Tiếng Việt | English

24/11/2015 - 10:13

Khúc bi tráng mãi được tôn vinh

Bài 3: Hậu thế tôn vinh

Lễ khởi công xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa (giai đoạn II công trình di tích Ngã tư Đức Hòa), ngày 29-6-1012

Nghiên cứu xuất bản

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Tân An - Chợ Lớn với ý nghĩa của nó, sau quá trình sưu tầm và nghiên cứu của nhiều thế hệ, từ tháng 11-1985, lần đầu tiên, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Long An xuất bản tập Biên niên sự kiện. Tháng 9-1991, diễn biến cuộc khởi nghĩa được đề cập lần thứ 2 trong Sơ thảo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng bộ tỉnh Long An - Tập một, sau đó tiếp tục được đề cập trong công trình Lịch sử Công an nhân dân Long An. Tháng 11-1995, sự kiện cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở 2 tỉnh Tân An - Chợ Lớn được Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục xuất bản dưới dạng chuyên đề.

Ngoài ra, các công trình lịch sử địa phương huyện, xã đều có đề cập đến diễn biến của cuộc khởi nghĩa trên phạm vi địa phương mình. Năm 2000, kỷ niệm 60 năm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, công trình lịch sử cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở Chợ Lớn và Tân An năm 1940 do Thường vụ Tỉnh ủy Long An xuất bản theo chủ trương của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Chính phủ. Nhờ thành quả nghiên cứu trước đó và nỗ lực chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đây là công trình nghiên cứu toàn diện nhất và cụ thể nhất về sự kiện lịch sử này ở Long An.

Tôn tạo và phát huy giá trị di tích

Di tích Ngã tư Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) là di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia năm 1989 từ 2 nội dung cơ bản: Nơi diễn ra cuộc đấu tranh chống thuế ngày 4-6-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Châu Văn Liêm và Võ Văn Tần; địa điểm ghi dấu gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa.

Tượng đài Chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa tại Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, thị trấn Đức Hòa

Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, Pháp lập 11 mô bắn, trong đó có mô bắn tại đình thần Đức Hòa. Tại đây, trong 3 ngày 7, 8 và 9-7-1941, địch đã liên tiếp xử bắn các đồng chí: Nguyễn Văn Dương (tự Vườn), Nguyễn Văn Nai, Trần Văn Móng, Phạm Văn Tuội, Nguyễn Văn Giỗ, Lê Văn Lao, Đỗ Văn Mộc, Ngô Văn Diệp, Đỗ Văn Tiệp, Nguyễn Văn Sáu, Đỗ Văn Bá.

Tôn vinh tinh thần và khí phách trước kẻ thù của các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa, công trình Tượng đài chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa được xây dựng tại nơi các chiến sĩ khởi nghĩa năm xưa đã nêu gương hy sinh anh dũng, nay thuộc Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, huyện Đức Hòa, ngày 29-6-2012, nhân lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29-6-1902 - 29-6-2012), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về dự buỗi lễ và cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh khởi công xây dựng công trình. Công trình được tổ chức khánh thành vào ngày 21-11-2015, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ 23-11-1940 - 23-11-2015.

Cũng trên địa bàn huyện Đức Hòa, trọng điểm của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa ở Tân An - Chợ Lớn, địa điểm diệt Quản Nên ở Giồng Cám cũng được dựng bia ghi công và xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2000: Di tích lịch sử Giồng Cám tại xã Đức Hòa Thượng.

Ngoài trường bắn ở Đức Hòa, địch cũng lập trường bắn ở Cần Giuộc để giết hại các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa. Sau khi nổi dậy, lực lượng khởi nghĩa ở Cần Giuộc do đồng chí Nguyễn Thị Bảy lãnh đạo được lệnh rút về Rừng Sác bảo tồn lực lượng.

Đến giữa tháng 12-1940, nhiều đồng chí và quần chúng cách mạng trung kiên lần lượt sa vào tay giặc. Sáng ngày 26-5-1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Bảy và 4 đồng chí: Phan Văn Châu, Nguyễn Văn Đang, Trương Văn Lương, Lê Văn Có về xử bắn ở sân banh Cần Giuộc. Ghi dấu gương hy anh dũng của các chiến sĩ cộng sản ở Cần Giuộc trước pháp trường, địa điểm sân banh Cần Giuộc (nay là Công viên Nguyễn Thị Bảy), thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1993. Đó là một quần thể được tôn tạo gồm nhà trưng bày, bia lưu niệm sự kiện và công viên cây xanh.

Căn cứ Mớp Xanh (Bo Bo) là một trong những nội dung cơ bản để xếp hạng Di tích quốc gia Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ vào năm 1998. Đây là một trong những di tích lịch sử trọng điểm của tỉnh được quan tâm trùng tu, tôn tạo, đến nay, đã cơ bản hoàn thành, sẽ khánh thành trong năm 2015. Trong thời gian qua, di tích đã từng bước phát huy tác dụng, là một trong những địa chỉ quan trọng nhất của tỉnh trong các hoạt động tham quan, du lịch, về nguồn, họp mặt truyền thống,…

Sự kiện Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 với những công trình nghiên cứu xuất bản và xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, là một trong những sự kiện được tôn vinh nhiều nhất. Đó thực sự là biểu hiện tri ân cụ thể nhất của thế hệ hôm nay đối với tiền nhân đã đổ máu xương làm nên lịch sử. Nên chăng, một tấm bia tại cầu Ông Chuồng, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc để lưu niệm sự kiện cờ đỏ sao vàng - hồn dân tộc, lần đầu tiên xuất hiện trên đất Long An và tại xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, nơi ghi dấu chiến công diệt đồn Trà Cú, sẽ là những bổ sung quan trọng trong việc tôn vinh sự kiện này trên đất Long An.

75 năm, sự kiện Khởi nghĩa Nam kỳ vẫn tỏa sáng với những giá trị, tầm vóc lịch sử của thời đại. Ôn lại truyền thống lịch sử Khởi nghĩa Nam kỳ, chúng ta ý thức sâu sắc rằng mọi thành quả cách mạng ngày nay là công lao, xương máu, sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ cách mạng, là quá trình Đảng bộ và nhân dân Long An không ngừng giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước, đúc kết kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ quê hương./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết