Tiếng Việt | English

27/08/2019 - 13:50

Hành trình “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc”

Bài cuối: Màu xanh trên biển Trường Sa

10 ngày trên biển, được đặt chân lên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gặp gỡ những người lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 tuy không phải thời gian quá dài nhưng trong lòng chúng tôi - 20 thành viên của đoàn công tác tỉnh Long An mãi mãi là những kỷ niệm đẹp nhất của đời người để mỗi khi nhắc lại vẫn trào dâng một niềm cảm xúc thiêng liêng. Từ đây, trong trái tim của chúng tôi sẽ có hương vị mặn mòi của biển cả, của Trường Sa!

Để có được vườn rau xanh tốt, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt, từng bao đất

Để có được vườn rau xanh tốt, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt, từng bao đất

Trước đây, nguồn rau xanh phụ thuộc hoàn toàn từ đất liền, đến nay, tại các đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng như nhà giàn DK1, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) có thể tự túc rau xanh phục vụ trong các bữa cơm hàng ngày. Từ các đảo đá với cát trắng, san hô nay đã trở nên xanh tươi bởi những tán bàng vuông, phong ba và cả những vườn rau tươi tốt.

Có đảo là có rau xanh

Dù rằng giữa biển khơi mênh mông, thiếu nước ngọt nhưng tại tất cả các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đều có những luống rau xanh ngát với đủ loại. Từ mướp, rau muống, mồng tơi, rau cải đến các loại rau gia vị như hành, ngò, rau húng quế, tía tô đều xanh tốt dưới bàn tay chăm sóc của những người lính Trường Sa. Có đảo là có rau xanh.

Trong số 8 đảo và điểm đảo mà chúng tôi đặt chân đến, trừ 3 đảo nổi là Sinh Tồn Đông, An Bang và đảo Trường Sa thuận lợi cho việc trồng rau khi có nguồn đất, cát tự nhiên, còn lại tại 5 đảo chìm và nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên đất, phân bón đều được chắt chiu vận chuyển từ đất liền. Khi chúng tôi đặt chân đến điểm đảo Len Đao, ngoài những cảm xúc tự hào, khâm phục trước ý chí, nghị lực, quyết tâm của người chiến sĩ Hải quân, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi còn không khỏi bất ngờ bởi 2 vườn rau xanh tốt được những người chiến sĩ đảo vun xới từng ngày.

Chiến sĩ Huỳnh Tấn Tài, quê Quảng Ngãi, cho biết: “Với những người lính đảo chúng em, từng nắm đất, từng ca nước ngọt phải được tận dụng tối đa. Đất được bỏ gọn trong từng khay nhựa, thùng xốp để thuận tiện cho việc trồng rau, còn nước sinh hoạt hàng ngày cũng được tận dụng làm nước tưới rau để có nguồn rau xanh tự túc cung cấp cho đơn vị”.

Mặc dù giữa biển khơi, còn thiếu thốn đủ bề nhưng theo Đại úy Phan Chí Tài - Chỉ huy trưởng đảo Len Đao, năm 2018, sản lượng rau xanh do CBCS đảo tăng gia sản xuất đạt gần 1 tấn cùng với thịt, cá các loại góp phần làm phong phú thêm trong bữa ăn hàng ngày.

Còn Thượng úy Lê Văn Anh - Chính trị viên đảo Len Đao, cho biết, từ năm 1996, với những bao đất, phân hữu cơ và hạt giống gửi từ đất liền, những khay rau đầu tiên đã được trồng tại đảo. “Những vườn rau ấy được chúng tôi nâng niu chăm sóc như những đứa con tinh thần. Trồng rau ở đảo khác với đất liền, chúng tôi phải che gió, che nắng, che sương và che cả hơi mặn ngày đêm thổi từ biển cả mới có được thành quả là những khay rau tươi xanh” - Thượng úy Lê Văn Anh cho biết. Ngoài đảo Len Đao, tại các đảo chìm khác như Núi Le B, Tiên Nữ, Đá Lát, Thuyền Chài B đều dành một diện tích nhất định để tăng gia sản xuất.

Theo Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trước đây tại các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa hầu như chỉ có cát trắng và san hô. Qua hơn 40 năm, dưới công sức, mồ hôi của các thế hệ CBCS Hải quân, tại các đảo và điểm đảo hiện nay đều trở thành những đảo xanh tốt bởi các loại rau xanh, cây cảnh. Và công việc ấy đã được thực hiện ngay từ khi lực lượng Hải quân có mặt tại các đảo.

Bảo đảm nguồn rau xanh trong bữa cơm

Tại các đảo, điểm đảo và nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên mà chúng tôi ghé thăm trong chuyến công tác này, ngoài quà tặng, các nhu yếu phẩm cần thiết, đoàn công tác chúng tôi còn mang theo cả những bao đất, phân hữu cơ và một ít hạt giống để CBCS trên đảo trồng rau, tăng gia sản xuất.

Nếu như tại các đảo, điểm đảo, việc tăng gia sản xuất đã gặp nhiều khó khăn thì đối với các nhà giàn, điều này lại khó khăn gấp bội. Ở độ cao hơn 30m so với mặt nước biển, nằm trong vùng thường xuyên ảnh hưởng của bão, gió, thời tiết khắc nghiệt nhưng những khay rau xanh đủ các loại, kể cả những loại khó trồng như mướp hoặc các loại rau gia vị vẫn xanh tốt trên tầng cao nhất của nhà giàn. Theo Trung tá Nguyễn Xuân Hà - Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/15, nếu như trước đây, nguồn rau xanh hoàn toàn phụ thuộc vào các chuyến tàu từ đất liền gửi ra thì nay, việc trồng rau trên đảo từng bước bảo đảm nguồn rau xanh bổ sung vào bữa ăn hàng ngày. Chỉ tính riêng năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, công tác tăng gia sản xuất tại nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên đạt gần 1.300kg rau xanh, trên 2.000kg thịt, cá các loại cùng một số nhu yếu phẩm khác như nước mắm, đậu phụ, giá đỗ, thu lãi trên 25 triệu đồng đưa vào bữa ăn cho CBCS. Trung tá Nghiêm Xuân Thái - Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, khẳng định, đối với CBCS đang làm nhiệm vụ tại các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, trong bữa ăn hàng ngày, ngoài khẩu phần ăn theo quy định thì rau xanh là món không bao giờ thiếu.

Những vườn rau xanh giữa biển khơi mà chúng tôi được tận mắt thấy tại những nơi đến như khẳng định những nỗ lực của những chiến sĩ Hải quân luôn biết vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt để biến những bãi đá san hô nắng cháy, cát trắng thành những đảo tươi xanh. Và những vườn rau xanh ấy lại khiến tôi nhớ những hình ảnh trong bài thơ Làng đảo của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trong một lần đến thăm Trường Sa: “Trập trùng sóng, trập trùng mây/ Giữa bao la biển, ô hay, làng mình!/ Cũng vàng hoa mướp rung rinh/ Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà/ Mồng tơi ra với Trường Sa/ Lá xanh quấn quýt như là đợi em.../ Muốn xem ra đó mà xem/ Rau sam trên đá, rau dền trong khay/ Đất quê đóng gói về đây/ Lính gieo hạt xuống thành cây, thành làng/ Đảo xanh, biển bớt mênh mang/ Đá san hô thấm mấy tầng mồ hôi!...”.

Những câu chuyện về Trường Sa dù có kể đến hàng trăm lần cũng chẳng hết, nhưng với mỗi người trong đoàn công tác chúng tôi thì đó luôn là những kỷ niệm không thể quên trong suốt cuộc đời. Dù rằng trong chuyến công tác này, chưa thể đặt chân lên hết các đảo hay các nhà giàn nhưng những gì chúng tôi cảm nhận, nhận thức được từ chuyến công tác sẽ là những hành trang quý giá trong cuộc đời. Để chúng tôi biết và yêu thêm biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cảm phục những khó khăn, vất vả của những chiến sĩ Hải quân và tự hứa với lòng mình sẽ sống có trách nhiệm, xứng đáng với những gì lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì biển trời Tổ quốc./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết