Tiếng Việt | English

22/04/2020 - 10:44

Chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19

Bài 3: Thầm lặng với "cuộc chiến" Covid-19 (kỳ cuối)

"Chống dịch như chống giặc". Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu cũng là lúc nước ta chính thức bước vào “thời chiến”. Thế trận lòng dân đã phát huy hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Tại Long An, mọi người, mọi nhà một lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Bác Hồ từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của ta…”. Truyền thống ấy được bộc lộ ngay khi “cuộc chiến” với dịch Covid-19 bắt đầu.

Ông Huỳnh Nghiệp Tân chia sẻ: “Dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, nước ta đang thực hiện tốt công tác chống dịch, thì trách nhiệm mỗi người dân là tuân thủ hướng dẫn của Nhà nước và chung tay đóng góp. Lúc này là lúc thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng nhau vượt qua khó khăn”

Ông Huỳnh Nghiệp Tân chia sẻ: “Dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, nước ta đang thực hiện tốt công tác chống dịch, thì trách nhiệm mỗi người dân là tuân thủ hướng dẫn của Nhà nước và chung tay đóng góp. Lúc này là lúc thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng nhau vượt qua khó khăn”

Tình người mùa Covid

Khi UBMTTQ tỉnh kêu gọi đóng góp hỗ trợ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, ông Huỳnh Nghiệp Tân (phường 1, TP.Tân An) liên hệ với bạn mình, cũng là người Hoa đang sống và làm việc tại TP.Tân An, để vận động tiền. Mỗi người một ít, được hơn 10 triệu đồng. Ông mang 3 triệu đồng đến đóng góp cho quỹ an sinh xã hội UBND phường 1, phần còn lại gửi cho UBMTTQ tỉnh góp vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Tân chia sẻ, với vai trò là Trưởng ban đại diện Cộng đồng người Hoa ở TP.Tân An, ông hiểu rõ người Hoa đang sinh sống và làm việc tại thành phố luôn ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ gìn khối đại đoàn kết, gắn bó, đùm bọc, chia sẻ cho nhau lúc khó khăn. Bởi vậy, khi tỉnh có lời kêu gọi, ông liền thông tin tới những hộ người Hoa có điều kiện tại Tân An, vận động cùng nhau đóng góp. Ông đến từng nhà nhận tiền, tổng hợp, ghi chép cụ thể rồi đại diện mang số tiền ấy đi đóng góp. Với ông Tân, đó là một hành động nhỏ và hết sức đương nhiên bởi trước nay, ông và cộng đồng người Hoa tại Tân An chưa bao giờ đứng ngoài cuộc bất kỳ chương trình, hoạt động an sinh xã hội nào. Ông Tân chia sẻ: “Dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, nước ta đang thực hiện tốt công tác chống dịch, trách nhiệm mỗi người dân là tuân thủ hướng dẫn của Nhà nước và chung tay đóng góp. Lúc này là lúc thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng nhau vượt qua khó khăn”. 

Khi chống dịch thực sự trở thành “chống giặc” mới thấy hết sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân. Không thể đóng góp hay vận động được như ông Huỳnh Nghiệp Tân, nhiều người khác chọn cách đóng góp của riêng mình. Chị Nguyễn Thụy Thắm (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) kể, từ khi có quy định cách ly xã hội, điện thoại chị có cuộc gọi và tin nhắn liên tục. Bạn bè, hội viên nhắn, gửi chị đóng góp cho khu cách ly, bộ đội, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Chị chia sẻ: 

“Tình cảm của người dân, chị em phụ nữ tỉnh mình nhiều lắm. Nhiều khi đọc tin nhắn mà tôi xúc động. Chị em có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, từ sáng sớm đến chiều muộn hễ có là chị em nhắn ngay”. Nói rồi, chị Thắm chỉ lỉnh kỉnh đồ đạc ở nhà mình, một ít cà phê, đường, mấy lốc bàn chải đánh răng, khẩu trang vải may xong giặt sạch phơi khô,… đều là quà gửi tặng tuyến đầu chống dịch. Ở các huyện vùng sâu, chị em còn gửi cả gạo và trứng cho khu cách ly, có gì góp nấy.

Đâu đâu cũng có người dân chung lòng ủng hộ, không bằng cách này thì bằng cách khác. Như anh Hồ Văn Liễu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) tự may, phát khẩu trang miễn phí cho mọi người. Những ngày phòng dịch, tiệm hớt tóc và bán thức ăn sáng nhà anh đóng cửa, thu nhập giảm đáng kể, nhưng anh chẳng mấy lưu tâm, dành hết thời gian rảnh may khẩu trang tặng cho người khác. Hơn 500 khẩu trang vải anh may đã được gửi đi. Mỗi chiếc khẩu trang được đo, cắt cẩn thận, đường may chắc chắn, thẩm mỹ, vừa kín khuôn mặt, 2 lớp nhưng phải dễ thở. Anh nói: “Mình may khẩu trang tặng thì cũng phải may sao cho đẹp, tiện dùng người ta mới nhận, mới dùng, may không kỹ, sử dụng không được thì phí công”. Khẩu trang là một trong những “vũ khí” quan trọng “chống giặc" Covid-19 nên khi "cuộc chiến" bắt đầu, nhiều người tham gia may và phát miễn phí khẩu trang. Từ vùng biên giới xa xôi đến thành thị, từ vùng thượng đến vùng hạ và cả khu vực Đồng Tháp Mười đâu đâu cũng có những gia đình may khẩu trang miễn phí. 

Hàng sào khẩu trang mới may được giặt sạch, phơi trên sân nhà trở thành “đặc sản mùa Covid-19” bởi đó là tình cảm, là sự đồng lòng của người dân (Nguồn: PN Tân Hưng)

Hàng sào khẩu trang mới may được giặt sạch, phơi trên sân nhà trở thành “đặc sản mùa Covid-19” bởi đó là tình cảm, là sự đồng lòng của người dân (Nguồn: PN Tân Hưng)

“Mình bảo vệ mình thì nói gì!”

Để có được sự đồng lòng đó, ngoài chính sách đúng đắn của Chính phủ, còn cần cả những nhân tố quan trọng ở địa phương. Đó là những người không quản ngày đêm, mưa nắng đến từng ngõ, gõ từng nhà, vận động người dân ở nhà, khai báo y tế, tạm dừng kinh doanh dịch vụ, tạm hoãn lễ cưới,… Đó là những cán bộ đoàn, hội, cán bộ ấp. Làm trưởng ấp mười mấy năm, ông Bùi Văn Được (Bí thư, Trưởng ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) ít có thời gian lo lắng việc gia đình. Việc của ông là “lo cho người khác”. Mùa dịch Covid-19 này, đến nhà tìm ông Được chắc chắn là không có. Ông đi vận động, kiểm tra các điểm kinh doanh, đến nhà người dân nhận khẩu trang may tặng mang về xã, đi nhắc nhở các khu nhà trọ thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch, kiểm soát xem có người lạ ra, vào địa phương hay không. Cứ nghĩ rằng “bí thư, trưởng ấp” là công việc bán thời gian, nhưng vào những ngày này, đó là công việc không dư chút thời gian, thứ bảy, chủ nhật cũng không được nghỉ. Đi lại nhiều để nhắc nhở mọi người, ông Được không quên tự bảo vệ sức khỏe mình. Ông tâm sự: “Dịch bệnh này phức tạp, ai cũng sợ. Những việc tôi làm là để bảo vệ mọi người, nhắc nhở người này bảo vệ người kia, người kia bảo vệ người nọ. Chứ riêng mình bảo vệ mình thì nói gì nữa!”. Ông cười vang và không quên gửi lời chúc giữ gìn sức khỏe! 

Không chỉ ông Được mà rất nhiều người khác, những cán bộ đoàn, hội tâm huyết vẫn đang ngày đêm đi vận động, “chạy tới, chạy lui” vì “chuyện thiên hạ” để chung tay phòng dịch. Từ khi dịch bệnh bùng phát, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Cang, huyện Cần Đước) “chạy như con thoi”. Hết đi vận động kinh phí, chị lại tìm nguồn mua vải tốt, giá “mềm”, vận động chị em trong xã may khẩu trang miễn phí phát cho người dân, tặng cho bộ đội và các khu cách ly. Khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, chị lại phải ngược xuôi xin kinh phí, vận động tài trợ để có “chút đỉnh quà” tặng cho các hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chị nhỏ người, nhưng luôn tràn đầy năng lượng, ở độ tuổi đáng lẽ nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi “trốn dịch” thì chị lại nhiệt tình với công tác hậu cần. Chiếc áo bà ba chị mặc, giọng nói hào sảng của chị là động lực, ngọn gió thổi bùng phong trào của chị em phụ nữ tại Long Cang trong mùa dịch. 

Cũng những ngày này, Trưởng ấp Ngoài, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc - Đinh Thanh Hoàng cũng đi suốt ngoài đường với đoàn vận động, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm cách ly xã hội. Mới 6 giờ sáng, ông đã ra khỏi nhà, cùng đoàn rảo khắp các tuyến đường trong ấp, chủ yếu là nhắc nhở, người dân và các cơ sở kinh doanh. Xong việc, ông lại một mình chở loa di động rảo lại một vòng quanh ấp, dừng lại nơi đông dân cư cho người dân nghe rõ. Chiều về, ông lại một mình rảo thêm vòng nữa để “bà con biết việc này quan trọng mà nghiêm chỉnh nghe theo”. Hết kiểm tra, ông lại quay sang vận động, mạnh thường quân này vài chục phần quà, mạnh thường quân kia vài chục kilôgam gạo, ông mang đến tận nhà, trao tận tay người khó khăn trong ấp. Ông hay nói với mạnh thường quân: "Anh chị có lòng thì giúp đỡ bây giờ khi người khó khăn đang cần lắm!”. Bằng sự chân thành, minh bạch của mình, ông Hoàng đem về cho địa phương gần 150 phần quà và 5 triệu đồng tiền mặt. Các hộ khó khăn ở địa phương, nhờ vậy mà thêm ấm lòng! Ông Hoàng làm tất cả đều là tự nguyện, muốn làm điều tốt cho xã hội. Đến nay vẫn chưa có chút phụ cấp hay hỗ trợ nào cho những người tham gia phòng dịch như ông Hoàng, ông Được hay chị Thủy nhưng họ vẫn làm với tất cả tấm lòng!

Họ là những người thầm lặng trong "cuộc chiến" với Covid-19 mà không cần phải xướng lên tên tuổi hay ghi lại chiến công./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết