Tiếng Việt | English

23/07/2019 - 19:12

Bến Lức: Nguồn vốn chính sách góp phần tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn

Nhiều năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bến Lức, tỉnh Long An triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm, giúp nhiều hộ dân có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bến Lức - Nguyễn Thị Minh Nguyệt thông tin, tính đến tháng 6-2019, tổng dư nợ của PGD đạt trên 212 tỉ đồng, tăng hơn 8,5 tỉ đồng so với đầu năm. Với kết quả trên, tăng trưởng đạt 4,18%, với gần 9.800 khách hàng còn dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tập trung vào các chương trình tín dụng như hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh - sinh viên, nhà ở xã hội,...

Đặc biệt, PGD NHCSXH huyện luôn phối hợp tốt các cấp hội chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, công tác bình xét cho vay chương trình giải quyết việc làm. Đến nay, dư nợ chương trình giải quyết việc làm trên toàn huyện đạt gần 10,6 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ, tăng gần 1,6 tỉ đồng so với đầu năm 2019. Số tiền trên được giải ngân cho hơn 300 khách hàng và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Cơ sở sản xuất đèn cầy do ông Mai Xuân Kim làm chủ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Cơ sở sản xuất đèn cầy do ông Mai Xuân Kim làm chủ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Cơ sở sản xuất đèn cầy của gia đình ông Mai Xuân Kim nằm bên cạnh con đường láng nhựa nhỏ thuộc ấp 7B, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức. Ông Kim trước đây sống tại TP.HCM và lập nghiệp ở Long An khoảng 10 năm nay với nghề sản xuất đèn cầy. Được sự hỗ trợ từ các hội, đoàn thể ấp 7B, ông Kim tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH nhiều năm nay. Lần gần đây nhất, ông được giải ngân 50 triệu đồng. Ông Kim chia sẻ: “Với số vốn vay trên, tôi có thể chủ động mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trước đây, quy mô sản xuất của gia đình tôi nhỏ thôi, nhờ nguồn vốn vay này có điều kiện mở rộng sản xuất”.

Hiện nay, bình quân mỗi tháng, ông Kim sản xuất và bán ra thị trường khoảng 200 thùng đèn cầy. Thị trường ở khu vực Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận. Chủ động được nguồn vốn và chất lượng đèn cầy tốt, cơ sở sản xuất ngày một ổn định, khách hàng ngày càng nhiều nên cơ sở tạo việc làm ổn định cho khoảng 10 lao động.

Bà Nguyễn Thị Tâm là một trong những người làm công tại cơ sở sản xuất đèn cầy do ông Kim làm chủ. Bà Tâm cho biết: “Tất cả lao động tại cơ sở là người trong ấp. Bình quân mỗi ngày, 1 lao động làm việc 8 giờ và nhận được tiền công 150.000 đồng. Đa số lao động là phụ nữ tuổi trung niên, không thể tiếp cận việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Tuy làm tại cơ sở nhỏ nhưng chủ rất quan tâm đến người lao động thông qua việc mua bảo hiểm y tế cũng như lương, thưởng tháng 13. Đây là động lực lớn giúp người lao động gắn bó với cơ sở”. 

Cách nhà ông Mai Xuân Kim không xa là cơ sở sản xuất cửa sắt của ông Phạm Tấn Dự, cùng ngụ ấp 7B, xã Mỹ Yên. Cũng giống như ông Kim, ông Dự được vay vốn 50 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện Bến Lức. Ông Dự chia sẻ: “Tôi làm cửa sắt đã nhiều năm. Trước đây, khi chưa có nguồn vốn này, mỗi khi có khách hàng đặt cửa, tôi mới mua sắt. Nhưng từ ngày tiếp cận được nguồn vốn, tôi luôn mua sắt để sẵn, chủ động hơn trong sản xuất và giá cả cạnh tranh hơn”. 

Cơ sở sản xuất cửa sắt do ông Phạm Tấn Dự làm chủ tạo việc làm cho 4 lao động

Cơ sở sản xuất cửa sắt do ông Phạm Tấn Dự làm chủ tạo việc làm cho 4 lao động

Ông Dự cho biết thêm, hiện tại, khách hàng của cơ sở thuộc khu vực xã Mỹ Yên, Thanh Phú và một phần ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Có khách hàng ổn định, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/ngày. 

Theo ông Lê Văn Lắng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp 7B, tổ có 60 hộ vay vốn với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng, trong đó có 8 hộ vay vốn giải quyết việc làm. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, tuy nguồn vốn giải ngân thuộc chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện chưa nhiều nhưng hầu hết các mô hình đều hoạt động hiệu quả. Những mô hình hoạt động góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình. Thời gian tới, PGD tăng cường kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích