Tiếng Việt | English

24/10/2018 - 11:19

Bảo đảm an toàn điện mùa mưa, bão

Ngành điện phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn điện (ATĐ) mùa mưa, bão nhằm phòng, tránh tai nạn điện, hạn chế sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Không chủ quan, lơ là

Vào mùa mưa, bão, việc sử dụng điện (SDĐ) an toàn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Để bảo đảm cung cấp đầy đủ điện sinh hoạt và sản xuất cho người dân, doanh nghiệp và hạn chế tai nạn về điện, ngành điện phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn SDĐ an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và triển khai nhiều giải pháp, yêu cầu tất cả điện lực trực thuộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành, bảo trì và sửa chữa hệ thống lưới điện trong phạm vi đơn vị quản lý.

Điện lực tiến hành kiểm tra, sửa chữa để phòng, tránh tai nạn điện mùa mưa, bão

Điện lực tiến hành kiểm tra, sửa chữa để phòng, tránh tai nạn điện mùa mưa, bão

“Chúng tôi được nhân viên ngành điện hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Vào đầu mùa mưa, ngành điện phối hợp địa phương kiểm tra đường dây sau điện kế, thay thế các thiết bị điện hư hỏng,... Khi nhận được tin báo có sự cố đổ, ngã trụ điện, nhân viên điện lực kịp thời đến khắc phục” - ông Lê Minh Tuấn, ngụ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, chia sẻ.

Giám đốc Điện lực Mộc Hóa - Lê Tấn Quốc cho biết: “Chúng tôi tuân thủ nghiêm quy trình quản lý, vận hành hệ thống lưới điện và yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Điện lực phối hợp các hội, đoàn thể địa phương tuyên truyền về SDĐ an toàn; phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường tuyên truyền về SDĐ an toàn, tiết kiệm tại các trường học. Trước khi lũ về, điện lực tổ chức kiểm tra toàn bộ, khắc phục các khiếm khuyết lưới điện có khả năng gây mất an toàn: Gia cố móng, chỉnh lại 8/8 vị trí trụ bị nghiêng; thay 28/28 bộ chằng bị mục; chặt tỉa cây xanh trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố; gia cố 21 trường hợp mái nhà tole/biển quảng cáo không chắc chắn gần lưới điện; tổ chức làm việc với 7 doanh nghiệp có xáng cạp, xe xúc thi công gần lưới điện để cảnh báo vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây sự cố; nâng cao 33 vị trí thùng điện kế có nguy cơ bị ngập nước. Trong mùa lũ, chúng tôi kiểm tra định kỳ, đột xuất lưới điện tại các khu vực có xảy ra giông lốc hoặc khi có thông tin dự báo có bão xuất hiện tại các vị trí xung yếu: 4 vị trí trụ vượt sông Vàm Cỏ Tây, các khu vực thường xuyên ngập nước như trục chính tuyến 477 Mộc Hóa và các khu vực tập trung đông người, phương tiện qua lại,... kịp thời phát hiện và khắc phục các trường hợp không bảo đảm vận hành. Bên cạnh đó, điện lực kiểm tra đường dây sau điện kế của khách hàng đầu tư và chịu trách nhiệm tự quản lý vận hành, qua đó, lập biên bản, hướng dẫn khắc phục 225 trường hợp không bảo đảm an toàn. Những tháng còn lại của năm 2018, điện lực tiếp tục duy trì các giải pháp và tăng cường kiểm tra hệ thống lưới điện nhằm bảo đảm ATĐ. Hiện Điện lực Mộc Hóa quản lý vận hành hơn 344km đường dây trung thế, trên 325km đường dây hạ thế; 547 trạm biến áp, tổng công suất 43.755,0kVA; cấp điện cho 20.000 khách hàng trên địa bàn thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa. Hiện nay, tỷ lệ hộ có điện đối với huyện Mộc Hóa hơn 98% và thị xã Kiến Tường hơn 99%”.

Từ đầu năm đến nay, hơn 60.000 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn về sử dụng điện an toàn được ngành điện phát đến tận tay người dân

Từ đầu năm đến nay, hơn 60.000 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn về sử dụng điện an toàn được ngành điện phát đến tận tay người dân

Tại huyện Vĩnh Hưng, công tác bảo đảm ATĐ trong mùa mưa, bão được ngành điện thực hiện nghiêm túc.Điện lực triển khai các nhiệm vụ chuyên môn và phối hợp địa phương tuyên truyền đến khách hàng SDĐ an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.

Tăng cường các giải pháp an toàn

Theo Phó Giám đốc phụ trách Điện lực Vĩnh Hưng - Ngô Hữu Lợi, hàng tuần, theo kế hoạch, mùa mưa, bão, điện lực tăng cường kiểm tra hệ thống lưới điện nhằm xử lý kịp thời các khiếm khuyết trên đường dây; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng SDĐ an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân viên điện lực luôn kịp thời khắc phục, xử lý khi sự cố xảy ra. Hiện Điện lực Vĩnh Hưng đang quản lý hơn 200km đường dây trung thế, gần 240km đường dây hạ thế, 363 trạm biến áp với tổng công suất gần 23.000kVA, tỷ lệ hộ dân có điện hơn 99%.

Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Long An - Võ Duy Linh thông tin: “Ngành điện luôn đặt yếu tố ATĐ lên hàng đầu, nhất là trong mùa mưa, bão. Vì vậy, ngành triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm ATĐ trong mùa mưa, bão. Vừa qua, trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra vụ tai nạn điện thương tâm làm 2 em học sinh tử vong và 4 em bị thương. Sau sự cố này, Điện lực Châu Thành cô lập nguồn điện, đến hiện trường phối hợp địa phương và người dân xử lý vụ việc, đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Theo ngành điện, qua điều tra, phân tích, nguyên nhân bước đầu do sét đánh trực tiếp vào đường dây và đứt đường dây điện. Còn nguyên nhân chính thức, ngành điện đang phối hợp ngành chức năng điều tra, làm rõ. Qua sự việc, ngành rút kinh nghiệm sâu sắc, tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố về điện. Theo đó, ngành thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến phức tạp do thiên tai gây ra nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất; tổ chức trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn nghiêm túc từ công ty đến các điện lực khi có thông tin bão, áp thấp nhiệt đới; tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền các biện pháp phòng tránh tai nạn điện cho người dân bằng nhiều hình thức và kiểm tra các đường dây sau điện kế mất an toàn; thực hiện tốt công tác bảo trì, khắc phục khiếm khuyết lưới điện, chặt tỉa cây xanh, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn và liên tục”.

Điện lực Vĩnh Hưng gia cố trụ điện, bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão

“Bên cạnh đó, ngành điện khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm một số yêu cầu để bảo đảm ATĐ trong mùa mưa, bão: Khi trời mưa, giông, bão, không chạm người vào cột điện, dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao để đề phòng điện giật do rò điện; không nên đi dưới đường dây điện khi trời mưa to, có giông sét để đề phòng sét đánh đứt dây gây tai nạn điện. Người dân không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè,... trong vùng ngập lũ có đường dây điện sát mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn. Khi mạng điện của gia đình có nguy cơ bị ngập nước do nước lũ, phải cắt cầu dao, cầu chì,... đầu nguồn điện vào nhà để đề phòng tai nạn điện và thông báo ngay với thợ điện địa phương biết để xử lý, bảo đảm an toàn; không tự ý sửa chữa điện của gia đình nếu không có kiến thức về điện, phải nhờ hoặc báo cho người có chuyên môn về điện đến sửa chữa; phải lắp cầu dao hoặc áptômát hoặc thiết bị ngắt nhanh ở phía sau điện kế, ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt nhanh dòng điện khi có chạm chập hoặc quá tải, ngăn ngừa phát hỏa do điện. Sau áptômát, cầu dao tổng, nên lắp đặt thiết bị chống dòng rò (chống giật). Khi xảy ra sự cố, người dân nhanh chóng báo điện lực để kịp thời xử lý” - ông Võ Duy Linh thông tin thêm.

Ngoài trách nhiệm của ngành chuyên môn, mỗi chúng ta cần tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong việc SDĐ an toàn, nhất là trong mùa mưa, bão./.

► Khi gặp bất cứ sự cố về điện hoặc nguy cơ gây ra sự cố về điện, khách hàng cần gọi ngay đến số 19001006 hoặc 19009000 để được tư vấn, hỗ trợ, giải quyết.

► Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn điện làm 6 người chết. Nguyên nhân chủ yếu do sửa chữa điện không cắt cầu dao, thiết bị hạ áp rò điện, đường dây sau điện kế không bảo đảm an toàn (dây thấp, mối nối, tróc vỏ).

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết