Tiếng Việt | English

22/07/2020 - 07:50

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Bài cuối: Nhiều lợi ích khi học nghề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đòi hỏi xã hội phải có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước về kiến thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có tay nghề cao ở Long An vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh.

Lựa chọn học nghề, người học được rút ngắn thời gian học tập, đóng học phí thấp, thực hành nhiều,... và đặc biệt là có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. 

Học sinh được tư vấn về các lợi ích của học nghề

Học sinh được tư vấn về các lợi ích của học nghề

Nhiều chính sách ưu đãi học nghề

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu, cụm công nghiệp, nhất là những DN có vốn đầu tư nước ngoài nên nhu cầu sử dụng lao động lớn, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề. Đây còn là yêu cầu tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xác định được vấn đề này, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đồng thời thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho học sinh học nghề như: Miễn 100% học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học trình độ trung cấp; được hưởng chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất ưu đãi; người học nghề là hộ nghèo, cận nghèo hoặc người khuyết tật có hộ khẩu thường trú thuộc các xã 135 của tỉnh còn được hưởng chính sách học bổng nội trú, với mức học bổng nội trú trên 10 triệu đồng/năm; được cấp tiền ở ký túc xá, mỗi tháng 80.000 đồng/người”.

Với những chính sách ưu đãi trên, người học nghề giảm được gánh nặng kinh tế trong suốt quá trình học. Trong khi đó, lựa chọn học tiếp lên THPT rồi đại học, học sinh, sinh viên phải tốn chi phí lớn cho học tập nhưng lại khó tìm việc làm ổn định, đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, với học sinh có học lực trung bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lựa chọn học nghề là con đường phù hợp. Em Trần Thị Kim Chi, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, sau khi tốt nghiệp THCS thì mạnh dạn tham gia học nghề Thú y (trình độ trung cấp) tại Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên Chi được miễn 100% học phí trong suốt quá trình học và hỗ trợ gần 18 triệu đồng theo chính sách nội trú ưu đãi cho học sinh học nghề thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Chi trải lòng: “Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên em chọn học nghề để mau ra trường, có việc làm phụ giúp cha mẹ. Nếu không có chính sách ưu đãi từ học nghề, chắc chắn cuộc đời em đã rẽ ngang hướng đi khác, không có điều kiện chăm lo cho gia đình”.

Đường ngắn, tương lai rộng

Khi đăng ký tham gia học nghề, người đăng ký được tư vấn ít nhất 3 lần từ khi nhận hồ sơ đến nộp hồ sơ học nghề. Nội dung tư vấn gồm: Có thể vừa học nghề, vừa học văn hóa để sau này liên thông lên cao đẳng và đại học nếu muốn đối với học sinh tốt nghiệp THCS; có thể vừa học nghề, vừa học ngoại ngữ để tham gia đi làm việc ở nước ngoài; những ngành nghề thị trường cần; các chế độ, chính sách trong học nghề; điều kiện việc làm;... Với sự tư vấn tỉ mỉ, người học sẽ tìm được ngành nghề học phù hợp sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình, giúp người học không bỏ học giữa chừng hoặc khó tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nguyễn Minh Thắng, ngụ xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THCS, em nghỉ học ở nhà phụ gia đình làm ruộng. Gần đây, em được bạn rủ học nghề nên làm hồ sơ nộp thử. Khi đến Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười, em được thầy cô định hướng nghề nghiệp và cho thời gian về nhà suy nghĩ trước khi đăng ký học. Sau khi suy nghĩ kỹ, em quyết định vừa học văn hóa, vừa học nghề Cắt gọt kim loại để sau này dễ tìm việc làm và liên thông cao đẳng, đại học”.

So với những năm trước, năm 2020, Trường Cao đẳng Long An thực hiện đào tạo thí điểm mô hình 9+. Theo mô hình này, người học tốt nghiệp THCS có thể vừa được học nghề, vừa được học văn hóa THPT rút gọn, sau đó có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, đại học, góp phần rút ngắn thời gian học và tiết kiệm chi phí học tập. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng cho biết: “Đào tạo theo mô hình 9+ không những tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người học mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, vì bản chất của việc đào tạo theo mô hình này được gắn chặt với DN, nhu cầu sử dụng lao động của các DN và thị trường lao động. Nhờ vậy, người học sẽ có kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn, khả năng thích ứng với công việc tại các vị trí việc làm, nên chắc chắn rằng sẽ không rơi vào trường hợp thất nghiệp”.

Học sinh học nghề được đăng ký ở ký túc xá với 80.000 đồng/tháng

Học sinh học nghề được đăng ký ở ký túc xá với 80.000 đồng/tháng 

Ngoài ra, điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề của Trường Cao đẳng Long An là cam kết giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tại các DN, trong đó bảo đảm trên 98% học sinh, sinh viên có việc làm ổn định.

Năm 2005, anh Nguyễn Văn Tú (Giám đốc Nhà máy Bảo trì Công ty Kamaz Việt Nam, TP.HCM) học nghề Công nghệ ôtô tại Trường Cao đẳng Nghề Long An (nay là Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính). Năm 2007, anh Tú tốt nghiệp trung cấp và được một công ty ở TP.HCM nhận vào làm việc. Trong quá trình làm việc, anh Tú học liên thông lên đại học. Năm 2018, anh Tú được thăng tiến lên Giám đốc Nhà máy bảo trì Công ty Kamaz Việt Nam, với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng.

Học nghề để rút ngắn thời gian học, tiết kiệm chi phí, nhất là có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đang dần là một hướng đi được nhiều học sinh và phụ huynh lựa chọn. Đây được xem là “chìa khóa” nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

Ngọc Sương - Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích