Tiếng Việt | English

17/08/2020 - 12:33

Hy sinh giữa thời bình

Bài cuối: Nén nỗi đau chồng hy sinh, nuôi con thành đạt

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phòng, chống tội phạm ngày nay vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, những thanh niên nông thôn dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã dũng cảm hy sinh vì sự bình yên của nhân dân. Sự ra đi của các anh đã để lại mạch nguồn cảm xúc vô tận, khơi dậy lý tưởng sống cao đẹp trong lòng thế hệ mai sau.

Bà Nguyễn Thị Tám ngắm nhìn di ảnh về người chồng đã hy sinh

Bà Nguyễn Thị Tám ngắm nhìn di ảnh về người chồng đã hy sinh

17 năm trước, trong một lần truy bắt các đối tượng đánh bắt cá bằng phương tiện tận diệt là cào điện, Phó Trưởng Công an xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - Hà Văn Thành bị nhóm người quay lại tấn công gây tử vong. Mất chồng là trụ cột của gia đình nhưng người vợ đã mạnh mẽ vượt qua nhiều khó khăn, nuôi 2 người con trai học hành thành đạt; trong đó, hiện có 1 người con nối nghiệp cha làm công an với cấp hàm Trung úy.

Ngã xuống khi bắt cào điện

Xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng được biết đến là nơi nhiều kênh, rạch chằng chịt, đây cũng là vùng trũng của vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) nên vào mùa lũ thường bị ngập sớm nhất. Cách đây hơn 15 năm, cũng như nhiều nơi khác ở vùng ĐTM, tình trạng sử dụng xung điện, cào điện đánh bắt cá rất phổ biến, dù lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhiều vụ, các đối tượng đánh bắt cá bằng điện manh động chống trả lực lượng chức năng quyết liệt, có vụ còn sử dụng công cụ xung điện tấn công lại công an.

Dù biết nguy hiểm nhưng không vì thế mà bất lực nhìn cảnh hệ sinh thái phong phú, đa dạng của vùng ĐTM bị tận diệt. Với vai trò là Phó Trưởng Công an xã Vĩnh Bửu, anh Hà Văn Thành đã cùng các công an viên tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm. Nhiều đợt kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất cả đêm lẫn ngày đều có. Trong một lần trực tại cơ quan, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân trên một tuyến kênh của xã có nhiều đối tượng sử dụng xuồng gắn cào điện bắt cá nên anh Thành đã huy động lực lượng đến hiện trường.

Đến nơi, anh yêu cầu dừng phương tiện lại kiểm tra nhưng các đối tượng vẫn ngoan cố không chấp hành. Ngược lại, bọn chúng quay lại sử dụng cào điện tấn công làm anh rơi khỏi xuồng. Các đối tượng vẫn không dừng lại mà điều khiển xuồng đâm thẳng vào, anh Thành bị chân vịt chém trúng và tử vong sau đó, khi hơn 40 tuổi. Anh Thành hy sinh để lại người vợ và 2 đứa con, đứa lớn 18 tuổi, đứa nhỏ 11 tuổi ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Vào những ngày tháng 7/2020, khi cả nước có nhiều hoạt động tri ân các thương binh, liệt sĩ, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Tám (vợ liệt sĩ Thành) ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu về cuộc sống của gia đình. Trải lòng mình, người vợ liệt sĩ kể rất nhiều câu chuyện sau cái ngày định mệnh chồng hy sinh năm ấy, cuộc sống gia đình trở nên khổ cực. Một mình bà đã làm lụng vất vả nuôi 2 đứa con trai ăn học, thời điểm đó đứa lớn chuẩn bị bước vào đại học. Thể trạng sức khỏe không tốt nên có những lúc tưởng như gục ngã nhưng cứ suy nghĩ đến 2 đứa con thì người phụ nữ này lại gượng dậy. 3 năm sau, Nhà nước công nhận anh Thành là liệt sĩ, cũng phần nào an ủi cho sự mất mát của gia đình.

Khoản tiền làm nông có được và số tiền trợ cấp liệt sĩ không thấm vào đâu khi các con đang lúc ăn học, hơn nữa thời điểm đó, gia đình còn nợ ngân hàng một khoản tiền khá lớn. Vậy là, gia đình có 3ha đất lúa nhưng phải bán đi một nửa để nuôi 2 con ăn học và trả nợ ngân hàng. Ngoài làm ruộng, để có tiền nuôi 2 con ăn học, người vợ liệt sĩ vẫn tranh thủ đi làm thuê, làm mướn, nhiều lúc đến tối mịt mới về. Mái nhà tạm bợ, thường bị dột mỗi khi mùa mưa đến sau đó cũng được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ xây tặng một căn nhà tình nghĩa, giúp gia đình đỡ vất vả hơn.

Ở vậy nuôi con, thờ chồng

Người con trai lớn bước vào đại học nhưng biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ vất vả nên cũng bươn chải làm thêm ngoài giờ để có chi phí trang trải học tập. Điều bất ngờ là chàng trai trẻ đã nỗ lực học tập và nhận được 2 bằng đại học. Sau đó, được nhận vào làm việc cho một công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin với thu nhập ổn định. Riêng người con út Hà Thanh Trung, sau khi tốt nghiệp THPT đã vào ngành công an.

“Khi ngồi trên ghế nhà trường THPT, tôi đã mong muốn sau này sẽ được nối nghiệp ba làm người chiến sĩ công an. Tuy nhiên, trước khi bày tỏ nguyện vọng vào ngành, mẹ không đồng ý vì sợ công việc này nguy hiểm, một phần nỗi đau ba hy sinh vẫn âm ỉ. Tuy nhiên, sau khi tôi thuyết phục, mẹ cũng vui vẻ đồng ý” - Trung thổ lộ.

Năm 2012, Trung đi nghĩa vụ, sau đó nỗ lực học tập và trúng tuyển vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân. Sau khi ra trường, Trung được bố trí về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Long An. Năm 2018, Trung được điều động về xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng, mang cấp hàm Trung úy.

“Tôi rất tự hào được tiếp nối công việc của cha mình bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Thời gian qua, ngoài phòng, chống tội phạm, tôi cùng các lực lượng còn tích cực tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngăn chặn các đối tượng xâm nhập trái phép qua biên giới. Dù khó khăn, vất vả thế nào đi nữa, tôi cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người chiến sĩ Công an nhân dân” - Trung quyết tâm.

Giờ đây, bà Tám đã 58 tuổi. Vì sức khỏe yếu nên gần 2ha đất còn lại của bà cho người khác thuê sản xuất. Nghĩ lại thời gian khó sau khi chồng mất, bà kể, nhiều người khuyên đi bước nữa nhưng bà nhất quyết ở vậy nuôi con, thờ chồng đến giờ. Sau bao năm vất vả, hiện các con đã khôn lớn, công việc làm ổn định, đứa lớn lập gia đình, có con trai 4 tuổi, vẫn thường xuyên về chơi.

Chia sẻ với chúng tôi, người vợ liệt sĩ bảo: “Dù cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vui vì đã lo cho các con cái chữ, cái nghề. Thấy các con luôn đối xử tốt với mẹ, tôi cảm thấy được sưởi ấm sau những năm dài mất mát”. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người vợ liệt sĩ vẫn hay nói: “Trong hoàn cảnh chồng hy sinh, bao nhiêu vất vả, khó nhọc, tôi nhận về mình để giữ cho mái ấm gia đình không sụp xuống, 2 con được đi học, lên giảng đường. Đó là trách nhiệm của một người vợ, người mẹ khi gia đình
gặp biến cố”.

Dù bà luôn nói “chăm lo cho các con được học hành nên người là chuyện thường tình”, nhưng với các con của bà thì coi đó là đức hy sinh, tảo tần, tấm gương đầy nghị lực vượt lên sóng gió để gồng gánh cả gia đình, giúp mái ấm ấy vẫn đứng vững trong giông tố cuộc đời”.

"Tôi rất tự hào được tiếp nối công việc của cha mình bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Thời gian qua, ngoài phòng, chống tội phạm, tôi và các lực lượng còn tích cực tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ngăn chặn các đối tượng xâm nhập trái phép qua biên giới. Dù khó khăn, vất vả thế nào đi nữa, tôi cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người chiến sĩ Công an nhân dân”./.

Trung úy Hà Thanh Trung - con trai liệt sĩ Hà Văn Thành

Lê Đức

Chia sẻ bài viết