Tiếng Việt | English

04/05/2020 - 13:45

Vỡ mộng nghề ươm nuôi cá tra giống

Bài cuối: Bài học đã được báo trước

Có thời điểm nhà nhà, người người đua nhau đào ao ươm cá tra bột với ước mơ đổi đời. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, chính họ phải san lấp ao, quay về với cây lúa do bị thua lỗ nặng.

Khi người dân ồ ạt đào ao ươm cá, các cơ quan chức năng ra sức cảnh báo, thậm chí xử phạt các hành vi vi phạm, song không ngăn được “làn sóng” nuôi cá tra giống. Chỉ đến khi giá cá rớt thê thảm, các hộ nuôi thua lỗ nặng phải quay trở lại với cây lúa thì mới thấy được cái giá của việc phát triển tự phát, không theo quy hoạch.

Bỏ qua những khuyến cáo của các ngành chuyên môn, ông Đỗ Tương Liêm buộc lòng phải bán 2ha đất trồng lúa để bù cho khoản lỗ từ ươm nuôi cá tra giống

Bỏ qua những khuyến cáo của các ngành chuyên môn, ông Đỗ Tương Liêm buộc lòng phải bán 2ha đất trồng lúa để bù cho khoản lỗ từ ươm nuôi cá tra giống

Cảnh báo nguy cơ rủi ro ngay từ đầu

Thời điểm cá tra giống có giá, hàng loạt ao nuôi được đào lên, phá tan cánh đồng lúa, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã vào cuộc khuyến cáo, tuyên truyền đến người dân. Ngành nông nghiệp tỉnh Long An và chính quyền địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí tiến hành xử phạt về hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng người dân vẫn đào ao ươm cá. Ngày thường không làm được thì đến tối hay những ngày cuối tuần, những chiếc máy cobe làm việc hết công suất, băm nát những cánh đồng màu mỡ để phục vụ nhu cầu đào ao nuôi cá. Nhà nhà nuôi, người người nuôi như một phong trào nở rộ tại vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt, tại các khu vực thuận lợi về nguồn nước, giáp các tuyến kênh lớn, cứ 10 hộ thì có đến 7-8 hộ chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá.

Nghề ươm cá tra bột lên cá giống không phải là nghề truyền thống của tỉnh, tuy nhiên, từ cuối năm 2017, giá cá tra thương phẩm tăng mạnh khiến nguồn cung cá tra giống khan hiếm, giá cá cũng bị đẩy lên rất cao. Những hộ dân từ An Giang, Đồng Tháp thiếu ao nuôi tìm đến các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An thuê đất, đào ao ươm cá tra giống. Khi mới bắt đầu, lợi nhuận khổng lồ, có khi gấp vài chục lần so với trồng lúa khiến người dân trong vùng quyết “ăn theo” đua nhau đào ao. Không có quy hoạch, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên tỷ lệ thất bại cao, dịch bệnh trên cá ươm nuôi diễn ra như một điều tất yếu. Bên cạnh đó, do việc ồ ạt nuôi cá, hệ thống kênh, mương thủy lợi vốn lâu nay chỉ phục vụ cây lúa không đủ cung cấp nước cho việc ươm nuôi cá tra giống. Cá nhiễm bệnh, những hộ nuôi lại xả nước thẳng ra kênh để thay nước mới làm dịch bệnh trên cá lan nhanh, không kiểm soát được. Chưa kể đến nhu cầu cá bột tăng đột biến khiến lượng cá bột không đủ cung cấp cho các ao ươm, chất lượng kém. Có thời điểm, các hộ nuôi tại huyện Tân Thạnh chưa kịp vui mừng vì bước đầu nắm được kỹ thuật nuôi thì cá giống xuất bán bị thương lái ép giá thê thảm, thậm chí là lắc đầu bỏ đi do cá giống không đủ chất lượng, không kỳ, không ngạnh.

Bỏ qua những khuyến cáo, những ao ươm nuôi cá tra giống cứ thế được hình thành tại khắp các địa phương của vùng Đồng Tháp Mười với trên 3.500ha ao nuôi. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Hưng với 1.799,3ha và huyện Tân Thạnh với 1.338ha.

Nguyên nhân dẫn đến nông dân thua lỗ là do thiếu kiến thức, kỹ thuật ươm nuôi cá, chưa hiểu về mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống không bảo đảm, nuôi tự phát không theo quy hoạch với diện tích lớn khiến cung vượt cầu, giá cả không ổn định”.

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông

Thất bại được báo trước

2 năm sau ngày nở rộ phong trào ươm nuôi cá tra giống, giá cá “lao dốc không phanh”, hiện tại chỉ còn từ 18-20 ngàn/kg loại cá đạt chuẩn 30-40 con/kg. Giá cá xuống dốc đã đẩy hàng loạt hộ dân vào cảnh thua lỗ. Bởi theo tính toán, chưa kể chi phí làm ao nuôi thì mỗi kilôgam cá giống bán ra, người dân phải đầu tư trong đó khoảng 30 ngàn đồng.

Những người như anh Liêm, anh Minh, anh Bòn, anh Trầm, anh Công,… mới ngày nào còn hồ hởi, kỳ vọng vào con cá tra giống để đổi đời thì nay đều lắc đầu, “than vắn thở dài” với con cá tra. “Ngày đó, chính quyền cũng đến khuyên can nhưng tôi bất chấp để làm.Bây giờ hậu quả để lại quá lớn.Giá như…” - ông Đoàn Văn Công bỏ lửng câu nói rồi chạy đến thúc giục cobe tiếp tục việc san lấp ao nuôi để chuẩn bị trồng lúa.Còn anh Minh, nếu không vì ươm nuôi cá tra thì chắc có lẽ số tiền gia đình anh tiết kiệm sau nhiều năm trồng lúa dư để dựng lại ngôi nhà mới khang trang hơn, thay vì phải ôm số nợ tiền tỉ như hiện nay.

Bài học được các địa phương nhìn nhận sau thất bại từ nghề ươm cá tra giống chính là việc phát triển quá nhanh chóng, không theo quy hoạch cũng như khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nông dân thua lỗ là do thiếu kiến thức, kỹ thuật ươm nuôi cá, chưa hiểu về mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống không bảo đảm, nuôi tự phát không theo quy hoạch với diện tích lớn khiến cung vượt cầu, giá cả không ổn định. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, ngay từ thời điểm người dân đổ xô đào ao nuôi cá, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân thận trọng vì nuôi cá giống rủi ro cao, nguy cơ thất bại rất dễ xảy nhưng không được người nuôi thực hiện.

Hơn 3.500ha ươm nuôi cá tra tự phát của người dân vùng Đồng Tháp Mười dẫn đến hệ quả tất yếu của việc phá vỡ quy hoạch là nguồn cung vượt cầu, giá cá xuống dốc kéo theo sự thua lỗ của hàng loạt hộ dân. Mặc các nỗ lực khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn cũng như các cấp chính quyền, người dân vẫn ồ ạt ươm nuôi cá tra để rồi dẫn đến thất bại, dù thất bại này đã được báo trước. Đây không còn là bài học rút kinh nghiệm đơn thuần mà đã là bài học đắt giá phải trả bằng hàng trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỉ cho mỗi hộ dân.

Một số giải pháp được các địa phương nghĩ đến như việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hoặc chuyển từ ươm nuôi cá tra giống sang nuôi các loại cá khác như cá lóc, cá rô, cá trê,... Thậm chí là những giải pháp căn cơ hơn như rà soát quy hoạch lại vùng nuôi, kêu gọi các hộ liên kết trong sản xuất, hợp tác với doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm, tìm hiểu thị trường, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại Đồng Tháp Mười.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên Đồng Tháp Mười, bài học từ ươm nuôi cá tra giống

Mặc dù điều kiện tự nhiên, môi trường không phù hợp nhưng hơn 1 năm qua, tại một số khu vực trên địa bàn Đồng Tháp Mười (ĐTM), người dân tự “xé rào” nuôi tôm thẻ chân trắng. Dù mới khởi phát nuôi, nhiều hộ dân tại Mộc Hóa, Tân Hưng trúng lớn khi giá tôm thẻ tăng cao, có thể gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng đây chỉ là cái lợi trước mắt, về lâu dài, việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại ĐTM “lợi bất cập hại”. Nói vậy bởi con tôm thẻ chân trắng vốn sống trong môi trường nước có độ mặn nên mô hình "Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt" trên vùng đất ngọt hóa thực chất vẫn phải tạo độ mặn cho nước.

Với đặc tính của tôm sống ở vùng đáy, nên người dân chỉ cần làm mặn vùng đáy ao, vùng nước mặt vẫn ngọt hoàn toàn.“Sáng tạo” trong cách nghĩ, những hộ nuôi tôm thẻ lén lút khoan giếng nước ngầm để lấy nước mặn cho vùng đáy ao.Có trường hợp việc khoan giếng không đủ độ mặn, người dân thường thả muối hột xuống đáy ao, biến “nước ngọt thành nước mặn” để phù hợp với con tôm. Chỉ trong thời gian ngắn, riêng tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, có 21 giếng khoan trái phép được các hộ nuôi thực hiện phục vụ việc nuôi tôm.

Đáng chú ý, đa số ao nuôi tôm hình thành ở ĐTM đều tự phát do vùng này chỉ được quy hoạch phát triển thủy sản nước ngọt nên đa số các hộ không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra sông hoặc môi trường sống. Dù được cảnh báo nhưng riêng năm 2019, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại ĐTM từ con số 0 đã vọt lên với diện tích 48,6ha ao nuôi, và đến tháng 3/2020, số diện tích này tiếp tục tăng lên thành 57,2ha.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, việc người dân khoan giếng lấy nước mặn từ tầng ngầm để nuôi tôm tại vùng ngọt hóa ĐTM, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tầng nước ngọt, tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến lún đất, nhiễm mặn vùng ngọt hóa. Nguy hiểm hơn, việc tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ ngấm ngầm ảnh hưởng, tàn phá đến sinh kế của nhiều hộ dân vùng ĐTM.

Mấy tháng gần đây, giá tôm thẻ xuống thấp, nhiều hộ nuôi bắt đầu treo ao, nhưng việc tái nuôi trở lại khi con tôm có giá chắc chắn sẽ diễn ra. Tại các huyện vùng hạ như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ dù được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước sẵn có nhưng nhiều hộ nuôi tôm còn “chết lên, chết xuống”, huống hồ người dân mang con tôm thẻ chân trắng về vùng ngọt hóa để nuôi.

Bài học từ ươm nuôi cá tra giống vẫn còn chưa ráo mực!./.

Kiên Định - Văn Đát

Chia sẻ bài viết