc