Tiếng Việt | English

24/09/2020 - 21:09

Bayer hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với Covid-19 và hạn mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ

Ngày 22/9, nhằm hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn và khôi phục sản xuất, Bayer Việt Nam (Bayer) phối hợp tổ chức Tăng trưởng Châu Á - Grow Asia và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khởi động chương trình toàn cầu “Better Farms, Better Lives” (Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn) tại Việt Nam. Chương trình được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc Kinh doanh nhánh Khoa học Cây trồng, Bayer Việt Nam chia sẻ mục tiêu của dự án “Better Farms, Better Lives” và nỗ lực của Bayer giúp nông hộ sản xuất nhỏ tại khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ ứng phó COVID-19 và hạn mặn

Ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc Kinh doanh nhánh Khoa học Cây trồng, Bayer Việt Nam chia sẻ mục tiêu của dự án “Better Farms, Better Lives” và nỗ lực của Bayer giúp nông hộ sản xuất nhỏ tại khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ ứng phó COVID-19 và hạn mặn

Chương trình đặt mục tiêu giúp đỡ 80.000 nông hộ sản xuất nhỏ thông qua việc trao tặng các gói hỗ trợ "Better Life Farming" (Gói hỗ trợ canh tác thuận lợi). Các gói hỗ trợ sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế của người nông dân tại các địa phương, bao gồm các loại hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và tài liệu tập huấn tương ứng.

“Mục tiêu chung của chương trình là hỗ trợ các nông hộ sản xuất nhỏ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19 một cách bền vững, bảo đảm các sản phẩm thu hoạch đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế” - Giám đốc TT KNQG - Lê Quốc Thanh cho biết.

Vừa qua, hiệp định thương mại tự do giữa Liên Minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA đã có hiệu lực). Những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành Nông nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng EU vốn là thị trường khó tính. Bên cạnh những thời cơ, sẽ luôn là những thách thức. Theo đó, nông dân Việt Nam phải tăng năng suất và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường này. Song, việc nhiều quốc gia đóng cửa do dịch bệnh phức tạp tạo bất lợi về lưu thông hàng hóa, nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận hạt giống, nguồn thuốc bảo vệ thực vật & nguồn lao động cần thiết để canh tác. Nông dân đồng thời gặp cản trở trong việc thu hoạch kịp thời điểm, dẫn đến mất mùa, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập. Hệ quả là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm đến người tiêu dùng bị gián đoạn khiến giá thực phẩm tăng.

Thông qua các hoạt động thiết thực để hỗ trợ nông dân canh tác tốt hơn, dự án “Better Farms, Better Lives” không chỉ duy trì nguồn lương thực phục vụ tiêu thị trong nước và xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, từ đó tăng cường lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt và củng cố vị trí của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đại diện ban dự án “Better Farms, Better Lives

Đại diện ban dự án “Better Farms, Better Lives"

Chương trình được thực hiện với sự phối hợp của tổ chức Grow Asia,, một nền tảng do ASEAN thiết lập để kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất tại 7 tỉnh thuộc ĐBSCL và Đông Nam bộ.

Cụ thể, chương trình giúp nhà nông tăng cường cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ về bảo vệ thực vật, hỗ trợ tập huấn cho 80.000 nông hộ nhỏ tại khu vực ĐBSCL (trong đó hướng đến ít nhất 48% người hưởng lợi là nữ) thông qua việc cấp phát, hỗ trợ trực tiếp hạt giống bắp (cho 20.000 nông hộ trồng bắp tại 2 tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), sản phẩm bảo vệ thực vật giúp bảo vệ năng suất trước tình hình hạn hán, nhiễm mặn (cho 60.000 nông hộ trồng lúa tại 5 tỉnh vùng Tây Nam bộ là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau).

Bên cạnh đó, chương trình giúp nâng cao năng lực cho giảng viên khuyến nông và nông dân trong canh tác lúa và bắp bền vững thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP), từ đó giúp tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và sinh kế của các nông hộ nhỏ tại khu vực ĐBSCL. Lao động nữ là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận với các nguồn lực và kiến thức cần thiết, giúp họ tăng cường năng lực phòng, chống dịch Covid-19 cũng như kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng xung quanh.

Giám đốc Kinh doanh nhánh Khoa học Cây trồng, Bayer Việt Nam - Weraphon Charoenpanit chia sẻ: “Nông nghiệp quy mô nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực tại Việt Nam. Dự án “Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn” sẽ nhanh chóng hỗ trợ nông hộ quy mô nhỏ tiếp cận được các yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và các chương trình tập huấn xuyên suốt vụ Hè Thu năm nay và tiếp đó. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này không chỉ góp phần mang lại khả năng phục hồi cho các nông hộ sản xuất nhỏ mà còn bảo đảm tính ổn định, bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam”.

Ông Nguyễn Chí Hiếu, đại diện Tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) cam kết hỗ trợ nông dân Việt Nam khắc phục khó khăn sau hạn mặn và tác động của COVID-19

Ông Nguyễn Chí Hiếu, đại diện Tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) cam kết hỗ trợ nông dân Việt Nam khắc phục khó khăn sau hạn mặn và tác động của COVID-19

Ngoài các gói hỗ trợ kịp thời, Bayer cũng đang hợp tác với các đối tác để đưa ra kế hoạch trung và dài hạn nhằm xây dựng hệ thống nguồn lương thực bền vững và bảo đảm các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

"Trong trung hạn, sẽ có các khóa đào tạo về các biện pháp an toàn GAP, về Quản lý Sản phẩm và các biện pháp phòng tránh Covid-19 để hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ nâng cao năng suất, thu nhập và phúc lợi của họ”, ông Weraphon cho biết thêm.

TTKNQG cũng sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận các công cụ, công nghệ kỹ thuật số trong các chương trình đào tạo; đồng hành cùng nhà nông trong quá trình từ khi gieo hạt tới lúc thu hoạch thông qua các tư vấn về quản lý cây trồng, dịch hại cũng như các chương trình đào tạo trực tuyến để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong canh tác.

Đại diện Grow Asia tại Việt Nam, Điều phối viên Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (PSAV) - Nguyễn Chí Hiếu cho biết: “Nền tảng hợp tác đa bên thông qua các mô hình Đối tác Công tư PPP của Grow Asia và PSAV, kết hợp với chuyên môn của Bayer trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào và tư vấn chuyên môn trong ngành nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của người nông dân. Dự án với Bayer là một ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực hợp tác theo mô hình Đối tác Công Tư PPP trong nông nghiệp cùng nhau để vượt qua khó khăn”.

Toàn cảnh lễ Khởi động dự án “Better Farms, Better Lives” tại Việt Nam

Là một trong những nữ nông dân được sự hỗ trợ của dự án, chị Trịnh Thị Mồi, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: “Năm nay, hơn 4ha ruộng đất vườn nhà tôi bị nhiễm mặn và không có dấu hiệu phục hồi, thu nhập của gia đình tôi và các hộ khác cũng thấp hơn nhiều so với năm ngoái vì dịch Covid-19. Chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước và các tổ chức như Bayer và Grow Asia đã nỗ lực giúp đỡ người dân, giúp chúng tôi có được hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các kiến thức hữu ích để phục hồi sản xuất”.

Bayer cam kết hỗ trợ 100 triệu nông hộ sản xuất nhỏ ở các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp đến năm 2030. Những sáng kiến kịp thời từ chương trình “Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn” đã bổ sung vào chuỗi các hoạt động hỗ trợ người nông dân của Bayer. Các hoạt động này sẽ thúc đẩy việc phục hồi trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các nông hộ sản xuất nhỏ./.

An Thuận

Chia sẻ bài viết