Bởi bất cứ resort hạng sang, những khách sạn lớn nhỏ, từ các con đường, các điểm du lịch nổi tiếng cho đến những ngôi nhà trên cùng dãy phố đều tuyệt nhiên không hề có số nhà 13, số phòng 13 và con đường thứ 13 nào. Phải chăng, người Đà Nẵng rất mê tín?, hay sự phát triển hiện đại của một thành phố du lịch phải song hành với “du nhập” văn hóa phương Tây tạo ra nỗi sợ con số kiêng kỵ? Chỉ đến khi “bí ẩn” về chuyện lạ này đã được các ngành chức năng “giải mã”…
Những tòa nhà, khách sạn cao ốc nổi tiếng của Đà Nẵng nằm ở vị trí đắc địa cũng hoàn toàn “xa lạ” với con số 13.
“Đến Đà Nẵng đố tìm được nhà hay phòng khách sạn số 13”!
Đang vào dịp nghỉ hè, nắng nóng, nên không lạ khi thành phố biển hiện đại, xanh, sạch nổi tiếng như Đà Nẵng mỗi ngày đón hàng ngàn du khách đến tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Nhưng cặp vợ chồng mới cưới Kymita Masanobu (28 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) ngoài chọn Đà Nẵng cho tuần trăng mật, thì họ còn đến để thỏa mãn sự hiếu kỳ: “Thuê cho bằng được phòng khách sạn số 13” hoặc “tìm được ngôi nhà có số 13”. Thật tiếc là, suốt 5 ngày lưu trú tại Đà Nẵng, cặp vợ chồng thích khám phá Kymita Masanobu có tìm đỏ mắt cũng không thể nào thỏa mãn được ý định kỳ lạ đó của mình.
Theo Kymita Masanobu chia sẻ, anh là một thanh niên rất ham mê du lịch và khám phá. Chính vì vậy, rất hứng thú khi được bạn bè từng du lịch đến Đà Nẵng – Việt Nam “bật mí” rằng Đà Nẵng không chỉ đẹp, nhiều thắng cảnh nổi tiếng mà còn chứa một bí ẩn “thành phố không số 13”…
Không riêng gì sự hiếu kỳ của vợ chồng du khách người Nhật Kymita Masanobu, rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng đã từ ngạc nhiên đến tò mò khi không thể nào “phát hiện” ra phòng khách sạn, căn nhà hay các quán ăn nổi tiếng mang biển số 13. Thậm chí, dọc các con phố đi bộ nổi tiếng, điểm mua sắm dành cho du khách, hay kể cả trong các kiệt hẻm nhỏ, chỉ có nhà bên số lẻ được đánh số 11 rồi tới số nhà 15, tuyệt nhiên không đánh số nhà 13.
Để tìm hiểu kỹ thêm về “số nhà 13 không hiện diện”, phóng viên đã tìm đến khắp các tuyến đường chính, ngõ hẻm các quận Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà… và quả thật, không có nhà nào có số nhà 13. Dọc con đường biển quyến rũ nhất hành tinh của Đà Nẵng là Trường Sa – Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa, nếu tinh ý du khách sẽ phát hiện ra có rất nhiều khách sạn lớn bé tự vẽ số, hoặc thậm chí sơn đậm thật lớn con số 9 ngay tường, hay sảnh chính của mình. Nhưng tuyệt nhiên, không hề có tòa nhà, khách sạn nào đánh con số 13 được hiện diện.
Và khi được hỏi nguyên do của sự lạ kỳ này, một chủ khách sạn có đánh số 09 ngay đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa lý giải: Số 9 là số cực kỳ may mắn, đem lại sự thịnh vượng trong làm ăn. Còn số 13 thì mặc nhiên là không thể “thu nhận”. Mặc dù khách sạn không nằm đúng đánh số nhà “11 hay 15” của UBND thành phố như theo quy định, nhưng thậm chí trong khách sạn này cũng hoàn toàn không có phòng số 13. Bởi chắc chắn, nếu có phòng số 13 đi chăng nữa thì khách thuê phòng, đặc biệt là khách Tây sẽ không nhận. Đương nhiên, những phòng số xui này sẽ phải chịu cảnh “ế khách” hoặc bỏ trống cho dù đang vào cao điểm mùa du lịch đi chăng nữa.
Một quản lý của khách sạn 5 sao F. nổi tiếng khác trên đường Võ Nguyên Giáp cũng khẳng định: “Đã kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng thì tuyệt không liên quan đến số 13”?!…
Không chỉ riêng các chủ nhà hàng, khách sạn kỵ số 13, những hộ dân bình thường như bà Nguyễn Thị Tính (quê Nghệ An, nguyên là cán bộ Khu Đường bộ 5), chủ căn nhà số 15 đường Lê Lợi (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ rằng: Cả gia đình bà nhập cư vào Đà Nẵng từ những năm 1980, nhưng hơn 30 năm nay bà chưa phát hiện nhà nào có gắn số 13. Cách đây khoảng 10 năm, theo quy hoạch của thành phố, UBND phường đã lập danh sách và quận cấp giấy chứng nhận số nhà mới cho gia đình bà là số nhà 15. Nhưng điều kỳ lạ là hai nhà sát vách hai bên lại là số 11, tiếp đến 17 chứ không phải số nhà 13 theo thứ tự.
Khi gắn biển số nhà mới, các cán bộ địa chính của phường đã giải thích rằng: Do người dân không thích, thậm chí là không chịu nhận số nhà 13 nên phường, quận đã không còn cấp số “kỵ” này nữa. Bà Tính mặc dù không bao giờ mê tín hay quan niệm về số má, nhưng bà cũng thú thực: Nhà mang số 15 thì vẫn thích hơn số 13 trừ khi phải bắt buộc lấy…
Thành phố du lịch tối kỵ “số xấu” từ khi nào?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về “hiện tượng” lạ trong đánh số nhà ở Đà Nẵng, Phó trưởng phòng Quản lý nhà, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng ông Trần Văn Quảng cho rằng: Việc cấp số nhà hiện nay ở Đà Nẵng thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng và Quyết định 84/2006/QĐ-UBND ngày 27/9/2006 của UBND TP. Đà Nẵng về Ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, tại Điều 4 của quy chế trên thì “Đánh số nhà mặt đường và nhà trong kiệt, trong hẻm được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3…n) với số từ nhỏ đến lớn theo quy định. Nhà bên trái thì lấy số lẻ (1, 3, 5, 7… n), nhà bên phải thì lấy số chẵn…”.
Theo ông Quảng, cũng từ năm 2006, việc cấp biển số nhà được thành phố giao cho quận, huyện thực hiện. Sở Xây dựng chỉ quản lý về mặt nhà nước. Theo quan niệm trong người dân, nhiều người không thích số 13 nên người dân đề nghị được lấy số khác, từ đó khi phường lập danh sách thường bỏ qua số 13. Qua khảo sát thì người dân rất đồng tình về việc này, cũng thừa nhận chưa thấy đường nào ở Đà Nẵng có số 13.
Lý giải về hiện tượng “thành phố không số 13”, nhà nghiên cứu về văn hóa phương Đông (trú tại TP. Đà Nẵng), ông Nguyễn Thiếu Dũng cho rằng: Sở dĩ con số 13 người dân “kiêng kỵ” đó là theo quan niệm của phương Tây: “thứ 6 ngày 13, ngày Chúa bị đóng đinh”. Dần về sau, sự phát triển và gia nhập của văn hóa phương Tây đã phần nào ảnh hưởng đến người dân.
Theo ông, trong nền văn hóa của nhiều dân tộc, con số 13 bị coi như một điềm gì đó không may mắn, vì thế năm 2013 cũng đã bị cho rằng là năm sẽ xảy ra thiên tai khủng khiếp. Được biết, không chỉ riêng Đà Nẵng có sự kỳ lạ phố không số 13 mà nhiều nước trên thế giới như Vương quốc Anh, Canada hay Australia, chúng ta không thể tìm thấy một ngôi nhà có địa chỉ số 13.
Trên máy bay của tất cả các hãng hàng không Đức đều thiếu hàng ghế thứ 13. Trên các đường phố Mỹ cũng không bao giờ nhìn thấy những xe buýt mang con số 13, không bao giờ được ở trên tầng thứ 13, cũng không phải tá túc ở những căn phòng có ghi số 13. Để loại trừ con số này, người ta nghĩ ra đủ mọi cách. Ví dụ, trong một số tòa nhà cao tầng, chung cư có thể tìm thấy tấm biển ghi các ký hiệu nhà "12-A", "B-12" hoặc "12 +1".
Cũng liên quan đến số 13 tối kỵ này, thời gian gần đây, hiện tượng "thứ sáu ngày 13" đã phần nào du nhập và “ảnh hưởng” đến tâm lý mê tín, kỳ thị ngày xấu của người dân Việt. Ở nước ngoài, các bác sĩ tâm thần đã phát minh ra một thuật ngữ đặc biệt - paraskavidekatriafobiya (sợ thứ sáu ngày 13). Thì hiện tại không ít bạn trẻ Việt đã tự huyễn hoặc, mặc định xem thứ sáu ngày 13 như là một mốc thời điểm sẽ gặp nhiều bất trắc, xui xẻo. Mà thực ra, nỗi sợ hãi con số 13 thực chất chỉ là mê tín dị đoan, chứ chưa có chứng thực nào về những rủi ro mà con số 13, ngày thứ 13, hay nhà số 13 mang lại.
Ông Mai Phước Thành, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Hải Châu) cũng đã xác nhận với PV: Từ những năm 1993, ông là cán bộ địa chính của phường Thạch Thang. Rồi từ năm 1995, TP. Đà Nẵng bắt đầu thực hiện cấp biển số nhà. Tuy nhiên, người dân không chịu lấy biển số 13 vì họ cho rằng quan niệm cấm kị số đó nên kiến nghị lên thành phố không lấy số 13. Từ đó, về sau này, dường như trở thành tiền lệ nên khi phường lập danh sách thì không dùng số 13 nữa…
Trên các bản đồ quy hoạch khu dân cư mới, thậm chí các lô đất tái định cư cũng thiếu vắng khu quy hoạch hay lô đất thứ 13. Một phần cũng do bởi các chủ dự án đều một mực từ chối, hoặc các cá nhân không một ai muốn nhận lô thứ 13 về mình mặc dù nó nằm ở một vị trí đắc địa đi nữa... Khi PV đặt vấn đề, liệu làm như thế thì có sai quy định của nhà nước không, ông Thành cho rằng: “Không phù hợp quy định nhưng thực tế phù hợp với tâm lý và có sự đồng thuận của người dân”./.
Theo CAND/Theo VOV.VN