Tiếng Việt | English

24/04/2019 - 08:39

Bảo vệ động vật hoang dã

Hiện nay, khu vực chợ nông sản Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đang gấp rút thi công để sớm đưa vào hoạt động. Đây là một khu thương mại có nhiều hạng mục chính: Trạm dừng chân, trạm xăng dầu, siêu thị, chợ mua bán nông sản, bến bãi. Riêng khu vực mua bán động vật sẽ được bố trí vào trong nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo vẻ mỹ quan và thiện cảm cho du khách. Khi khu thương mại này đi vào hoạt động, sẽ có những quy định cụ thể về việc mua, bán động vật.

Chợ nông sản Thạnh Hóa được biết đến là khu vực bày bán nông sản Đồng Tháp Mười như sen, củ ấu, khoai mỡ, khoai mì, chanh, chim, cò, le le, vịt trời, cu gáy, các loài rắn, rùa. Tình trạng bày bán, treo, nhốt, giết mổ công khai các loài động vật hoang dã gây bức xúc, phản cảm trong mắt du khách.

Trước đây, trong cuộc họp với UBND huyện Thạnh Hóa, các ngành chức năng để tìm các giải pháp chấn chỉnh tình trạng bày bán, giết mổ động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đã chỉ đạo chính quyền, lực lượng công an vào cuộc quyết liệt để điều tra, xử lý các đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và chấn chỉnh tình trạng bày bán gây phản cảm tại đây.

Liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, UBND tỉnh mới có văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. UBND tỉnh yêu cầu tất cả công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành và được phổ biến các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không được mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng; không thực hiện phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Các cơ quan thực thi pháp luật: Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Công an phải tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp; hoạt động phóng sinh các loài ngoại lai nguy hiểm.

Bảo tồn đa dạng sinh học là bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên, tức là bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta. Đừng vì thích ăn “đặc sản” là động vật hoang dã mà góp phần phá vỡ sự đa dạng sinh học và vi phạm Luật Đa dạng sinh học./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích