Tiếng Việt | English

20/07/2019 - 05:03

Bộ trưởng Công Thương: Cần tìm ra căn nguyên để ngăn chặn buôn lậu

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tuy quản lý thị trường là ngành dọc nhưng không thể tách đứng riêng một mình trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường. (Ảnh: dms.gov.vn)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường. (Ảnh: dms.gov.vn)
"Lực lượng Quản lý thị trường không chỉ đi kiểm tra cho đủ số lượng. Không chạy theo số lượng, cần đi thẳng vào bản chất của vụ việc. Giống như ông thầy cắt thuốc chữa bệnh, chúng ta cần tìm ra căn nguyên của nó.”

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường trong ngày 18/7, tại Hà Nội.

Báo cáo về lĩnh vực chuyên môn, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong nửa đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã hoàn thành việc thành lập 63/63 tổ chức Đảng của Cục Quản lý thị trường trực thuộc Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, thành phố.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã sáp nhập các đội Quản lý thị trường, giảm 164 đội Quản lý thị trường cấp huyện và cơ bản hoàn thành mục tiêu tinh giản, giảm số lượng đội Quản lý thị trường cấp huyện trong năm 2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đến thời điểm hiện nay, ngành đã bổ nhiệm chính thức được lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng của cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường và 10 Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, hầu hết các cục đã bổ nhiệm xong cấp phòng, đội.

Ngoài ra, Tổng cục cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản chấn chỉnh công tác kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của công chức quản lý thị trường.

Theo ông Linh, Tổng cục cũng đang triển khai Đề án xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc, như: xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm thống kê xử phạt vi phạm hành chính; quản lý về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tuy quản lý thị trường là ngành dọc nhưng không thể tách đứng riêng một mình trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại. Cần phải đặt trong tổng thể trong hoạt động chung với các cơ quan chức năng của Chính phủ để thực hiện những nhiệm vụ chung.

Bộ trưởng yêu cầu từng cán bộ lực lượng quản lý thị trường phải quán triệt trong nhận thức, hiểu rõ tình hình trong bối cảnh mới từ đó đặt ra những yêu cầu cho Bộ Công Thương cũng như Tổng cục.

Người đứng đầu Bộ Công Thương lưu ý Tổng cục Quản lý thị trường cần xác định lại vai trò, nhiệm vụ của đơn vị trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng khác để thực hiện nhiệm vụ.

“Trong thời gian tới, vấn đề hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại không chỉ liên quan đến thị trường trong nước mà liên quan cả thị trường nước ngoài, có thể phải đấu tranh đánh chặn ngay từ khâu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam,” Bộ trưởng nêu rõ.

Ông cũng yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương nhằm đấu tranh có hiệu quả với vấn nạn trên.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hàng giả đã và đang tràn lan trên thị trường. Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, xăng dầu đến các sản phẩm may mặc đều có hàng giả, thậm chí hàng giả còn 'có mặt' từ cơ sở sản xuất cho đến các trung tâm phân phối lớn ở các thị trường, do vậy Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần làm rõ quy mô tác động của nó đến phát triển kinh tế xã hội, phát triển thị trường, đến người tiêu dùng, đến doanh nghiệp và người sản xuất và phải tìm ra nguyên nhân, cách thức xử lý.”

Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường cần nghiên cứu cơ chế, quy chế vận hành như thế nào để đảm bảo cơ chế phối hợp dọc, phối hợp ngang giữa các bộ ngành và các địa phương./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết