Tiếng Việt | English

14/04/2017 - 13:52

Băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể sẽ thất bại nếu không chọn lọc được những ngành nghề nào xã hội đang cần để giảng dạy.

Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh trước khi thực hiện chính thức.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (đặc biệt là là ở cấp THPT). Ngay từ lớp 10, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp.

Hình ảnh mô tả thời gian học tập các môn trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Đóng góp cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT WellSpring, Hà Nội cho biết, việc định hướng nghề nghiệp hiện nay ở cấp THPT chưa rõ ràng, phần lớn là theo sự ép buộc của gia đình và ý thức chủ quan của học sinh. Việc định hướng nghề nghiệp chưa tính đến năng lực thực sự của học sinh và nhu cầu của xã hội trong 5 năm sau. Các trường chưa có nhiều thông tin về thị trường lao động đang cần những ngành nghề nào.

Theo ông Đặng Đình Đại, nếu không thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trên toàn quốc và chọn lọc được những ngành nghề nào xã hội đang cần để giảng dạy thì có thể chương trình sẽ thất bại.

Trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ngoài những môn học bắt buộc (trong đó có tiếng Anh) thì ngay từ lớp 10, học sinh có thể chọn Ngoại ngữ 2 là môn tự chọn. Tuy nhiên, hiện nay, các trường THPT chưa đáp ứng được việc giảng dạy nhiều ngoại ngữ. Khó khăn là nhiều trường chưa có đủ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường học.

Thực tế là ở một số trường THPT có dạy thêm ngoại ngữ 2, học sinh lựa chọn rất ít. Vì vậy, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thổng thể mới, các trường phải có sự rà soát, thống kê xem ngoại ngữ 2 nào được học sinh lựa chọn nhiều để sắp xếp giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất tương ứng.

Một điểm đáng lưu ý mà Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra là khi học sinh lớp 11 và 12 có thể tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn đã được đưa ra trong Dự thảo phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Đóng góp vào điểm mới này, ông Đặng Đình Đại cho biết, để thực hiện được việc cho học sinh tự chọn môn học thì các trường THPT cũng sẽ có những khó khăn nhất định vì phải lo sắp xếp lại giáo viên giảng dạy phù hợp với những môn học lựa chọn trong khi cơ sở vật chất chưa kịp đổi mới. Bất cập có thể xảy ra khi các trường THPT thực hiện cải cách giáo dục năm 2006 giảng dạy phân ban.

Chân dung học sinh tương lai được giới thiệu trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Không nên đưa ngoại ngữ 2 là môn tự chọn ở cấp THCS

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đề cập việc dạy ngoại ngữ 2 như là môn tự chọn bắt đầu từ cấp THCS. Tuy nhiên, vấn đề này đang là sự bất cập đối với các trường THCS.

Trường THCS Lê Quý Đôn là một trong những trường được phép dạy 2 ngoại ngữ. Qua quá trình thực hiện, cô Hồng Hạnh cho biết, hầu hết học sinh chỉ học được 1 ngoại ngữ. Còn chất lượng học tập ngoại ngữ 2 của các em đa phần là không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều em đăng ký chỉ với hình thức đối phó như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nên thực sự là sự lãng phí tiền bạc, công sức và thời gian.

Kế hoạch giáo dục và định hướng nghề nghiệp trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Cô Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên dạy tiếng Anh, trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội, hiện nay, ở các trường THCS, tiếng Anh vẫn là môn học bắt buộc. Còn dạy thêm ngoại ngữ hai là môn tự chọn chỉ diễn ra ở một số trường THCS.

Tuy nhiên, để học sinh thực sự chọn ngoại ngữ 2 theo đúng sở thích, năng lực của các em chưa được phổ biến mà việc lựa chọn này chủ yếu do nhà trường hay phụ huynh lựa chọn cho con em mình.

Đóng góp cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cô Hồng Hạnh nêu ý kiến, ở cấp Tiểu học và THCS chỉ nên cho học sinh học một ngoại ngữ bắt buộc, chứ không nên đưa thêm ngoại ngữ 2 là môn tự chọn vì ở những cấp học này, học sinh phải học các môn học khác khá nhiều. Việc dạy 2 ngoại ngữ cùng lúc bắt đầu từ cấp THCS có thể khiến áp lực học hành đối với học sinh nặng nề hơn.

Việc giảng dạy ngoại ngữ 2 như là môn tự chọn phải dựa trên sở thích thực sự của học sinh, đúng nghĩa với sự tự chọn và có định hướng nghề nghiệp cho các em./. 

Bích Lan/VOV.VN

Chia sẻ bài viết