Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Chăn nuôi an toàn sinh học: Từng bước giải quyết khó khăn

Bài 4: Ưu tiên xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm GAHP

Giá cả bấp bênh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu chất lượng sản phẩm của thị trường ngày càng cao,... là những yếu tố đòi hỏi nông dân phải có sự thay đổi, chuyển biến trong nhận thức, phương pháp chăn nuôi. trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học (atSh) là một trong những biện pháp cấp thiết, hướng nông dân vào khuôn khổ, chuyên nghiệp hơn từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến vận chuyển, buôn bán sản phẩm. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, việc áp dụng atSh thời gian qua cũng gặp một số khó khăn chưa thể giải quyết triệt để, nhằm hướng tới phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.

Nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện chăn nuôi theo hướng ATSH trong tỉnh thời gian qua, đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế để có những giải pháp hướng người chăn nuôi lựa chọn và đi theo những sản phẩm sạch, phóng viên (PV) Báo Long an đã có cuộc phỏng vấn phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn - Liêu Trung Nguơn xung quanh vấn đề này.

 

Giai đoạn 2, DA sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm

 

PV: Xin ông cho biết lợi ích của chăn nuôi ATSH?

- Ông Liêu Trung Nguơn (L.T.N):

Trước đây, nông dân chăn nuôi theo kinh nghiệm là chủ yếu. Họ ít quan tâm đến khâu chuồng trại, lựa chọn con giống,... nên chưa kiểm soát được chất lượng con giống cũng như mầm bệnh, dẫn đến vật nuôi dễ mắc bệnh. Chăn nuôi theo hướng ATSH là quy trình chăn nuôi tương đối mới. Khi tham gia dự án (DA), người chăn nuôi được Ban quản lý DA tập huấn về kỹ năng, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi từ khâu lựa chọn giống đến kỹ thuật chăn nuôi, tiêm vắc-xin, xử lý môi trường, xây hầm biogas,... theo đúng quy trình. Từ đó, giúp người chăn nuôi chủ động quản lý chặt chẽ từ việc chọn con giống đến khi bán ra; có giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế so với cách nuôi truyền thống.

PV: Ông có thể cho biết một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện?

- L.T.N:

Từ trước đến nay, người dân nuôi theo cảm tính, kinh nghiệm là chính. Trong khi đó, chăn nuôi theo hướng ATSH còn khá mới. Nó đòi hỏi người nuôi theo GAHP phải ghi chép sổ sách, tính toán lượng thức ăn, thuốc, thời gian tiêm đến khi xuất chuồng phải hạch toán trở lại,... nên bước đầu khi thực hiện, nhiều nông dân chưa quen.Thứ hai, chính là vấn đề bấm lỗ tai cho heo. Công tác này nhằm truy suất nguồn gốc của heo nếu không may xảy ra dịch bệnh.

Nhưng hiện nay vẫn chưa được thực hiện tốt. Ngoài ra, chăn nuôi theo hướng GAHP ở tỉnh còn mang tính nông hộ, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết. Vì vậy, không có người đại diện đứng ra ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm theo như yêu cầu của các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM. Từ đó dẫn đến giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường và đầu ra chưa ổn định. Bên cạnh đó, giữa thực phẩm GAHP và thực phẩm thường chưa có sự phân biệt rõ ràng nên cũng gây khó cho người chăn nuôi.

PV: Ông đánh giá thế nàovề triển vọng chăn nuôi ATSHtrong tỉnh?

- L.T.N:

Từ khi triển khai thực hiện ATSH đến nay, có 718 hộ chăn nuôi theo hướng GAHP, chia thành 38 nhóm. Theo đánh giá của Ban quản lý DA, chưa xảy ra dịch bệnh đối với những hộ tham gia GAHP. Hay nói đúng hơn, trong năm 2013-2104, tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh giảm hơn trước.

Một số hộ lân cận 4 huyện vùng GAHP sau khi nhận thấy hiệu quả của DA đã tình nguyện tham gia học hỏi. Ban quản lý không chỉ tạo điều kiện về mặt kỹ thuật mà còn giới thiệu những hộ này đến học tập kinh nghiệm tại các hộ GAHP. Nhờ hiệu quả đem lại đã tạo niềm tin đối với người chăn nuôi. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này sang một số địa bàn khác.

PV: Xin ông cho biết, các phương án hỗ trợ người chăn nuôi theo hướng ATSH trong thời gian tới?

- L.T.N:

Hiện nay, DA đang trong giai đoạn gần kết thúc, có khả năng DA sẽ kéo dài thêm giai đoạn 2 (2016-2018), tiếp nối những hoạt động tương tự như ở giai đoạn 1 là hỗ trợ chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ lò mổ; hỗ trợ chợ.

Tuy nhiên, ở giai đoạn 2 này, vấn đề lò mổ và chợ không còn nhiều, chủ yếu tập trung cho GAHP. DA sẽ đi sâu hơn để các sản phẩm của GAHP được nhiều người biết đến, tạo điều kiện để những hộ này tiếp cận với các doanh nghiệp. Có thể những nhóm GAHP này sẽ liên kết thành các tổ hợp tác hoặc lớn hơn sẽ là các hợp tác xã. Khi nông dân liên kết lại thì sản xuất, tiêu thụ mới có hiệu quả.Như vậy, trong giai đoạn 2, DA sẽ ưu tiên cho xúc tiến thương mại, giới thiệu, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh công tác quảng bá. Qua đó, từng bước khắc phục khó khăn, giúp người chăn nuôi thay đổi hành vi, hướng tới sản xuất bền vững.

NGUYỆT NHI-PHẠM NGÂN

 

Chia sẻ bài viết