Tiếng Việt | English

16/08/2016 - 15:00

Bâng khuâng tháng bảy

Chúng ta vừa trải qua tháng Bảy dương lịch - tháng tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ vì nước quên thân và tháng “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước. Rồi bước vào tháng Bảy âm lịch này, ta nhớ huyền tích Phật giáo: Đức Mục kiền liên đắc Lục thông nhưng phải hết sức khó khăn mới vượt qua từng cửa ngục mà tìm vong hồn của mẹ bị đọa đày vô cùng đau khổ để tìm đường giải thoát,... Từ đó, ra đời lễ Vu Lan báo hiếu trong đạo Phật nhằm nhắc nhở con cháu phải biết báo hiếu người có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta.

Tháng Bảy này còn là tháng người sống tưởng nhớ các vong hồn người chết không nơi nương tựa, vất vưởng bụi bờ, nhưng cũng là tháng gợi nhớ duyên tình trắc trở của Ngưu Lang và Chức Nữ: Chàng Ngưu được ả Chức là tiên nữ của nhà trời đem lòng yêu và muốn lấy làm chồng nhưng bị Tây Vương Mẫu của nhà trời khắt khe cản trở, bắt nàng phải ở bên này, chàng phải ở bên kia dải Ngân hà rộng dài dằng dặc. Mỗi năm chỉ đến ngày bảy tháng Bảy mới cho chim Ô Thước bắc cầu để đôi vợ chồng ấy đến với nhau một lần rồi chia tay. Khi đó, trời thường có mưa ngâu, đó chính là nước mắt chàng Ngưu, ả Chức nhỏ xuống sông Ngân trong giây phút chia tay để rồi phải đợi tháng Bảy năm sau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tháng Bảy, ta dễ liên tưởng đến áng Văn tế thập loại chúng sinh của Đại văn hào Nguyễn Du: “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt/Toát hơi may lạnh buốt xương khô/Não người thay buổi chiều thu/Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng/Đường bạch dương bóng chiều man mác/Ngọn đường lê lác đác sương sa/Lòng nào là chẳng thiết tha/Còn dương còn thế nữa là cõi âm”...

Trong “văn tế”, Nguyễn Du cũng dành cho “chiến sĩ trận vong” những câu thơ da diết tình người: “Khi thất thế tên rơi đạn lạc/ Bi sa trường thịt nát máu rơi/Bơ vơ góc bể chân trời/Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao”. Với ý nghĩa nhân văn cao cả đó mà ngày nay, Nhà nước ta tiếp tục tìm kiếm từ núi rừng, đồng bằng đến biển, đảo xem nơi nào còn có “rải rác biên cương mồ viễn xứ” (Tây tiến - Quang Dũng) để bốc hài cốt đem về cải táng tại các nghĩa trang liệt sĩ cho “lá rụng về cội” Tổ quốc thiêng liêng,...

Nhà văn hóa Hữu Ngọc viết “Chiêu hồn tháng Bảy - Nguyễn Du và cô hồn Mỹ trên đất Việt” rằng: Cứ cách vài năm, Bác sĩ tâm thần Mỹ Edward Tick lại dẫn một đoàn hơn chục cựu binh Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam sang nước ta vài tháng để chữa bệnh tâm thần. Họ mất thăng bằng tâm lý, bị day dứt bởi đã tham gia gây tội ác với dân thường. Cách chữa bệnh là để họ tham gia sinh hoạt với nhân dân ta, để họ thấy đất nước này hồi sinh, nhân dân ta tha thứ cho họ vì họ cũng là nạn nhân cuộc chiến.

Hữu Ngọc cho biết, Bác sĩ Tick mời ông thuyết trình cho các cựu binh Mỹ hiểu về văn hóa Việt Nam, và ông đã nói sâu về số binh sĩ Mỹ mất tích ở Việt Nam. Ông kể, bạn Mỹ của ông là bà Christine White - Giáo sư Đại học Hawaii, rất xúc động khi được đọc Văn chiêu hồn của Nguyễn Du (bản dịch tiếng Anh). Bà nói: “Tôi mong thi phẩm viết cách đây trên 200 năm ấy có thể giúp người Mỹ hiểu chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam”.

Bà tiến sĩ Mỹ này còn thú nhận là chưa hề tin có ma. Rồi tới khi bà quen một số cựu binh Mỹ bị ám ảnh bởi chiến tranh. Có người từ nhiều năm nay không một đêm yên ngủ do cứ bị những giấc mơ khủng khiếp quấy rối. Trong một phim tài liệu Anh về Mỹ Lai, người ta phỏng vấn một cựu binh Mỹ từng bắn vào phụ nữ và trẻ em. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong phòng có ảnh con trai nhỏ của anh ta. Một hôm, kính khung ảnh tự nhiên nứt ra. Sau đó, đứa trẻ bị chết vì một tai nạn. Anh ta định tự sát nhưng không chết. Anh ta rút ra kết luận là buộc mình phải sống trong khổ đau để nhớ đến Mỹ Lai.

Một trường hợp nữa là, một cựu binh Mỹ tự sát đầu tiên do bị ám ảnh bởi đã giết một bé gái Việt Nam khi bé cầm trên tay cái giỏ mà y nghi là có giấu trái lựu đạn. Khi bé ngã xuống, y lạnh lùng đến mở giỏ xem thì đó không phải là lựu đạn mà là một con búp bê mà bé đang chơi!

Học giả Hữu Ngọc còn kể: Tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật là Đàn hắc Miến Điện được quay thành phim về câu chuyện một lính Nhật trá hình dưới lốt nhà sư Miến Điện để ở lại trên đất nước này sau khi chiến tranh kết thúc, chỉ nhằm một việc là chôn cất số lính Nhật chết trận và lo khói hương cho họ ở nơi đất khách quê người này mà thôi. Xem thế để thấy sức mạnh của tín ngưỡng tâm linh là dường nào.

Tháng Bảy, ai cài bông hồng hồng và ai cài bông hồng trắng lên ngực áo, ai còn mẹ và ai mất mẹ. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” và “Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không” (ghi theo các tấm thư pháp thường treo ở nhiều gia đình).

Chúng ta có tháng Bảy - dương hay âm - đều mang ý nghĩa thiêng liêng như thế!./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết