Tiếng Việt | English

03/02/2021 - 16:05

Mùa xuân trên biển đảo Tây Nam

Bài 3: Sức sống trên biển đảo Tây Nam

Thông lệ hàng năm, mỗi dịp tết đến, xuân về, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức đoàn công tác cùng các tỉnh, thành phía Nam đến các đảo thuộc vùng biển Tây Nam để thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân đang ngày đêm bám trụ, canh giữ biên cương Tổ quốc. Những chuyến đi ấy không chỉ mang theo quà tết mà còn mang theo cả những tình cảm, lòng tin yêu của người dân đất liền, hậu phương gửi đến cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi tiền tiêu biên cương trên biển của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152, đảo Thổ Chu phủ xanh khu tăng gia bằng các loại rau để đưa vào bữa ăn hàng ngày

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152, đảo Thổ Chu phủ xanh khu tăng gia bằng các loại rau để đưa vào bữa ăn hàng ngày

Trong suốt hải trình vượt hàng trăm hải lý qua những con sóng bạc đầu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho các đảo trên vùng biển Tây Nam. Ở đó có vẻ đẹp của thiên nhiên, có tình cảm quân - dân và một sức sống đang vươn lên từng ngày.

Màu xanh phủ khắp các đảo Tây Nam

Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi, Trung úy Chu Quang Hùng - Trung đội trưởng Vận tải, Trung đoàn 152, Quân khu 9 đang đóng quân trên đảo Thổ Chu, đưa chúng tôi đi thăm một vòng khu tăng gia tập trung của đơn vị có diện tích khoảng hơn 3ha. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là khu tăng gia của Trung đoàn 152 không khác gì những cánh đồng màu mỡ trong đất liền vẫn thường bắt gặp. Tất cả được phủ một màu xanh của những luống rau muống, rau cải, mồng tơi và cả những giàn bầu, bí, mướp trĩu quả. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Trung úy Chu Quang Hùng giải thích: “Nhìn vậy chứ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của đơn vị phải mất nhiều năm mới biến đất cằn thành những vườn rau tươi tốt”.

Theo Trung úy Chu Quang Hùng, thổ nhưỡng tại đảo khác xa đất liền và không thuận lợi cho việc trồng trọt. Đất thì cằn, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước ngọt và chưa kể hơi mặn từ biển luôn phả vào. Cũng may, qua hàng chục năm, đến nay, đảo Thổ Chu vẫn giữ được những cánh rừng nguyên sinh che chở cho các lực lượng đang đứng chân trên địa bàn và giúp việc tăng gia sản xuất của đơn vị thuận lợi hơn. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi được biết năm 2020, sản lượng rau xanh của đơn vị tăng gia đạt trên 70 tấn, bảo đảm 100% rau xanh cung cấp trong các bữa ăn của CBCS trong toàn đơn vị. Cầm trên tay những củ cải trắng vừa nhổ để chuẩn bị cho bữa ăn chiều, anh Phạm Văn Tước cho biết: “Giờ đơn vị không còn thiếu rau ăn như trước. Ngược lại, rau xanh còn được cung cấp cho các đơn vị bạn đứng chân trên địa bàn. Cứ hết lứa rau này, chúng tôi lại gối đầu lứa khác bảo đảm cung cấp thực phẩm thường xuyên, liên tục cho đơn vị. Bên cạnh đó, trại chăn nuôi heo của đơn vị luôn duy trì số lượng trên 140 con đầy đủ các loại heo nái, heo con và heo thịt để cải thiện bữa cơm cho CBCS”. Ngoài ra, Trung đoàn 152 còn tổ chức xưởng sản xuất cá hộp từ nguồn cá thu mua của ngư dân. Năm 2020, xưởng sản xuất cá hộp của Trung đoàn sản xuất trên 10 tấn cá hộp phục vụ đơn vị, các lực lượng đứng chân trên địa bàn cũng như cho toàn lực lượng Quân khu 9.

Nếu như tại Trung đoàn 152, việc tăng gia sản xuất thuận lợi nhất thì các trạm ra đa thuộc Tiểu đoàn 551 tại 5 đảo chúng tôi đến thăm, việc tăng gia sản xuất khó hơn nhiều lần. Đóng quân trên điểm cao, thiếu nước ngọt, thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên tại các vườn rau của trạm, những luống rau xanh vẫn vươn mình như khẳng định sức sống mãnh liệt, ý chí vượt khó khăn của những người lính hải quân. Từ Thổ Chu đến Hoàn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đốc, Nam Du vượt lên trên điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những năm qua, dưới bàn tay CBCS, các lực lượng đã được phủ một màu xanh của rau màu, cây trái, mang sức sống mới trên các đảo Tây Nam.

Vẹn nghĩa tình quân - dân

Đảo Hòn Chuối một trong số những đảo đoàn chúng tôi ghé thăm có cư dân sinh sống. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với đặc thù chưa có đường giao thông nên số hộ dân định cư trên đảo mới chỉ có hơn 30 hộ. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng họ đã bám trụ cùng các lực lượng mấy chục năm qua. Và đặc biệt hơn, tại đảo Hòn Chuối hơn chục năm qua, 1 lớp học tình thương do lực lượng Đồn Biên phòng Hòn Chuối tổ chức vẫn đều đều mang con chữ, góp thêm niềm tin, niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng cho con em của ngư dân trên đảo.

Công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, năm 2009, Đại úy Trần Đình Phục xung phong ra đảo Hòn Chuối và sau đó vài tháng nối tiếp các đồng đội, anh nhận lớp học tình thương để dạy cho các em nhỏ. 3 cái bảng được để ở 3 góc lớp học, bàn ghế cũng được kê theo 3 hướng khác nhau. Lớp chỉ có 1 thầy giáo dạy 26 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 và tất cả ngồi chung 1 phòng học. Nơi đảo xa, dù khó khăn, vất vả nhưng lớp học tình thương do thầy Phục phụ trách chưa hôm nào vắng tiếng cười của các em học sinh. Thầy giáo, Đại úy Trần Đình Phục cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ tại đảo Hòn Chuối, tôi rất thương các em nhỏ ở đây, điều kiện không cho phép nên các em không được đi học như trẻ em trong đất liền. Hơn 10 năm gắn bó với lớp học, tôi luôn xem các em như con em của mình và các em cũng xem tôi như người thân trong gia đình. Mỗi lần về phép thăm gia đình, tôi lại có cảm giác nhớ đảo, nhớ mấy đứa học trò. Nơi đây đã như là gia đình của tôi. Có đứa theo học từ lúc còn bé tí, nay đã đến tuổi lập gia đình. Đối với tôi, thành công nhất là mang được con chữ đến với các em, để các em có cơ hội, hy vọng vào đất liền để tiếp tục học tập, vươn lên”. Ở lớp học tình thương này, đến nay đã có nhiều em vào đất liền tiếp tục theo học và thi đậu các trường cao đẳng, đại học cũng như có việc làm ổn định. Và hiện nay, lớp học tình thương đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc. “Ấn tượng nhất đối với tôi là em Đậu Yến Nhi, 15 tuổi, một trường hợp rất đặc biệt khi em không may mắc hội chứng Down từ nhỏ, không làm chủ được bản thân nhưng sau khi đến với lớp học, đến nay em đã nhận thức được, biết đọc, biết viết và có thể làm toán được. Nếu các bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân bằng các phương pháp tiên tiến của y học thì sự quan tâm, yêu thương chân thành sẽ mang đến những điều kỳ diệu trong cuộc sống” - thầy Phục tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp, 44 tuổi, định cư ở đảo đến nay vừa tròn 17 năm, có 3 người con theo học tại lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Hòn Chuối, cho biết: “Ở đảo còn khó khăn lắm, chưa có cơ sở vật chất nhưng nhờ có lớp học tình thương của đồn biên phòng mà cả 3 đứa con của tôi đều biết chữ. Các lực lượng ở đây rất gắn bó với nhân dân, khi người dân cần giúp đỡ là có mặt”.

Trong số các đảo có dân cư sinh sống, cuộc sống người dân ở Hòn Chuối là khó khăn nhất khi thường xuyên phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, người dân phải “chạy nhà” từng năm theo mùa gió bão. Tổ phó Tổ nhân dân tự quản đảo Hòn Chuối - Lê Văn Phương cho biết: “Do điều kiện khó khăn nên hiện nay, các hộ dân trên đảo vẫn chưa xây dựng được nhà ở kiên cố và phải "chạy nhà" theo mùa. Mùa gió chướng, người dân phải dời nhà sang bãi Nam và đến tháng 3, tháng 4 Âm lịch hàng năm lại dời nhà từ bãi Nam ngược về bãi Chướng. Nếu không dời kịp, sẽ phải hứng chịu những cơn gió, bão biển. Cũng may mắn khi các lực lượng đứng chân trên địa bàn luôn nhiệt tình hỗ trợ di dời và dựng nhà lại cho dân. Nhất là trong mùa khô, những thùng nước ngọt quý giá lại được CBCS mang đến chia sẻ cho từng hộ dân. Cũng vì thế, tình quân - dân trên đảo rất keo sơn, gắn bó”.

Anh Lê Văn Hùng Anh cùng các thuyền viên trên tàu ghé đảo Hòn Chuối để sửa chữa ngư cụ

Anh Lê Văn Hùng Anh cùng các thuyền viên trên tàu ghé đảo Hòn Chuối để sửa chữa ngư cụ

Trong chuyến công tác này, không khó để chúng tôi được nghe những câu chuyện, tình cảm tốt đẹp của các lực lượng đứng chân trên địa bàn và ngư dân trên biển, đảo. Gần chục năm nay, trong các chuyến đi biển, anh Lê Văn Hùng Anh, 43 tuổi, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, cùng các thuyền viên trên tàu của mình chuyến nào cũng ghé đảo Hòn Khoai. Đợt này, tàu của anh gặp sự cố khi hệ thống lưới rách toang do bủa vây vào đá ngầm. Trên cầu tàu đảo Hòn Khoai, anh cùng 3 ngư dân buông tấm lưới ra để vá lại tiếp tục đánh bắt hải sản. Anh Hùng Anh cho biết: “Chuyến đi nào tàu chúng tôi cũng ghé đảo Hòn Khoai để neo đậu. Có khi là để sửa chữa ngư cụ, có khi để tránh trú khi biển động. Và cũng có nhiều lúc, chúng tôi ghé đảo xin nước ngọt, nhu yếu phẩm của CBCS trên đảo. Ở đây, CBCS luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân ghé đảo. Có các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo, chúng tôi cũng yên tâm hơn trong những chuyến đi dài ngày”.

Theo Thiếu tá Trần Thanh Sơn - Trạm trưởng Trạm Ra đa 595, Tiểu đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đóng quân trên đảo Hòn Khoai, ngoài nhiệm vụ quản lý vùng trời, vùng biển trên địa phận được phân công, không để sót lọt mục tiêu thì CBCS của trạm cũng như các lực lượng đóng trên trạm cũng thường xuyên tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ ngư dân ghé đảo.

Những việc làm bình dị của các lực lượng đóng quân trên các đảo Tây Nam không chỉ thể hiện tình cảm gắn bó quân - dân nơi đảo xa mà còn là sự đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi ấy luôn trọn vẹn nghĩa tình quân - dân./.

(còn tiếp)

Bài 4: Mang hơi ấm đất liền ra với biển đảo Tây Nam

Kiên Định

Chia sẻ bài viết