Tiếng Việt | English

23/09/2015 - 11:53

Ban Bí thư Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về kinh tế tập thể

Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về kinh tế tập thể (KTTT). Tại cầu truyền hình trực tuyến Tỉnh ủy Long An, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Nguyên cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tham dự.

Hội nghị được nghe Trung ương đánh giá tình hình thực hiện Kết luận 56-KL/TW, ngày 21-2-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm thúc đẩy KTTT phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX và Kết luận 56 của Bộ Chính trị đến nay, hệ thống Liên minh hợp tác xã (HTX) từng bước được củng cố, đổi mới tổ chức hoạt động, bảo đảm thực hiện chức năng là tổ chức đại diện của HTX và các nhiệm vụ được quy định tại Luật HTX 2012.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2014, cả nước có 18.837 HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp 10.446 HTX, thương mại - dịch vụ 1.411 HTX, giao thông - vận tải 1.052 HTX, xây dựng 948 HTX, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 2.450 HTX, quỹ tín dụng nhân dân 1.146 HTX, điện - nước 513 HTX, môi trường 300 HTX, các lĩnh vực khác 578 HTX.

Long An hiện có 113 HTX, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 67, thương mại - dịch vụ 1, giao thông - vận tải 17, xây dựng 2, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp 4, tín dụng nhân dân 19.

Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động đoàn viên, hội viên tham gia KTTT, thành lập các tổ hợp tác (THT), cả nước hiện có gần 143.000 tổ hợp tác với 1,5 triệu thành viên, các THT được hình thành theo nhóm sản xuất ngành nghề, tổ tiết kiệm, tổ khuyến nông, khuyến ngư, tổ đoàn kết bám biển,… các THT được thành lập và hoạt động xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của các thành viên.

THT đã khắc phục được một số hạn chế, yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, giảm bớt rủi ro, tăng sức cạnh tranh, góp phần nâng cao năng lực kinh tế hộ, giúp các thành viên sử dụng hiệu quả hơn về đất đai, vật tư, tiền vốn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân.

Hội nghị đã thảo luận, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển KTTT và hoạt động của HTX như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, một số địa phương chậm xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; năng lực quản lý nhà nước về KTTT; chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa đủ mạnh, hiệu quả thấp; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trong phát triển KTTT chưa thường xuyên, kịp thời, thiếu chế tài xử lý các trường hợp vi phạm; KTTT phát triển chậm và còn yếu kém; phần lớn các HTX chuyển đổi theo quy định của Luật HTX 2012 chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc HTX./.

TH

Chia sẻ bài viết