Bến Lức là huyện có diện tích trồng chanh nhiều nhất tỉnh Long An với gần 3.000ha chanh đang cho trái (90% chanh không hạt). Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn huyện rất lo lắng về tình hình dịch bệnh trên cây chanh: Sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bệnh ghẻ, xì mủ thân, vàng lá thối rễ và đặc biệt là bệnh nấm hồng.
Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bến Lức - Trần Thị Mỹ Hằng cho biết: Hiện tại, nấm hồng là bệnh đáng lo ngại nhất trên cây chanh. Đến nay, diện tích nhiễm bệnh gần 700ha, giảm hơn 100ha so với đầu tháng 8-2015. Tỷ lệ nhiễm bệnh từ 5-10% từ cấp 1 đến cấp 3; nguyên nhân do thời tiết phức tạp.
Trước tình hình trên, trạm đã triển khai các mô hình quản lý bệnh, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân trồng chanh ở các xã Lương Hòa, Lương Bình, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi. Trạm khuyến cáo người dân phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; chăm sóc xử lý chanh ra hoa trong thời gian nghịch mùa phải phun thuốc đúng liều lượng, tránh lượng thuốc tồn dư trong đất gây ảnh hưởng.
Người dân cần lưu ý khi sử dụng thuốc diệt cỏ có thể ảnh hưởng đến cây trồng, sử dụng tro bỏ gốc không bảo đảm chất lượng, sử dụng phân chuồng chưa hoai mục,... Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên cây chanh.
Bệnh nấm hồng trên cây chanh giảm hẳn nhờ thực hiện hiệu quả mô hình quản lý dịch bệnh
Bà Trần Thị Đơn, ngụ ấp 6, xã Thạnh Lợi, chia sẻ: “Gia đình tôi có 0,5ha chanh không hạt, tỷ lệ nhiễm bệnh nấm hồng khoảng 5,36%. Sau khi tham gia thực hiện mô hình quản lý dịch bệnh, tỷ lệ chanh nhiễm bệnh nấm hồng chỉ còn 3,27%. Nhiều hộ có chanh nhiễm bệnh với tỷ lệ 8,71% nhưng khi tham gia mô hình giảm còn khoảng 3%”.
Phó Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ khuyến cáo: “Nông dân trồng chanh cần lưu ý cách chăm sóc, bón phân đúng liều lượng: Bón cân đối phân NPK đối với chanh trồng mới, cắt tỉa cành, tạo tán; đối với cây chanh thời kỳ kinh doanh, cần tỉa cành, loại bỏ những cành sâu bệnh để kích thích cây phát triển, vừa tạo thông thoáng vừa tăng năng suất; tăng cường bón phân hữu cơ và sử dụng nấm Trichoderma; phun thuốc gốc đồng để trị bệnh, nếu có điều kiện nên cạo nhẹ vết bệnh trước khi phun thì hiệu quả sẽ cao hơn; nên trét thuốc gốc đồng 1 năm 2 lần trước và sau mùa mưa để phòng bệnh”./.
Hải Phong