Tiếng Việt | English

02/02/2021 - 08:41

Mùa xuân trên biển đảo Tây Nam

Bài 2: Tết sớm trên đảo Hòn Khoai

Thông lệ hàng năm, mỗi dịp tết đến, xuân về, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức đoàn công tác cùng các tỉnh, thành phía Nam đến các đảo thuộc vùng biển Tây Nam để thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân đang ngày đêm bám trụ, canh giữ biên cương Tổ quốc. Những chuyến đi ấy không chỉ mang theo quà tết mà còn mang theo cả những tình cảm, lòng tin yêu của người dân đất liền, hậu phương gửi đến cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi tiền tiêu biên cương trên biển của Tổ quốc.

Đảo Hòn Khoai thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Đảo Hòn Khoai thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Trong chuyến hải trình đến với các đảo thuộc vùng biển Tây Nam, đảo Hòn Khoai là điểm duy nhất chưa có người dân sinh sống, hiện chỉ có các lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng không vì thế mà cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên đảo Hòn Khoai thiếu đi phong vị ngày tết.

Bữa cơm tết của người lính đảo

Khoảng cách từ đảo Thổ Chu đến đảo Hòn Khoai có lẽ là dài nhất trong hải trình của đoàn công tác. Ròng rã 1 đêm vượt sóng, con tàu 627 mới đến được với đảo Hòn Khoai. Được sự hỗ trợ từ tàu cá của ngư dân và chiếc tàu của Đồn Biên phòng Hòn Khoai, lần lượt các thành viên trong đoàn công tác đặt chân lên đảo.

So với các quần đảo lớn trên vùng biển Tây Nam, cụm đảo Hòn Khoai gồm 5 đảo nhỏ là đảo Hòn Khai hay còn gọi là hòn Độc Lập, hòn Giáng Tiên cùng với đó là hòn Sao, hòn Tượng, hòn Đồi Mồi và hòn Đá Lẻ. Đảo Hòn Khoai nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có diện tích khoảng 4km2, nằm cách đất liền khoảng 14km về phía Bắc, điểm cao nhất so với mực nước biển khoảng 318m.

Để đến với Trạm ra đa 595, Tiểu đoàn 551, đoàn công tác chúng tôi phải lội bộ hơn 3km xuyên qua những lớp rừng trên con đường bêtông đang thi công dang dở. Có đoạn, dốc dựng 450 khiến các thành viên ướt sũng mồ hôi, thở dốc, chân tê cứng. Thế nhưng, quãng đường ấy lại là hành trình hàng ngày và trở nên quen thuộc với CBCS đang cắm chốt tại các trạm ra đa, biên phòng cùng các đơn vị ở đảo Hòn Khoai. Anh bạn đồng nghiệp từng mấy lần tháp tùng các đoàn công tác đến đây nói với tôi rằng: “Giờ có đường là đỡ vất vả khi một nửa con đường đã hoàn thành. Mới năm trước, cũng trong hành trình thăm, chúc tết các lực lượng tại đảo, đoàn công tác vẫn phải băng đường mòn xuyên rừng với nhiều đoạn vách núi hiểm trở, trơn trượt”. Quả thực có đi trực tiếp mới thấm thía nỗi vất vả, ý chí kiên cường vượt qua khó khăn của CBCS trong thực hiện nhiệm vụ trên đảo Hòn Khoai.

Vượt hơn 3km đường núi để đến với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Hòn Khoai

Vượt hơn 3km đường núi để đến với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Hòn Khoai

Sau hơn 1 tiếng vừa đi, vừa nghỉ, chúng tôi cũng đến điểm cao nhất nơi đóng quân của Trạm ra đa 595. Những dãy bàn ghế được kê ngay ngắn cùng phông, bạt trang trí chào đón đoàn công tác khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Đã lâu, các anh mới có dịp gặp gỡ những người từ đất liền ra thăm đảo. Sau chừng 1 tiếng gặp gỡ, động viên và trao quà tết của đoàn công tác đến với các đơn vị, bữa cơm giản dị từ “cây nhà lá vườn” được CBCS Trạm ra đa 595 dọn lên mời khách. Các anh gọi đó là bữa cơm sum họp ngày tết để đáp lại tình cảm của đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo. Dù đóng quân trên đảo, điều kiện còn khó khăn nhưng trong bữa cơm ấy có đủ bánh chưng, thịt kho trứng, cải chua,... đều là những món quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đại úy Nguyễn Minh Mạng - Chính trị viên Trạm ra đa 595, cho biết, tất cả nguyên liệu đều do đơn vị tăng gia sản xuất. Dù rằng không thể so sánh với đất liền nhưng đó là tình cảm của những người lính chúng tôi dành cho đoàn công tác trong những ngày tết sum vầy.

Vui tết nhưng không quên nhiệm vụ

Sừng sững giữa biển trời, đảo Hòn Khoai được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Đây cũng là đảo có vị trí chiến lược được Thực dân Pháp đặt dấu mốc khi xây dựng ngọn Hải đăng Hòn Khoai. Hải đăng Hòn Khoai cũng là một trong những công trình đèn biển sớm nhất có mặt trên hải phận nước ta với tuổi đời gần 100 năm. Chính tại ngọn hải đăng này, ngày 13-12-1940, thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo quân nổi dậy khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Sau đó, thực dân Pháp đã điên cuồng truy lùng các chiến sĩ của cuộc khởi nghĩa. Chúng bắt bớ hàng loạt người dân vô tội mà chúng tình nghi có liên quan đến khởi nghĩa Hòn Khoai. Đến ngày 22-12-1940, các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai bị thực dân Pháp bắt. Suốt hơn nửa năm bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, những chiến sĩ khởi nghĩa vẫn giữ vững bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng. Không thể khuất phục được ý chí của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai, ngày 12-7-1941, chúng đem 8 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai, 2 cán bộ Đảng ra xử bắn và 10 đồng chí bị chết trong ngục tù Côn Đảo, hàng chục chiến sĩ khác bị giam cầm.

Tròn 80 năm từ cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đến hôm nay, tinh thần cách mạng của các CS khởi nghĩa Hòn Khoai vẫn sống mãi trong lòng người dân Cà Mau, biểu hiện tình cảm yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường bất khuất, quyết hy sinh vì độc lập tự do của nhân dân, cổ vũ nhân dân ta tiến lên trên con đường giải phóng dân tộc, đồng thời để lại bài học quý giá cho Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi. Với ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, tại Đại hội lần thứ VI Đảng bộ tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) vào năm 1981, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định chọn ngày 13-12 hàng năm làm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Hòn Khoai hôm nay đã trở thành di tích lịch sử cách mạng của cả nước nói chung và là biểu tượng tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau nói riêng.

Các thành viên trong đoàn di chuyển sang tàu nhỏ để vào đảo

Các thành viên trong đoàn di chuyển sang tàu nhỏ để vào đảo

Đại úy Nguyễn Minh Mạng – Chính trị viên Trạm ra đa 595 cho biết: “Đóng quân trên địa danh lịch sử cách mạng, CBCS Trạm ra đa 595 luôn ý thức được vinh dự, trách nhiệm, xác định tốt tư tưởng, an tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; trong đó, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển được phân công”. Những ngày tết cận kề, ai cũng có mong ngóng được sum họp bên gia đình trong khoảnh khắc giao thừa. Nhưng với những người lính nơi đảo xa thì tết đến xuân về, niềm vui bản thân luôn đứng sau nhiệm vụ đơn vị. Năm nay là năm đầu tiên hạ sĩ Võ Lục Tỷ Ngân, Trạm ra đa 595 quê ở Bình Dương ăn tết xa nhà nhưng với người CS trẻ tết năm nay sẽ mang nhiều ý nghĩa. “Không được ở gần gia đình nhưng bên em luôn có đồng đội, có đơn vị. Chúng em vẫn nhận được sự động viên quan tâm từ đất liền và đó cũng là động lực để mỗi người CS trên đảo Hòn Khoai quyết tâm hơn hoàn thành nhiệm vụ”- hạ sĩ Võ Lục Tỷ Ngân tâm sự.

Theo Thiếu tá Trần Thanh Sơn – Trạm trưởng Trạm ra đa 595, Tiểu đoàn 551, ở tất cả các đài trạm nói chung và tại Trạm ra đa 595 nói riêng đều trực 24/24, bảo đảm quan sát không để sót, lọt mục tiêu trên vùng biển được phân công. Mặc dù đón Tết Cổ truyền nhưng đơn vị luôn bảo đảm quân số theo quy định. Để động viên anh em trong những ngày tết đến, xuân về, đơn vị cũng tổ chức các hoạt động vui xuân đón tết cho CBCS với tinh thần đảo là nhà, biển cả là quê hương, vui xuân mới không quên nhiệm vụ. “Chúng tôi sẽ luôn giữ vững tay súng với quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao vì chủ quyền thiêng liêng của biển đảo”, Thiếu tá Trần Thanh Sơn – Trạm trưởng Trạm ra đa 595, Tiểu đoàn 551 khẳng định./.

(còn tiếp)

Bài 3: Sức sống trên biển đảo Tây Nam

Kiên Định

Chia sẻ bài viết