Tiếng Việt | English

18/09/2015 - 16:33

Chương trình khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững

Bài 3: Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên

Tài nguyên không là vô tận nên việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững luôn được tỉnh Long An chú trọng thực hiện, nhờ đó hạn chế tình trạng lãng phí tài nguyên.


Con đường vừa được thi công hoàn thành sau khi một dự án treo nhiều năm được xóa ở huyện Bến Lức

Hiện tỉnh Long An đã hoàn thành công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) bảo đảm giữ vững các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã phân bổ. Đất trồng lúa diện tích 254.134ha, cao hơn chỉ tiêu cấp quốc gia phân bổ gần 860ha, đất công nghiệp diện tích hơn 11.000ha. Từ đó phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển Kt-XH của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, xác định rõ vai trò của từng vùng, nhất là vùng sản xuất lúa nước, vùng chuyển đổi, vùng phát triển công nghiệp nhằm khai thác, sử dụng linh hoạt, có hiệu quả quỹ đất trồng lúa, bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực, nâng cao giá trị sử dụng đất. Sau khi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm nguyên tắc công bố quy hoạch công khai.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phan Nhân Duy cho biết: Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được thực hiện bằng nhiều biện pháp, có hiệu quả. Tính đến hết tháng 6-2015, toàn tỉnh đã cấp giấy CNQSDĐ được 1.202.552 thửa đất, tương ứng diện tích gần 383.700ha, đạt 96,38% so với tổng diện tích cần cấp.

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 152 lượt cánh đồng lớn, tổng diện tích gần 56.000ha với 20.652 hộ dân tham gia. Việc triển khai xây dựng các cánh đồng lớn đã góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất; giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác theo hướng bảo đảm cân bằng sinh thái và bền vững, nâng cao chất lượng đất, giảm diện tích đất thoái hóa, bạc màu, nhiễm phèn, mặn.

Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tỉnh quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời theo quy định của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương. Đa số người dân đồng thuận với chủ trương của Nhà nước về thu hồi đất.
Tỉnh cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư uy tín, có năng lực tài chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch cho các nhà đầu tư từng bước được rút ngắn, thực hiện lồng ghép các thủ tục trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất với việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thủ tục phê duyệt dự án đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư ngày càng hoàn thiện, đổi mới, nâng cao hiệu quả, việc thực hiện liên ngành, liên vùng được tỉnh quan tâm bằng nhiều hình thức.

Việc quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất công góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách. Hiện tỉnh có quỹ đất công với diện tích hơn 3.000ha, tương ứng 5.525 thửa, trong đó xã, phường, thị trấn đang trực tiếp sử dụng gần 960ha, cho hộ gia đình và cá nhân thuê gần 1.400ha, cho tổ chức thuê gần 45ha, cho mượn 191ha... Việc thanh tra, kiểm tra giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được tăng cường.

Những năm qua, tỉnh kiên quyết thu hồi, xóa quy hoạch nhiều dự án chậm hoặc không triển khai. Cụ thể, tỉnh đã thu hồi 119 dự án đầu tư chậm, hoặc không triển khai đúng cam kết với tổng diện tích gần 6.700ha. Từ đó, tạo được sự đồng tình cao trong nhân dân vì không còn những ngày phập phồng, lo âu và bị gò bó trong khung quy hoạch.

Chẳng hạn như sau thời gian dài không thực hiện, năm 2012, tỉnh đã chủ trương thu hồi dự án, xóa quy hoạch Cụm công nghiệp Hoàng Long ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, trong việc khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường, tỉnh đã hoàn thành xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tỉnh đang điều tra, thống kê, đánh giá hiện trạng và công bố vùng cấm, hạn chế khai thác và khoanh định vùng đăng ký khai thác nước dưới đất; lập quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; nghiên cứu xây dựng quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn, chương trình kiên cố hóa hệ thống tưới tiêu giảm thiểu tình trạng thất thoát nước và bảo vệ tài nguyên nước. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý tài nguyên nước từng bước đi vào nền nếp.

Long An là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là rừng tràm tập trung ở các huyện Đồng Tháp Mười. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các chương trình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quy hoạch, xây dựng các đề án bảo tồn đa dạng sinh học,... nhằm giữ vững ổn định diện tích rừng tràm và các nguồn gen quý hiếm, các loại động vật, thực vật hoang dã.

Theo đánh giá, việc thực hiện Chương trình 08 của Tỉnh ủy (khóa IX) về khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững đã đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, ở một vài địa phương còn xảy ra tình trạng tự phát chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp quy hoạch. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn chậm, nhất là việc khắc phục các khó khăn và vướng mắc của các nhà đầu tư trong công tác giải tỏa, đền bù. Lực lượng lao động thất nghiệp sau khi thu hồi đất có xu hướng tăng. Công tác thẩm định, xác định giá đất đôi khi chưa sát thực tế, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Việc hậu kiểm sau cấp phép khai thác khoáng sản, tài nguyên nước còn những hạn chế. Trong thu hút đầu tư vẫn còn trường hợp bổ sung ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao vào các khu, cụm công nghiệp,...

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Huỳnh Thị Phép, nhiệm kỳ 2015-2020, dù chương trình khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững sẽ không còn là chương trình đột phá của Tỉnh ủy nhưng đây vẫn là công việc thường xuyên, xuyên suốt của các cấp, các ngành, địa phương. Để việc thực hiện đạt hiệu quả cao, sở cũng kiến nghị tỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương thực hiện. Đồng thời, kiến nghị tỉnh không tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp có lượng nước thải lớn, ngành nghề ô nhiễm vào khu, cụm công nghiệp khi hạ tầng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hạn chế tối đa việc thỏa thuận địa điểm các dự án đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp, đan xen trong khu dân cư tập trung,.../.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết