Tiếng Việt | English

14/09/2015 - 14:43

Long An: Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo

Bài 3: Cần được tiếp tục phát huy hiệu quả

Chính nhờ sự quan tâm sâu sát, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân mà những chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm - giảm nghèo đã từng bước phát huy hiệu quả, đời sống của người dân được nâng cao, đúng với mục đích ban đầu mà chương trình đề ra: Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo.


Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ nghèo đã vươn lên, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững

Từ những "cú hích"

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân, huyện Tân Trụ - Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin, thời gian qua, người dân trong xã được tham gia các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT) về nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, chăn nuôi gia súc, gia cầm,... Đây là chủ trương đúng vì người dân cần được cung cấp các kiến thức hữu ích phục vụ công việc hằng ngày, góp phần phòng bệnh đơn giản, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) phối hợp tốt với địa phương, phân bổ nguồn vốn hợp lý, người dân có cơ hội được vay vốn thông qua các đoàn thể (thành lập các tổ vay vốn, tạo điều kiện thoát nghèo). Tuy nhiên, do quy định đối tượng tham gia phải trong độ tuổi lao động nên người dân còn e dè vì chi phí hỗ trợ không nhiều, trong khi họ phải mất thời gian đi học nên rất khó thu hút học viên.

Còn với nguồn vốn từ NHCSXH, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội đã phối hợp rất tốt trong việc phân bổ nguồn vốn đến người cần hỗ trợ. Từ đó, họ đã có một bước đệm để vươn lên, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Chị Nguyễn Thị Hồng Dậm, ngụ ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, cho biết gia đình chị làm nông, đất đai không nhiều nên chỉ đủ ăn. Nhờ Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện vay vốn từ NHCSXH, chị lấy bánh về mở tiệm bán để có thêm thu nhập. Sau đó, dần dần mở rộng cơ sở, nay cuộc sống đã ổn định hơn trước rất nhiều.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Nguyễn Văn Bon nhận định, đạt kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân đối với chương trình; nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành; nguồn lực được tăng cường, một số chính sách đặc thù của Long An từng bước phát huy tác dụng, thiết thực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Sự gắn kết và lồng ghép hiệu quả giữa các chương trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo.

Trăn trở và kiến nghị

Trải qua gần một nhiệm kỳ, chương trình đã đạt những kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực tuy được nâng lên nhưng nhìn chung còn thấp; cơ cấu đào tạo nghề thiếu hợp lý; công tác phân luồng học sinh, liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức, góp phần chưa nhiều cho công tác đào tạo nghề. Công tác dạy nghề cho LĐNT chưa đa dạng; một số chính sách dạy nghề cho LĐNT chưa thu hút người học, nhất là những người có thu nhập thấp. Nguồn cung lao động khá dồi dào, từ đó dẫn đến sức ép việc làm; cơ cấu việc làm chuyển dịch chưa nhiều; việc làm ở nông thôn còn mang tính thời vụ, thiếu thường xuyên. Quỹ hỗ trợ vốn giải quyết việc làm của tỉnh còn hạn chế; xuất khẩu lao động đạt thấp. Chuẩn nghèo chưa thực sự phù hợp với thực tế mức sống của người nghèo, chất lượng giảm nghèo chưa thật bền vững, hộ tái nghèo còn cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho rằng: Thời gian tới, sở sẽ kiến nghị sửa đổi quy định về đối tượng LĐNT thuộc diện “hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo” thành “LĐNT thuộc diện hộ cận nghèo” cho phù hợp với chuẩn nghèo mới. Đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với thực tế - tùy theo sức khỏe, điều kiện LĐNT,... Đề nghị Trung ương hướng dẫn việc sáp nhập các trung tâm trên địa bàn huyện thành một trung tâm chung do cấp huyện quản lý, có các chức năng: Dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm để triển khai công tác dạy nghề cho LĐNT được thuận lợi, đem lại hiệu quả.

Nhìn chung, qua 5 năm tổ chức thực hiện chương trình, với sự nỗ lực, phấn đấu và nhận thức đầy đủ trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, chương trình đã đạt một số kết quả quan trọng, đời sống người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra./.

N.Thạch-H.Phong-P.Ngân-K.Ngọc

Xem thêm>>

Bài 1: Chung tay thực hiện chương trình

Bài 2: Sức bật mới

 

 

 

Chia sẻ bài viết