Tiếng Việt | English

27/08/2015 - 15:09

Bài học về chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám và sự vận dụng trong xây dựng, phát triển đất nước

Các thế lực thù địch, phản động lập luận cho rằng, Cách mạng tháng 8 năm 1945 là một cuộc cách mạng “ăn may”, do diễn ra đúng vào thời điểm có một khoảng trống quyền lực ở Đông Dương nói chung và ở nước ta nói riêng. Xét lại toàn bộ tiến trình lịch sử, chúng ta có đầy đủ cơ sở khẳng định rằng, để có được thành công của Cách mạng tháng 8 năm 1945, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị chu đáo, với các bước tập dượt quan trọng và nhiều lần chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Yếu tố quyết định ở đây chính là sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã biết tạo ra thời cơ và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật nắm và giành thời cơ; kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan thuận lợi để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.

Để chớp được thời cơ trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã có một quá trình chuẩn bị về mọi mặt và dự đoán thời cơ rất khoa học. Ngay trong Hội nghị Trung ương lần thứ 8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại Pắc Pó, Cao Bằng, nghị quyết đã dự báo một cách chính xác cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và hệ lụy của nó: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó cách mạng nhiều nước sẽ thành công…”.

Ngay trong đêm Nhật - Pháp bắn nhau, ngày 12-3-1945, Hội nghị Thường vụ mở rộng đề ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trong bản Chỉ thị đó đã dự báo thời cơ của nhân dân ta vùng dậy đấu tranh, đó là: “Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật và Nhật đầu hàng quân Đồng minh”. Đúng như dự báo, sau khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt một triệu quân Quan đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc và Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn nhất của Nhật, giữa trưa ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh.Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng mà Đảng ta đã dự báo.

Như đã nói, thời cơ chỉ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Trong cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, thời cơ chỉ xuất hiện trong vòng 24 giờ. Còn trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, thời cơ chỉ tồn tại trong vòng 20 ngày, từ khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh (15-8-1945), đến khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật (05-9-1945). Nếu đứng lên giành chính quyền trước ngày 15-8-1945 hay sau ngày 5-9-1945 thì khả năng giành thắng lợi là rất ít.

Vì, trước ngày 15-8, quân Nhật còn rất mạnh, ý chí chiến đấu chưa bị đè bẹp. Còn sau ngày 5-9, khi đó trên đất nước ta sẽ xuất hiện rất nhiều lực lượng bất lợi cho cách mạng như: Quân Tưởng ở miền Bắc, quân Anh ở miền Nam và nhiều lực lượng phản động khác. Chính vì thế, muốn giành thắng lợi chỉ có thể phát động Tổng khởi nghĩa trong khoảng thời gian từ ngày 15-8-1945 đến trước ngày 05-9-1945. Mặt khác, ta nhất định phải giành thắng lợi trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật để khi đó, ta với tư cách là nước chủ nhà đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, khẳng định với các nước trên thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giành được chính quyền từ tay Nhật; khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02-9-1945).

Vận dụng bài học chớp thời cơ trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay

Công cuộc đổi mới ở nước ta từ năm 1986 đến nay được triển khai trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Những thời cơ, thuận lợi lớn đã được Đảng và nhân dân nhận thức đầy đủ, kịp thời. Đó là: Hoà bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu của thế giới ngày nay; cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hoá đang tạo điều kiện chưa từng có cho các quốc gia xích lại gần nhau, tăng cường hội nhập, phát huy lợi thế; xu hướng dân chủ hoá đời sống xã hội, đời sống quốc tế đang tạo hành lang rộng mở cho các chủ thể, các quốc gia khẳng định vai trò, vị trí của mình…

Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ đang cản trở con đường phát triển của các quốc gia dân tộc: An ninh thế giới bị đe doạ nghiêm trọng bởi các nhân tố truyền thống và phi truyền thống (bạo loạn, xung đột, khủng bố, chiến tranh, tội phạm tài chính - tiền tệ, tội phạm công nghệ cao, thảm hoạ môi trường…); các thế lực phản động tăng cường chiến lược diễn biến hoà bình chống phá chủ nghĩa xã hội và nhiều chính sách khác cản trở độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới…

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc, đầy đủ về thời cơ và nguy cơ, Đảng, Nhà nước đã chủ động xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả; tranh thủ tốt các thời cơ, thuận lợi và ứng phó phù hợp trước các nguy cơ, thách thức, biến nguy cơ thành thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Cụ thể: Chủ trương hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế; với các chính sách mở rộng giao lưu hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài; vừa tận dụng ngoại lực, vừa phát huy nội lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; hay gần đây nhất là việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình đã được dư luận quốc tế đánh giá cao… góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo. Trong từng thành tựu của công cuộc đổi mới và trong mỗi bước phát triển của đất nước hôm nay đều khởi nguồn từ những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ các thời kỳ cách mạng trước đây. Trong đó, bài học kinh nghiệm nắm bắt và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời đại sâu sắc./.

Trương Thị Thanh Thủy
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An

Chia sẻ bài viết